Monday, November 25, 2024
Trang chủThâm cung bí sửVua Hàm Nghi: Đi đày châu Phi vẫn áo dài khăn đống...

Vua Hàm Nghi: Đi đày châu Phi vẫn áo dài khăn đống An Nam, an nghỉ trong nắng ấm miền Tây Nam nước Pháp

Tỉnh Dordogne thuộc vùng Aquitaine, miền Tây Nam nước Pháp được phủ kín bởi màu xanh mát của rừng, của đồng ngô, của dòng sông uốn lượn và bầu trời cao thẳm… Phong cảnh nơi đây nổi tiếng với những lâu đài cổ kính, đồi núi cây xanh, nắng hạ ấm áp, tiện lợi cho việc tĩnh dưỡng nghỉ ngơi.

Với riêng người Việt Nam, Dordogne còn gợi lên một nỗi u hoài khi về tới Château de Losse (Lâu đài Losse) của hoàng tộc An Nam xưa kia, và cách đó không xa là nơi hoàng đế Hàm Nghi an nghỉ sau một cuộc đời mất nước đau thương và đi đày biệt xứ.

Hàm Nghi (1871 – 1944), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ưng Lịch từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ chứ không như hai người anh ruột ở trong cung. Ngày 2 tháng 8 năm 1884 ở điện Thái Hoà, ông được các phụ chính đại thần chủ trương chống Pháp là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13.

Vị vua có lòng tự tôn dân tộc

Nửa tháng sau, Đại tá Guerrier cầm đầu 185 sĩ quan binh lính đến hoàng thành dự lễ phong vương. Guerrier buộc triều đình Huế phải để phái đoàn đi lối giữa vào Ngọ Môn thường dành riêng cho vua. Triều Nguyễn cự tuyệt. Quân Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận mọi thành phần quan khách đi cửa phụ hai bên trừ 3 người là đại tá Guerrier, khâm sứ Rheinart và đô đốc Wallarrmé vào cổng chính.

Tính khí khái của vị hoàng đế trẻ vừa lên ngôi vô tình khơi lại niềm kiêu hãnh dân tộc tự chủ, gióng lên tiếng chuông thức tỉnh thần dân. Bất kể lính Pháp đóng quân tại cố đô, vua Hàm Nghi và triều đình Huế vẫn tỏ thái độ đối đầu không hèn…

Năm sau 1885, thống tướng De Courcy biệt phái sang Đông Dương để phụ lực đặt nền bảo hộ. Khi sửa soạn yết kiến vua Hàm Nghi, De Courcy ra yêu sách cũ là phái đoàn tháp tùng 500 người phải đi vào cung vua bằng cửa giữa. Triều đình Huế lại đề nghị như lần trước cho đúng lễ nghi nhưng De Courcy từ chối thẳng thừng.

Thấy người Pháp khinh mạn vua mình như vậy nên Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định ra tay trước: đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá. Lính Pháp phản công tảng sáng hôm sau, quân triều Nguyễn thua, bỏ kinh thành Huế chạy đến Tân Sở. Nơi đây, vào đầu tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nông dân nổi dậy chống Pháp giành độc lập.

Trong suốt thời gian kháng chiến của vua Hàm Nghi, vua anh Đồng Khánh và 3 bà Thái hậu liên tục gửi thư kêu gọi vua trở về nhưng ông khẳng khái từ chối. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Paul Bert cũng đã định lập Hàm Nghi làm vua 4 tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh Bình nhưng cũng không thành. Nhà vua thường nói mình ưa chết trong rừng hơn là trở về làm vua mà ở trong vòng cương tỏa của người. (1)

Dân chúng hưởng ứng phong trào Cần Vương rất đông. Gosselin trong cuốn “L’Empire de l’Annam” cho rằng: “Tên của ông ta đã trở thành ngọn cờ của nền độc lập quốc gia… Từ Bắc chí Nam, đâu đâu dân chúng cũng nổi lên theo lời gọi của ông vua xuất hạnh”. Tiếc thay vì lực lượng tản mát nên thế cô! Tháng 9 năm 1888, nhà vua bị bắt do nội phản, khi mới 17 tuổi.

Ngày nay, lịch sử Việt Nam xem vua Hàm Nghi cùng với Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc. Các học giả nhận định rằng:

Lưu đày biệt xứ vẫn đau đáu trời Nam

Người Pháp quyết định đày vua Hàm Nghi sang xứ Algérie ở Bắc Phi. Khâm sứ Rheinart báo cho ông biết là thái hậu đang ốm nặng, nếu nhà vua muốn thăm hỏi thì sẽ cho rước về gặp mặt. Nghe vậy, vua Hàm Nghi đáp: “Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ gì đến cha mẹ, anh em nữa”, rồi ông cáo từ về phòng riêng. Sau khi bị truất, cựu hoàng được chính thức gọi là quận công Ưng Lịch.

Vào 4 giờ sáng ngày 25 tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu đi vào Lăng Cô. Trước phút rời xa quê hương, nhà vua nhìn lên bờ, không nén được cảm xúc vì nỗi niềm riêng và vận nước nên đã òa khóc. (4)

Từ Sài Gòn, ngày 13 tháng 12 năm 1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống chiếc tàu mang tên “Biên Hòa” vượt đại dương đi Bắc Phi. Do không quen đi trên biển, nhà vua bị say sóng liên miên nhưng vẫn không hề thốt ra một lời kêu ca, oán thán. Chiều chủ nhật, 13 tháng 1 năm 1889, Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algérie. Lúc này ông vừa bước qua tuổi 18.

Suốt cuộc đời lưu vong, cựu hoàng không bao giờ nguôi ngoai niềm thương nước cũ. Thời gian đầu ở Alger, ông từ chối học tiếng Pháp vì cho rằng đây là ngôn ngữ của kẻ xâm lăng. Chỉ bắt đầu từ tháng 7, có nghĩa là 6 tháng sau, ông mới chấp nhận học tiếng Pháp. Có lẽ Hàm Nghi hiểu ra rằng phiên dịch của ông sẽ không vĩnh viễn ở lại Alger, và ông cần phải tự lập về ngôn ngữ để có thể giao tiếp và sinh sống tại xứ này.

Đến năm 1904, vua Hàm Nghi bước vào tuổi trung niên, kết hôn với cô Marcelle Laloe, con gái của chánh án tòa thượng thẩm Alger. Đám cưới long trọng trở thành một hiện tượng văn hóa của thủ đô Alger mà chú rể xứ An Nam vẫn trịnh trọng khăn đống áo dài bên cạnh chiếc áo cưới lộng lẫy của cô dâu Tây phương.

Vua Hàm Nghi cùng bà Marcelle Laloe xây một ngôi nhà mới, có tên là “Biệt thự Gia Long”, do Guiauchain, một kiến trúc sư người Pháp tại Alger thiết kế. Nhà vua sống trọn đời tại đây cùng với gia đình. Họ có ba người con là công chúa Như Mai (1905 – 1999), công chúa Như Lý (1908 – 2005) và hoàng tử Minh Đức (1910 – 1990).

Duyên phận với Thonac, Dordogne

Thonac là quê vợ nên vua Hàm Nghi và bà Laloe đã mua Château de Losse lúc sinh thời. Thời gian sau, công chúa Như Mây sống cuộc đời độc thân trong lâu đài. Những năm cuối vì thiếu tiền bảo quản nên công chúa phải bán đi rồi dọn sang căn hộ nhỏ ở chung với quản gia. Dân làng Thonac đánh giá hạnh phúc của gia đình cựu hoàng rất cao.

Công chúa Như Mây là người phụ nữ đầu tiên đậu thủ khoa kỹ sư canh nông Pháp, được cư dân ở đây mến mộ và lưu truyền những kỷ niệm tốt đẹp.

Hoàng tử Minh Đức xuất thân từ trường quân đội Saint-Cyr, năm 1946 từ chối nhiệm vụ sang Đông Dương với lời tuyên bố: “Tôi không thể cầm súng bắn lại đồng bào tôi”. Ông không có con thừa kế và mất năm 1990.

Công chúa Như Lý tốt nghiệp tiến sĩ y khoa, lập gia đình với công tước François Barthomivat de la Besse và có 3 người con.

Giờ đây, họ đều đã thành người thiên cổ. Hai người Việt xa xứ từng chia sẻ cảm xúc của mình khi viếng thăm phần mộ của vua Hàm Nghi ở nghĩa trang làng Thonac (5):

“Mặt trời tháng Bảy vừa tỏa ánh nắng đầu ngày trên sông Vézère, Lân và Trinh đã lên đường thăm Thonac nơi tọa lạc Château de Losse rồi viếng mộ hoàng tộc ở nghĩa trang. Vừa bước vào, hai người đã thấy nhiều khu vực cũ thiếu bảo trì. Những ngôi mộ bỏ hoang, không được chăm sóc theo định kỳ thì xã trưởng dán thông báo sẽ bốc tro cốt đi nơi khác.

Giữa không gian thê lương cố hữu ở nơi chôn cất, nỗi buồn không tên chiếm hữu tâm hồn người tảo mộ lúc nào không hay và còn buồn hơn khi đứng trước tấm bia của vị hoàng đế lạc lõng nơi quê người. Màu thời gian trên mộ tạo hình ảnh hoang tàn tại khu đất hoàng gia. Rêu phong mọc trên lớp đá vân cẩm thạch thành màu đen che kín.

Từ khi hoàng tử và hai công chúa khuất mất thì khu đất của vua Hàm Nghi hầu như không người chăm sóc.

Xã trưởng vì nể tình và thấu hiểu hoàn cảnh vị vua An Nam bất hạnh nên vẫn giữ nguyên, không dán giấy nhưng Lân và Trinh đã động lòng, không thể để mộ bia của một quân vương anh hùng nước Việt trong tình trạng tối tăm u uất như thế!

Trinh hỏi thăm bà Culine về người quản lý chuyên lo chỉnh trang phần mộ. Họ tiếp xúc và sẵn lòng chi trả tất cả phí tổn để làm mới lại khu an nghỉ của hoàng gia trước khi kết thúc chuyến nghỉ hè dự tính an nhàn mà biến thành công tác xã hội mang theo những kỷ niệm khó quên…

Ngẫm nghĩ lại câu chuyện vừa kể, vua Hàm Nghi vì muốn bảo tồn danh dự của dân tộc Việt trước thực dân Pháp mà bị đày ải một đời gian truân. Quân vương nước Nam đã dám nói không với đại tá Guerrier và khi tướng De Courcy nói không với triều đình thì ngài nổ súng, rời ngai vàng và tuyên hịch “Cần Vương”. Vua Hàm Nghi không ngần ngại làm những gì phải làm dựa theo đạo lý giống như lời ngài dạy dỗ các con: “Si vous ne pouvez pas être de bon Vietnamien, soyez de bien Francais” (Nếu các con không thể là người Việt Nam tốt thì hãy là người Pháp tốt.)”

Dòng máu hoàng tộc nước Nam vẫn chảy

Vào năm 2014, đài RFI (6) đã đăng một bài phỏng vấn cô Amandine Dabat, cháu năm đời của vua Hàm Nghi đang làm luận văn tiến sĩ về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi tại đại học Sorbonne-Paris 4. Lịch sử dường như còn tiếc thương vị vua nước Việt, và hồn Việt Nam như còn phảng phất tại kinh đô Paris.

Các thành viên hậu duệ gia đình vua Hàm Nghi đã từng tới du lịch Việt Nam với mong muốn khám phá quê hương tổ tiên mình. Bản thân Amandine Dabat là người sống tại Việt Nam lâu nhất, khoảng 18 tháng, để phục vụ luận văn nghiên cứu của cô. Tuy nhiên, hậu duệ vua Hàm Nghi vẫn giữ di hài ông yên nghỉ tại Dordogne, Pháp để họ có thể dễ dàng đến viếng mộ tổ tiên.

Tỉnh Dordogne còn được gọi là Périgord, cái tên cổ bắt nguồn từ người Gaulois “Pétrocores”, có nghĩa là dân tộc của Bốn Đạo Quân. “Périgord bây giờ được chia làm bốn vùng nhỏ, mang tên tương ứng với sản phẩm đặc trưng cho từng vùng. Périgord Vert, ở phía Bắc, xanh màu rừng dẻ. Périgord Blanc ở trung tâm, trắng màu vách đá vôi. Périgord Purpre ở phía Tây Nam, tím màu rượu vang và lá nho mùa thu. Périgord Noir, phía Đông Nam, đen màu rừng sồi âm u và màu nấm truffe. Tôi hình dung vị vua An Nam đáng kính đang mỉm cười giữa bốn màu dịu dàng của Dordogne.

RELATED ARTICLES

876 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới