Bất chấp sự phản đối của dư luận, triển lãm các thi thể người đã nhựa hóa vẫn tiếp tục được xoay tua tại nhiều nơi trên thế giới với cái cớ là để giúp tìm hiểu thân thể người và kiến thức y học. Rất nhiều người vẫn đang xếp hàng chờ xem mà không biết rằng đằng sau đó có thể chứa đựng những điều hắc ám vô tận. Hầu hết các thi thể có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng không rõ ràng.
Mỗi cơ thể nhựa hóa được bán với giá một triệu đô la. Uớc tính rằng Tùy Hồng Cẩm đã bán gần 1.000 mẫu vật cho các nước từ năm 2004.
Lợi nhuận khổng lồ từ thi thể người chết
Mẫu vật của triển lãm là các thi thể người được xử lý và nhựa hóa, rồi tạo dáng ra nhiều tư thế khác nhau, có thể là đứng, ngồi, cưỡi ngựa, ném bóng, chơi đàn, hút thuốc, đánh bài, đọc báo… Vì lớp da đã bị lột đi, người xem có thể thấy từng thớ cơ, mạch máu, dây thần kinh, bộ não cũng như các cơ quan nội tạng khác. Tất cả các mẫu vật đều là từ người thật.
Một trong những mẫu vật gây chú ý nhất, đó là một người phụ nữ trẻ Trung Quốc đang mang thai 8 tháng với cái bụng bị cắt mở ra, và người ta có thể thấy các cơ quan nội tạng, đặc biệt là cái thai trong bụng.
Hiện có hai triển lãm lớn nhất và cạnh tranh với nhau, đó là “Thế giới cơ thể người” (Body Worlds) thuộc về ông Gunther Von Hagens người Đức, và “Triển lãm cơ thể người” (Bodies…The Exhibition) thuộc công ty của Tùy Hồng Cẩm, Đại học Y Đại Liên, Trung Quốc. Các triển lãm xoay tua tại rất nhiều thành phố trên thế giới, số người tham quan đã lên đến hàng chục triệu người. Riêng số lượt xem “Thế giới cơ thể người” đã thống kê đến con số 40 triệu người, mang về cho công ty của Von Hagens số tiền đến tỷ đô la.
Gunther Von Hagens là người phát minh ra kỹ thuật nhựa hóa các xác chết từ những năm 1977. Vào những năm 1990, ông ta mở rộng việc kinh doanh đến Trung Quốc, nhưng đã vấp phải những rào cản pháp lý và văn hóa. Cho đến tháng 08/1999 thì ông ta mới thành lập được công ty Nhựa hóa Von Hagens tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, sau khi được Bạc Hy Lai, khi đó là thị trưởng Đại Liên chấp thuận.
Khi bắt đầu vào năm 1999, ông Von Hagens thuê người học trò cũ của mình là Tùy Hồng Cẩm làm quản lý, tổ chức sản xuất các thi thể nhựa hóa. Tuy nhiên, Tùy Hồng Cẩm đã qua mặt ông Von Hagens, bắt tay với Premier Exhibitions (một công ty chuyên tổ chức triển lãm lưu động có trụ sở tại Atlanta, Mỹ) để tổ chức những cuộc triển lãm tương tự như thế tại nhiều quốc gia. Như vậy, ông Von Hagens và Tùy Hồng Cẩm trở thành đối thủ cạnh tranh nhau, một người thì có show “Body Worlds”, một người thì có “Bodies… The Exhibition”.
Theo chân Von Hagens và Tùy Hồng Cẩm, nhiều nhà máy nhựa hóa cơ thể đã được mở ra tại Đại Liên, khiến Trung Quốc trở thành nơi xuất khẩu xác chết số một thế giới. Theo Đài Á châu Tự do, một cơ thể nhựa hóa có thể được bán với giá một triệu đô la. Người ta ước tính rằng Tùy Hồng Cẩm đã bán gần 1.000 mẫu vật cho các nước khác nhau từ năm 2004.
Một báo cáo từ Thời báo New York vào năm 2006 cho biết: “Thế giới cơ thể người” của Von Hagens đã thu hút 20 triệu người trên toàn cầu và thu về hơn 200 triệu đô la. Ít nhất 10 nhà máy cơ thể khác của Trung Quốc đã được mở ra để thực hiện đơn đặt hàng triển lãm, chuyển các tử thi được bảo quản đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Một báo cáo của Tổ chức Thế giới Điều tra cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) cũng đã khẳng định rằng, thay vì là “những người hiến tự nguyện” hay “những thi thể vô danh”, phần lớn thi thể trong triển lãm là của các học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ giết sau khi lấy đi nội tạng. Như vậy toàn bộ thân xác và nội tạng đều bị buôn bán để thu lại một nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Những thi thể đến từ đâu?
Từ khi mới bắt đầu triển lãm cho đến nay, nguồn gốc các thi thể được các công ty sử dụng để nhựa hóa vẫn là một bí mật. Các bộ phận thân người hoặc nguyên thi thể nhựa hóa vẫn được đều đặn xuất đi các nơi trên thế giới cho các trường học, bảo tàng, triển lãm… Nhưng cả Tùy Hồng Cẩm lẫn Von Hagens đều không thể cung cấp tài liệu chứng minh các thi thể này là của những người tình nguyện hiến tặng.
Năm 2006, kênh truyền thông NPR đã phát hiện chứng cứ các văn bản không rõ ràng từ lúc một người hiến tặng đã chết đến khi trở thành một cơ thể nhựa hóa. “Tiến sỹ Von Hagens … nói rằng ông ta đã có được chúng [các thi thể] chỉ từ những nguồn tin cậy, tuy nhiên không có người bên ngoài nào xác nhận rằng chúng không phải là từ những người bất đồng chính kiến bị giết trong một nhà tù ở Trung Quốc (trong trường hợp xấu nhất), rồi bị bán đến một trường y thông qua một tay môi giới, và sau đó trưng bày ra công chúng.”
Tùy Hồng Cẩm và Von Hagens cho rằng chỉ các xác vô danh mới được sử dụng. Tuy nhiên, theo Quy định về giải phẫu thi thể do Bộ Y tế Trung Quốc ban hành vào tháng 2/1979, chỉ sau khi một thi thể vẫn vô danh trong ít nhất một tháng, thì nó mới được cho là “vô danh” và được dùng cho nghiên cứu giải phẫu bởi những trường y. Những thi thể này lúc đó không còn phù hợp cho quy trình nhựa hóa vốn yêu cầu xác chết phải còn tươi và không được ướp chất bảo quản.
Ngay từ năm 2006, Thời báo New York cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến nguồn gốc các thi thể mà ông Von Hagens có được, và ví đây như một “ngành tiểu công nghiệp ngầm man rợ mới xuất hiện ở Trung Quốc.” Nguồn nội tạng và thi thể dễ kiếm, khiến chỉ trong vòng vài năm đã có ít nhất 10 nhà máy thi thể được dựng lên tại Trung Quốc. Các công ty này thường xuyên bận rộn với các đơn hàng đặt cho triển lãm, chuyển đi Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Thời báo New Yorkcho biết: “Tại Trung Quốc, xác định được ai kinh doanh cơ thể người và những cơ thể đến từ đâu quả thực không dễ dàng. Các viện bảo tàng, nơi tổ chức những buổi triển lãm cơ thể người tại Trung Quốc nói rằng họ đột nhiên ‘quên’ ai đã cung cấp thi thể, công an thường xuyên thay đổi những câu chuyện về những gì họ đã làm với các thi thể, và thậm chí các trường đại học đã xác nhận và sau đó chối bỏ việc tồn tại những cuộc phẫu thuật bảo quản cơ thể người trong trường của họ.”
Cho đến tháng 5 năm 2008, một thỏa thuận với Tổng chưởng lý New York đã buộc đối tác của Tùy Hồng Cẩm là Premier Exhibitions phải công bố thông tin liên quan đến trách nhiệm và nguồn gốc các thi thể trong triển lãm. Trên website của mình, Premier Exhibitions đã cho rằng các thi thể có nguồn gốc từ “Văn Phòng Công An Trung Quốc”.
Nhân chứng kể lại nội tình ghê rợn bên trong công xưởng gia công thi thể Đại Liên
Ông Lý, một nhân chứng đã lên tiếng Trung câu chuyện rùng rợn mà ông đã chứng kiến. Ông cho biết mình từng làm ở công xưởng gia công thi thể người ở Đại Liên trong 1,5 năm. “Xưởng gia công thi thể đó mở ra là có liên quan đến Bạc Hy Lai và người vợ Cốc Khai Lai của hắn. Nếu chỉ bắt Bạc Hy Lai mà không bắt Cốc Khai Lai là có lỗi với những người đã chết.”
Trước đây không lâu, ông Lý ở Seoul, sau khi trông thấy trên tấm áp phích nội dung vạch tội hoạt động mổ cướp nội tạng sống và buôn bán thi thể người của ĐCSTQ đã cho biết: “Đây hoàn toàn là sự thật, tôi chính là nhân chứng, chính tôi phụ trách bộ phận về lá gan. Những tiêu bản này chính là dùng xác người thật. Những chuyện khác tôi không biết, nhưng chuyện này tôi biết, vì năm 2004 tôi bắt đầu làm ở đây được một năm rưỡi. Sau khi Bạc Hy Lai bị bắt thì công xưởng này đóng cửa.”
Người bình thường khó chịu đựng nổi
Ông Lý nói: “Tôi tốt nghiệp trường y, vì thế mới quen được loại công việc này. Toàn bộ những người làm việc ở đây đều tốt nghiệp y khoa, những người bình thường sẽ không đủ dũng cảm để chứng kiến công việc này.”
Ông lý lại nói: “Có thi thể là phụ nữ mang thai, anh biết không? Có xưởng xử lý thi thể, đây là nơi ngâm trước. Con người phải có sự tôn nghiêm, người chết cũng phải có sự tôn nghiêm. Thế mà thi thể người lại quăng vào cái bể nổi lềnh bềnh như heo, trong đó toàn dung dịch formalin. Formalin có tác dụng diệt khuẩn và cố định các bộ phận cơ thể.”
“Trong một bể ngâm một lần khoảng 4 đến 5 thi thể, tiêu bản tốt thì 2 thi thể một bể, không tốt thì 4 hoặc 5 người một bể. Sau khi ngâm một thời gian thì những tiêu bản không còn giống người nữa mà giống như hình nộm plastic, vô sắc vô hồn.”
Có 4 -5 chiếc xe container vận chuyển thi thể mỗi lần
“Một tháng gia công bao nhiêu thi thể? Anh biết chiếc xe container không?”
“Một lần có 4, 5 chiếc, trong xe chứa đầy thi thể. Nếu tôi có cơ hội chụp lén được tôi sẽ cung cấp ảnh.”
Ông Lý cho biết những thi thể này có được một cách mập mờ bất hợp pháp: “Nơi đây người ngoài không thể vào được vì được bảo vệ vô cùng cẩn mật. Chúng tôi không mang được bất cứ thứ gì vào, vì chúng không muốn bị chụp hình, lộ ra ngoài. Sự tồn tại của công xưởng thi thể này là vi phạm nhân quyền!”
Liên quan chặt chẽ với cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công?
Ngày 20/6/2015 vừa qua, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công(WOIPFG)đã cho công bố kết luận điều tra:“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới sự chỉ huy của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã giết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng”, tin này được xác thực vào ngày 24 tháng 6 vừa qua trong cuộc điện đàm với một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ là ông Trương Cao Lệ. Phát ngôn viên của WOIPFG, ông Uông Chí Viễn nói:“Đây là con số vô cùng ghê rợn, nhưng hoàn toàn đáng tin.”
Một báo cáo của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) cũng đã khẳng định rằng, thay vì là “những người hiến tự nguyện” hay “những thi thể vô danh”, phần lớn thi thể trong triển lãm là của các học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ giết.
Von Hagens từng nói với các phóng viên rằng sở dĩ ông ta chọn mở một chi nhánh ở Đại Liên, không chỉ bởi giá nhân công rẻ, mà còn bởi sự hỗ trợ tích cực từ các quan chức và nguồn cung cấp thi thể dồi dào. Điều này rất trùng hợp với cuộc bức hại Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân phát động vào tháng 07 năm 1999.
Do bản chất ôn hòa của Pháp Luân Công, quyết định đàn áp vô lý này đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ đối với cuộc bức hại thậm chí ngay cả trong Bộ Chính trị. Để vận động cho chính sách bức hại, ông Giang đã đến thăm thành phố Đại Liên vào tháng 08 năm 1999, và nói với thị trưởng lúc bấy giờ là Bạc Hy Lai: “Hãy cứng rắn với Pháp Luân Công, và ông sẽ có một tương lai tươi sáng.” Theo lệnh của Giang, Bạc đã chỉ đạo những cuộc bắt giữ các học viên đưa vào tù, mở rộng các nhà tù để giam cầm các học viên, và chỉ thị cho công an: “Các người có thể đối xử tệ tùy ý với các học viên Pháp Luân Công, thậm chí khiến họ chết.”
Hai tháng sau, tháng 10 năm 1999, Bạc trở thành tổng Bí thư của Đại Liên. Điều này đã kích thích ông ta nỗ lực tiêu diệt Pháp Luân Công hơn nữa. Từ giữa năm 2000 đến 2004, nhiều nhà tù và trại lao động đã được xây dựng hay được sửa chữa bởi nguồn tiền điều động từ Bắc Kinh. Trong số chúng, Nhà tù Mã Tam Gia và Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, tiêu tốn khoảng 500 triệu Nhân dân tệ. Chúng được dùng để giam giữ các học viên ở Liêu Ninh và cả những tỉnh khác. Năm 2012, Bạc trở thành Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh.
Trong lúc đó, từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, các học viên Pháp Luân Công đã đổ về Bắc Kinh để thỉnh nguyện, yêu cầu các lãnh đạo ĐCSTQ dừng cuộc bức hại. Các nhà tù và trại lao động ở Bắc Kinh và những khu vực xung quanh đã quá tải. Họ, đặc biệt là những học viên từ chối tiết lộ danh tính vì không muốn liên lụy đến gia đình và quan chức địa phương, đã nhanh chóng bị chuyển đến các nhà tù và trại lao động ở Đại Liên.
Tùy Hồng Cẩm cũng từng nói rằng một số “thi thể” là đến từ Cục Công an. Ông ta nói sự hỗ trợ từ các quan chức chính phủ đã xây được nhà máy nhựa hóa cơ thể người lớn nhất thế giới. Một quan chức của Phòng 610 (là một lực lượng bí mật đứng ngoài pháp luật, được các nhà hoạt động nhân quyền gọi là “Gestapo của Trung Quốc” chuyên trách đàn áp Pháp Luân Công) Thiên Tân đã xác nhận rằng một số nội tạng và thi thể là của các học viên Pháp Luân Công.
Một bí mật đen tối đang được phanh phui
Von Hagens thừa nhận rằng ban đầu ông đã gặp khó khăn khi trưng bày cơ thể nhựa hóa ở châu Âu, “… nơi mà ông ta bị gọi là Tiến sĩ Tử thần và Tiến sĩ Frankenstein. Báo chí châu Âu thậm chí còn so sánh ông với Josef Mengele, bác sỹ của trại tử thần Đức Quốc xã.” Ông ta cũng nổi tiếng với cá tính kỳ quái không kém những “tác phẩm” xác chết của mình. Sau đó Von Hagens đã đến Trung Quốc, nơi ông ta làm việc với Tùy Hồng Cẩm vì “nhân công rẻ, sinh viên hăm hở, ít hạn chế từ chính quyền và dễ dàng tiếp cận với các thi thể người Trung Quốc.”
Nhưng sự phát triển của ông ta ở Trung Quốc, vốn dựa trên những giới hạn pháp lý lỏng lẻo, bảo vệ nhân quyền yếu kém, và cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công, đã tái định hình nên các doanh nghiệp triển lãm cơ thể người nhựa hóa. Với nỗ lực tham gia của Tùy Hồng Cẩm và những kẻ theo sau khác, sự tàn bạo của chế độ chuyên chế đã được ngụy trang và chuyển thành một dạng thương mại sinh lời.
Tháng 02 năm 2008, Đại hội đồng California đã thông qua điều luật yêu cầu “Thế giới cơ thể người” đưa ra bằng chứng rằng mỗi cơ thể là được hiến tặng với “thông báo đồng ý.” Nữ hội đồng Fiona Ma, người đề xuất điều luật, đã nói với ABC 20/20 rằng:
“Là một người gốc Trung Quốc, tôi không tin rằng bất kỳ gia đình nào sẽ đồng ý cho thân nhân của họ xuất hiện theo cách này.”
Theo thông tin có được, Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai, đã giữ vai trò chính trong việc chuyển các học viên Pháp Luân Công bị giam cầm thành những nạn nhân nhựa hóa. Đặc biệt hơn, Cốc đã khám phá ra hai cách để sinh lợi từ các học viên bị giam. Nội tạng của họ có thể bị lấy ra và cho các bệnh viện ở tỉnh Liêu Ninh cấy ghép, và thi thể có thể được bán cho các xưởng nhựa hóa.
Nhiều nghi ngờ rằng Cốc và phụ tá là Neil Heywood đã cung cấp cho các nhà máy những cơ thể của các học viên Pháp Luân Công, trong đó phần lớn là cung cấp những xác chết người Trung Quốc đến các xưởng nhựa hóa ở Đại Liên. “Theo nguồn tin, Cốc nắm giữ vai trò quản lý tài chính, quảng cáo trực tuyến quốc nội và hải ngoại, và mở ra những kênh xuất khẩu nội tạng và buôn bán cơ thể người.”
Sau khi Heywood bị giết ở Trung Quốc vào năm 2011, Cốc đã bị kết tội giết ông ta vào tháng 08 năm 2012 và bị kết án tử hình treo. Bạc bị kết án chung thân vì tham ô vào năm 2013. Nhưng mối liên quan của họ đối với cuộc bức hại những học viên Pháp Luân Công vô tội, đặc biệt là mổ cướp nội tạng và nhựa hóa cơ thể người, vẫn đang bị che đậy.
Cho dù các thi thể là của các học viên Pháp Luân Công hay bất kỳ ai, thì cũng có quá nhiều mờ ám liên quan đến nguồn gốc của chúng, và nó hoàn toàn trái ngược với niềm tin trong văn hóa truyền thống cũng như sự tôn trọng cần dành cho những người đã qua đời. Người Trung Quốc đặc biệt cấm kỵ “động chạm” đến thi thể người sau khi qua đời. Người chết cần một sự an nghỉ tuyệt đối, khái niệm “chết toàn thây” vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh ngay trong xã hội ngày nay. Do đó thật hiếm có người nguyện ý cho hiến tạng, nói chi đến việc cho xác và chịu hàng loạt những công đoạn như ngâm hóa chất, lột da, cắt, xẻ, rồi gò thành đủ loại tư thế kể cả những tư thế tục tĩu mang tính sỉ nhục với người chết…, để cuối cùng trưng bày cho hàng nghìn hàng triệu người kéo đến xem, hoặc bán kiếm tiền cho tư lợi.