Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLùi để tiến ?

Lùi để tiến ?

Việc hủy hợp đồng với công ty dầu khí Repsol phải chăng là một cách “thoái để tiến” của Việt Nam nhằm đạt một mục tiêu cơ bản, lâu dài hơn. Vậy mục tiêu “cơ bản” đó là gì ?

Việt Nam hẳn cay đắng khi chấp nhận hủy và bồi thường hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí thuộc khu vực bãi cạn Tư Chính với Repsol, một công ty của Tây Ban Nha. Số tiền bồi thường lớn đã đành, điều quan trọng hơn, việc làm bất đắc dĩ này có thể gây một tác động tâm lý tiêu cực với các tập đoàn dầu khí khác, là đối tác của Việt Nam, khiến họ không an tâm thực hiện các hợp đồng tương tự.

Tuy nhiên, đó mới là một chiều dư luận. 1 tỷ USD bồi thường (nếu thật thế) là lớn. Nhưng con số này lại là nhỏ, so với những gì Việt Nam có được sau “cú tất toán” đầy toan tính này.

Thứ nhất, không thể đơn giản nghĩ rằng, Việt Nam “sợ” Trung Quốc mà buộc phải tháo lui. Là “láng giềng” với gã khổng lồ, tồn tại song song hàng bao đời nay, lại từng cao ngạo xưng “đế” nhằm thiết lập cái thế ngang bằng với “đế” phương Bắc Trung Quốc; từng đánh cho “đế” phương Bắc “phiến giáp bất hoàn…”, sao có thể nói Việt Nam “sợ” ? Chỉ có điều, đã trải và trả giá nhiều vì chiến tranh, dân tộc Việt Nam trở nên yêu chuộng hòa bình hơn ai hết, nên trong lịch sử, họ vận dụng rất nhuần nhuyễn câu chuyện “cương- nhu” cũng như câu chuyện “thời- thế” để hướng đến một mục tiêu cơ bản, là hòa bình, đương nhiên gắn với chủ quyền và độc lập.

Vậy nên, liên quan cú hủy hợp đồng với công Repsol nêu trên, phải chăng, nên nghĩ theo hướng Việt Nam “thoái để tiến” nhằm đạt đến mục tiêu cơ bản ? Vậy cái “cơ bản” của Việt Nam trong sự kiện này là gì ?

Thứ nhất, người ta nói nhiều đến sự ổn định. Thực ra, ổn định – đó là điều quốc gia nào cũng mong muốn. Việt Nam càng muốn hơn để phát triển kinh tế nhằm hiện thực hóa khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu” – như ông Hồ Chí Minh đã nói. Vậy nên, một bước “lùi tạm” để tránh một kẻ côn đồ đang say máu, là điều có thể làm, trong trường hợp, cái lô dầu khí tạm dừng thăm dò, khai thác kia, gã côn đồ chưa và không dễ gì thò giàn khoan xuống.
 
Thứ hai, đây mới là mục tiêu cơ bản: dẫu không tuyên truyền, nhưng trong vụ mà dư luận eo xèo là “nhượng bộ” này, Việt Nam chắc chắn muốn phơi bày cho thế giới, nhất là Mỹ, Nga – những cường quốc dầu mỏ đang có những tập đoàn lớn là đối tác với ngành dầu khí Việt Nam – thấy rằng, lòng tham của Trung Quốc là khôn cùng; sự ngang ngược của Trung Quốc là vô hạn; nếu không có một thái độ cùng hành động chính thức của cộng đồng quốc tế, nạn nhân của Trung Quốc chắc chắn không chỉ Việt Nam, Philippines, Malaysia…mà còn là bất cứ quốc gia nào, kể cả Mỹ và Nga – xét về lợi ích. Và một khi tới lúc đó mới quyết liệt với Trung Quốc, thì mọi việc đã trở nên quá muộn.

Liên quan vấn đề này, một số chuyên gia quốc tế đặt ra vấn đề: Có ngẫu nhiên không, khi sau vụ Việt Nam chấp nhận hủy hợp đồng với công ty Repsol, thái độ của Mỹ bỗng trở nên khác hẳn ? Cụ thể, trong tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 13/7, ông này nhấn mạnh rằng, Trung Quốc “không có các cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình tại khu vực”.

Phải chăng, cái sự “lùi” của Việt Nam là nguyên nhân trực tiếp khiến Mỹ, không thể chậm hơn được nữa, phải lên tiếng chính thức về vấn đề Biển Đông, thay vì chung chung như lâu nay ?

Và có lẽ, cũng không ngẫu nhiên: sau tuyên bố của ông Mike Pompeo, ngày 21/7, một số tờ báo “lề phải” Việt Nam đã hớn hở trích thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, cho biết: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phối hợp với ExxonMobil “khẩn trương hoàn thành đàm phán và thống nhất các hợp đồng, thỏa thuận mua bán khí, điện” trong dự án mỏ Cá Voi Xanh, trong đó mục tiêu hoàn thành đàm phán các hợp đồng bán khí vào cuối năm nay.

Nên nhớ, Việc phát triển Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh đặc biệt quan trọng. Dự kiến khi đi vào vận hành thương mại, hàng năm các nhà máy điện của dự án nêu trên sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 23-25 tỷ kWh điện, góp phần đảm bảo đủ điện cho Việt Nam từ năm 2023. Đồng thời, theo tính toán sơ bộ, tổng thu ngân sách Nhà nước từ chuỗi dự án (giai đoạn 2023-2044) đạt khoảng 15-18 tỷ USD.

Và cũng nên nhớ, cách đây chưa lâu, từng có thông tin, tập đoàn ExxonMobil đang buộc phải tính chuyện rút lui khỏi dự án dự án dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông do bị Bắc Kinh gây áp lực.

Xem thế,  vụ hủy hợp đồng với công ty Repsol, Việt Nam đâu chỉ có dại- hoặc thua – như dư luận đã nghĩ một cách đơn giản ?

RELATED ARTICLES

Tin mới