Monday, January 27, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ lại bắt thêm gián điệp người Hoa

Mỹ lại bắt thêm gián điệp người Hoa

Các nhà điều tra phát hiện rằng, gián điệp lần này đã đánh cắp 55 tệp mã lõi (Core code). “Giáo sư X” cho biết, 55 tệp mã lõi đó là tất cả các mã lõi mà ông đã phát triển trong 17 năm qua.

Hình ảnh minh họa gián điệp Trung Quốc

Thứ Sáu (28/8), Cục điều tra liên bang Mỹ  (FBI) cho biết, một nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã bị giới chức hải quan Mỹ chặn giữ tại sân bay. Người này định mang mã nguồn máy tính tiên tiến được sử dụng cho robot dưới nước và động cơ máy bay đã đánh cắp được từ một trường đại học Mỹ trốn về Trung Quốc.

Theo thông tin của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết Hồ Hải Châu (Hu Haizhou), 34 tuổi, một nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đang nghiên cứu tại đại học Virginia (UVA) đã bị bắt khi đang cố gắng tìm cách lên máy bay để bay trở về Trung Quốc. Hôm thứ Sáu (28/8), Hồ Hải Châu đã bị buộc tội truy cập máy tính trái phép cùng tội danh đánh cắp bí mật thương mại.

Cùng ngày (28/8), một bản khai tư liệu dài 11 trang do đặc công FBI đệ trình lên Tòa án Liên bang Virginia tiết lộ rằng, hôm thứ Ba (25/8), Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CPB) đã tạm giữ Hồ Hải Châu, một nhà nghiên cứu tại Khoa Cơ khí và Hàng không Vũ trụ tại đại học Virginia, đồng thời cũng đang làm việc cho một trường đại học có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Ông Hồ Hải Châu lúc đó đang tìm cách đáp chuyến bay từ sân bay quốc tế O’Hare, Chicago, Hoa Kỳ đến Thanh Đảo, Trung Quốc.

Gián điệp Trung Quốc đánh cắp mã nguồn máy tính độc quyền mang về nước

Đặc công FBI Matthew Rader cho biết, các nhân viên điều tra CBP đã thẩm vấn Hồ Hải Châu và tra khám thiết bị điện tử của ông ta, phát hiện rằng trong laptop của Hồ chứa các tài liệu liên quan đến nghiên cứu của đại học Virginia (UVA), trong đó bao gồm “mật mã phần mềm nghiên cứu mô phỏng lấy cảm hứng từ sinh vật” do “Giáo sư X” phát triển. Nghiên cứu “lấy cảm hứng từ sinh vật” nghiên cứu các đặc tính phức tạp của các sinh vật bay lượn và bơi lội trong giới tự nhiên, và áp dụng chúng trong các chuyến bay có người lái hoặc tàu lặn. Những công nghệ này thường được dùng trong lĩnh vực quân sự.

FBI tuyên bố rằng, Hồ Hải Châu “không có ủy quyền hợp pháp để tìm hiểu những tài liệu này”. Ông ta thừa nhận rằng ‘Giáo sư X’ không muốn ông ta sở hữu những tài liệu này, nếu biết ông đã sở hữu nó, ‘Giáo sư X’ sẽ rất tức giận. Giáo sư đã phát triển loại mã này trong suốt 17 năm qua và sự phát triển của mã này được tài trợ bởi Quỹ khoa học Quốc gia (NSF) và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân của chính phủ Hoa Kỳ.

Hồ Hải Châu làm việc cho “Giáo sư X” tại trường đại học Virginia từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2019. Giáo sư nói với các nhà điều tra rằng, Hồ đột ngột rời trường đại học trở về Trung Quốc mà không nói lời chào tạm biệt với ông ấy.

Trang “Washington Examiner” cho hay, các nhân viên nghiên cứu đã tìm thấy 9.600 tệp mã nguồn được viết bằng ngôn ngữ máy tính FORTRAN trong laptop của Hồ. Những tài liệu này có liên quan đến “học tập, nghiên cứu và xây dựng mô hình lấy cảm hứng từ sinh vật”. “Giáo sư X” nói rằng, những mã này đã được sử dụng trong các nghiên cứu mô phỏng liên quan do Quỹ khoa học Quốc gia (NSF) tài trợ.

“Giáo sư X” nói rằng “mã lõi” (Core code) của ông là độc quyền.

Hồ Hải Châu từng làm việc tại phòng thí nghiệm trọng điểm của ĐCSTQ

Hồ Hải Châu khai với các nhà điều tra rằng, ông cũng đã từng làm việc tại phòng thí nghiệm trọng điểm của Trung Quốc về Cơ học chất lưu (cơ học thủy khí) tại trường đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh. Phòng thí nghiệm này được tài trợ bởi chính quyền ĐCSTQ.

Đặc công Matthew Rader cho biết, năm 2017, khi còn ở trường đại học Trung Quốc, Hồ đã từng nghe diễn thuyết của “Giáo sư X” về “Sinh kỹ thuật trong khí động lực học”. Sau đó, Hồ đã tìm đến “Giáo sư X” và có cơ hội làm nghiên cứu cho “Giáo sư X” tại Hoa Kỳ.

Bản khai tư liệu của FBI cho biết ông Hồ Hải Châu cũng từng làm việc tại phòng thí nghiệm trọng điểm về kỹ thuật robot dưới nước thuộc trường đại học Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, Hồ thừa nhận rằng công việc này cũng được tài trợ bởi quân đội ĐCSTQ.

Đặc công Rader cho biết, Hồ Hải Châu khai báo rằng, “Ủy ban Học bổng Trung Quốc chỉ thị cho ông cứ 6 tháng 1 lần đưa ra một báo cáo tóm tắt về nghiên cứu của mình tại đại học Virginia”. Hồ cũng khai với các nhà điều tra rằng ông đang cố gắng đưa tất cả nội dung nghiên cứu của mình tại đại học Virginia về Trung Quốc.

Các nhà điều tra phát hiện rằng, Hồ đã đánh cắp 55 tệp mã lõi. “Giáo sư X” cho biết, 55 tệp mã lõi đó là tất cả các mã lõi mà ông đã phát triển trong 17 năm qua.

Hồ Hải Châu đã nhiều lần bị từ chối yêu cầu quyền truy cập mã lõi 

Khi được điều tra viên hỏi, “Giáo sư X” cho biết: “Những mã lõi (Core code) bị đánh cắp này là phần mềm mô phỏng của công tác nghiên cứu tuyệt vời được lấy cảm hứng từ sinh vật trên thế giới. Công dụng của nó bao gồm “robot dưới nước, tàu ngầm, động cơ máy bay cho đến các ứng dụng hàng hải và hàng không khác”.

“Giáo sư X” tiết lộ thêm, ông đã nhận được rất nhiều yêu cầu sử dụng mã này, nhưng ông không chia sẻ vì ông hy vọng duy trì ưu thế cạnh tranh độc quyền cho bản thân và đại học Virginia trong lĩnh vực nghiên cứu cơ học chất lưu lấy cảm hứng từ sinh vật.

Bản khai của FBI nói rằng, giáo sư rất lo lắng rằng mã lõi bị đánh cắp có thể được sử dụng bởi các thực thể khác (bao gồm các trường đại học, công ty hoặc quốc gia) cho các mục đích thương mại, chính phủ và quân sự.

“Giáo sư X” tiết lộ rằng, Hồ Hải Châu đã nhiều lần yêu cầu quyền truy cập mã lõi, nhưng ông và hai trợ lý tốt nghiệp được phép truy cập đều từ chối yêu cầu của Hồ Hải Châu. Giáo sư và hai trợ lý của ông nói với các nhà điều tra rằng, họ không cho phép Hồ Hải Châu được quyền truy cập và cục điều tra liên bang FBI cũng không tiết lộ cụ thể Hồ Hải Châu đã đánh cắp mật mã máy tính như thế nào.

Cục điều tra liên bang FBI chịu trách nhiệm điều tra vụ việc này. Trợ lý thứ nhất Công tố viên liên bang Hoa Kỳ Daniel P. Bubar và trợ lý công tố viên liên bang Hoa Kỳ Christopher Kavanaugh hiện đang đề cập khởi tố đối với Hồ Hải Châu.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thời gian gần đây đã khởi kiện nhiều nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc với lý do họ che giấu mối quan hệ của mình với quân đội ĐCSTQ và bị tình nghi thông qua gian lận thị thực để có cơ hội học tập và viếng thăm các trường đại học tại Hoa Kỳ. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã bị bắt vì giấu giếm mối quan hệ của họ với “Kế hoạch nghìn nhân tài” của ĐCSTQ trong khi đang nhận khoản tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới