Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnẤn Độ chuyển hướng chiến lược để đối phó với TQ

Ấn Độ chuyển hướng chiến lược để đối phó với TQ

Trong thời gian gần đây có những dấu hiệu Ấn Độ đang điều chỉnh chính sách theo hướng tăng cường can dự tại Biển Đông.

Ảnh minh họa.

Liên tục các tín hiệu từ Delhi

Trong Cuộc họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt- Ấn ngày 25/8 vùa qua, lần đầu tiên hai bên kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, bên cạnh việc khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Trong bài phát biểu mới nhất ngày 15/8 của Thủ tướng Modi nhân kỷ niệm 74 năm Độc lập Ấn Độ, trong đó thể hiện rõ 2 mối quan tâm đối ngoại lớn nhất của Ấn Độ hiện nay là vấn đề an ninh biển và quan hệ của Ấn Độ với khu vực Trung Đông và Đông Nam Á. Ông Modi khẳng định Ấn Độ coi trọng khu vực Đông Nam Á vì đây là láng giềng trên biển của Ấn Độ và là khu vực mà Ấn Độ đã có quan hệ hàng nghìn năm.

Mối quan tâm khác thường này thực ra đã bộc lộ trước đó trong một cuộc trao đổi trực tuyến ngày 2/7 giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Philippines Duterte, trong đó hai bên đã nhất trí mở rộng quan hệ đối tác chiến lược. Tin cho biết, trong cuộc trao đổi này, phía Ấn Độ còn đã bày tỏ ý định tham gia các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.

Đến giữa tháng 7 khi được hỏi về phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo về Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã tỏ ra ủng hộ quan điểm của Mỹ và thách thức Trung Quốc bằng cách khẳng định Biển Đông là một phần tài sản chung của nhân loại và Ấn Độ có lợi ích ràng buộc đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Sự quan tâm hơn trước của Ấn Độ đối với Biển Đông còn được giải thích khá rõ qua bài viết của một nhân vật rất gần gũi với chính quyền Ấn Độ hiện nay – ông Gokhale – nguyên Bí thư Đối ngoại vừa về hưu.

Theo ông Gokhale, Trung Quốc đã đơn phương đưa ra Đường 9 đoạn, quân sự hóa Biển Đông và dọa nạt các nước láng giềng trong vùng Đặc quyền kinh tế của họ. Đây là những hành động đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Các nước có lợi ích ở Biển Đông cần can dự để duy trì tài sản chung của nhân loại và buộc Trung Quốc cư xử ở Biển Đông một cách hợp pháp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ông Gokhale khẳng định Biển Đông là sống còn đối với an ninh và thịnh vượng của Ấn Độ vì đây là tuyến đường biển quan trọng vận chuyển lượng hàng hóa gần 200 tỷ USD của Ấn Độ; Ấn Độ cần tham gia duy trì hòa bình và an ninh tại đây nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi cho các mối quan hệ kinh tế với khu vực.

Vì sao Ấn Độ điều chỉnh chính sách đối với Biển Đông vào lúc này?

Nhiều học giả cho rằng hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên biên giới với Ấn Độ gần đây đã khiến nước này phải trả đũa bằng cách gia tăng các hoạt động ở khu vực khác, trong đó có Biển Đông.

 

Don McLain Gill cho rằng để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, Ấn Độ cần phải can dự vào khu vực sân sau của Trung Quốc. Logic ở đây là muốn vượt qua sự mất cân bằng ở một nơi nào đó thì Ấn Độ cần phải mở rộng không gian địa lý của cuộc xung đột sang một nơi khác, có nghĩa là nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên biên giới với Ấn Độ thì Ấn Độ cần phải phản ứng tương tự bằng cách tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông.

Trong khi đó, ông Prabhash K Dutta – một học giả Ấn Độ cho rằng trước đây Ấn Độ đã rất kiềm chế trong những vấn đề liên quan tới Trung Quốc, với hy vọng Bắc Kinh sẽ tôn trọng ảnh hưởng của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương.

Trong khi thời gian qua Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động để bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, thì Ấn Độ chỉ giữ một vai trò cân bằng và không lên tiếng phản đối mạnh những hành động bắt nạt của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Nhưng nay thì Ấn Độ phải thay đổi chính sách đối với Trung Quốc. Những hành động gây hấn ở biên giới của Trung Quốc đã buộc Ấn Độ phải xem xét lại chính sách của mình đối với Trung Quốc, bao gồm chính sách Biển Đông.

Trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn với Ấn Độ trên biên giới, thì Ấn Độ cần phải mở một mặt trận mới ở Biển Đông để kìm chân Trung Quốc lại. Cũng chính vì vậy, mà gần đây Ấn Độ tỏ ra tích cực hơn trong Bộ tứ – Mỹ, Nhật, Ấn, Úc.

Học giả Syed Ali Mujtaba cho rằng Ấn Độ đã chuyển từ chiến lược phòng thủ trước đây sang phòng thủ phản công đối với Trung Quốc. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược phản công đối với Ấn Độ, thông qua các kế hoạch Chuỗi ngọc trai rồi Vành đai – Con đường và Hành lang kinh tế Pakistan. Trung Quốc đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương, nhưng Ấn Độ chỉ miễn cưỡng chống lại những thách thức đó.

Giờ đây, Ấn Độ đã quyết định chuyển hướng chiến lược sang phòng thủ – phản công, nhằm dùng vấn đề Biển Đông để răn đe Trung Quốc và kiềm chế không cho Trung Quốc thực hiện chính sách hiếu chiến trên biên giới với mình.

Ấn Độ muốn can dự để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, không để cho Trung Quốc xâm lấn vào khu vực Ấn Độ Dương. Can dự ở Biển Đông và tăng cường quan hệ hải quân với các nước trong khu vực được coi là một chiến lược từ xa nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Những điều chỉnh của Ấn Độ trong chính sách đối với Biển Đông chắc chắn sẽ được đón nhận tích cực. Mỹ muốn Ấn Độ chia sẻ tránh nhiệm bằng cách đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh khu vực như tranh chấp Biển Đông. Trong khi đó, do nhu cầu duy trì an ninh hàng hải ở Biển Đông, nhiều nước trong khu vực cũng muốn Ấn Độ làm đối trọng để cân bằng lại những hành động của Trung Quốc. Can dự vào Biển Đông cũng sẽ giúp Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn vào việc định hình cấu trúc an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới