Trong 10 năm tới, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân họ đang sở hữu, đồng thời bắt tay vào nỗ lực mở rộng các cách thức triển khai năng lực hạt nhân của mình, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Trung Quốc ông Chad L. Sbragia cho biết tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Ông đã thảo luận về những thông tin được đưa ra trong một báo cáo mới công bố của Bộ Quốc phòng Mỹ mang tên “Sự phát triển Quân sự và An ninh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – năm 2020”.
Ông Sbragia cho biết: “Báo cáo cho biết hiện kho dự trữ của Trung Quốc có ước tính khoảng 200 đầu đạn, và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô trong thập kỷ tới khi nước này mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình”.
Nhưng điều quan trọng không kém là làm thế nào Trung Quốc có thể khai hỏa những đầu đạn đó nếu cần. Báo cáo cho hay Trung Quốc dự định phát triển một “bộ ba hạt nhân” tương tự bộ ba mà Mỹ đang sở hữu và nỗ lực hiện đại hóa.
“Báo cáo [cũng] lưu ý Trung Quốc đang mở rộng, hiện đại hóa và đa dạng hóa các lực lượng hạt nhân trên diện rộng”, ông Sbragia nói. “Chỉ nhìn vào số lượng đầu đạn sẽ không thể cung cấp được bức tranh toàn cảnh, hoặc không thể đưa ra một sự hiểu biết tổng thể về mục tiêu người Trung Quốc đang hướng tới”.
Bộ ba hạt nhân của Mỹ cho phép phóng tên lửa đạn đạo từ mặt đất, trên biển từ tàu ngầm, cũng như phóng từ trên không.
Ông Sbragia cho biết, trong vòng một thập kỷ tới, Trung Quốc có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm đạn đạo và khai thác các tên lửa đạn đạo tầm xa phóng từ trên biển. Nước này cũng có kế hoạch phát triển năng lực phóng từ trên không. Về cơ bản, ông cho biết Trung Quốc có kế hoạch trang bị thêm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động (ICBM) và cũng có thể mở rộng kho tên lửa ICBM của mình.
“Rõ ràng là họ (Trung Quốc) đang theo đuổi xây dựng bộ năng lực quân sự đầy đủ … bao gồm việc xây dựng các cơ sở hạ tầng hiện đại hóa, có khả năng và thực lực lớn hơn trong khu vực”, ông Sbragia nói.
Ông Sbragia cho biết báo cáo cũng đi đến kết luận rằng, bên cạnh các khoản đầu tư xây dựng năng lực hạt nhân, Trung Quốc đặt mục tiêu biến Quân đội Giải phóng Nhân dân thành một “lực lượng quân đội đẳng cấp thế giới” vào năm 2050.
“Trong khi Trung Quốc chưa định nghĩa cụ thể ‘lực lượng quân đội đẳng cấp thế giới’ có nghĩa gì, nhưng có khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách xây dựng quân đội ngang bằng hoặc trong một số trường hợp vượt trội hơn so với quân đội Mỹ hoặc quân đội của bất kỳ cường quốc nào khác mà Trung Quốc coi như mối đe dọa tiềm tàng”, ông Sbragia nói.
Ông nói, một khía cạnh trong việc tiến tới đạt được vị thế của một quân đội đẳng cấp thế giới là việc triển khai lực lượng. Người Trung Quốc muốn quân đội của họ có thể hoạt động ở bất cứ đâu trên thế giới. Một bước tiến về phía trước là việc thiết lập một mạng lưới hậu cần ở nước ngoài mạnh mẽ hơn.
Theo báo cáo, Trung Quốc “rất có thể đã xem xét và lên kế hoạch” thành lập các cơ sở hậu cần quân sự bên ngoài Trung Quốc có thể hỗ trợ các lực lượng hải quân, không quân và trên bộ.
Một số địa điểm mà họ có thể đang xem xét bao gồm Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan. Trung Quốc hiện đã có quân đội đồn trú ở Djibouti, một quốc gia ở Đông Châu Phi.
Ông Sbragia nói: “Người Trung Quốc có … khát vọng trở thành cường quốc, bằng mọi thước đo sức mạnh quốc gia toàn diện hoặc tổng hợp mà chúng ta có thể đưa ra. Để đạt được điều đó, họ phải có … một sự hội tụ toàn cầu ở quy mô rộng nhất có thể. Đối với quân đội Trung Quốc, điều đó có nghĩa là họ sẽ mưu toan xuất ngoại. Tôi nghĩ đó chắc chắn là một trong những khía cạnh trong định nghĩa của một ‘quân đội đẳng cấp thế giới’ … khả năng gây ảnh hưởng ở khoảng cách xa, vào thời gian và địa điểm mà họ chọn lựa. Họ chắc chắn khao khát làm được điều đó”.