Ngoài căn cứ ở Cộng hòa Gi-bu-ti (Djibouti), Trung Quốc rất có thể đã xem xét và lên kế hoạch xây các cơ sở hậu cần quân sự bổ sung để hỗ trợ cho các lực lượng hải quân, không quân và mặt đất, Financial Express trích dẫn báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper tại Phòng họp báo của Lầu Năm Góc, Washington DC ngày 23/3.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang tìm cách thiết lập một mạng lưới các cơ sở hậu cần mạnh mẽ hơn ở khoảng chục quốc gia, trong đó có ba quốc gia láng giềng của Ấn Độ, cho phép PLA phát triển và duy trì sức mạnh quân sự ở phạm vi rộng lớn hơn.
Ngoài ba nước láng giềng của Ấn Độ – gồm Pakistan, Sri Lanka và Myanmar – các quốc gia khác mà Trung Quốc đang cân nhắc đặt cơ sở hạ tầng và hậu cần quân sự là Thái Lan, Singapore, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan, báo cáo cho biết hôm thứ Ba (1/9).
Trong báo cáo thường niên ‘Báo cáo thường niên về Sức mạnh quân sự của Trung Quốc’ được đệ trình lên Nghị viện Mỹ, Lầu Năm Góc cho biết các cơ sở hậu cần quân sự tiềm năng này của Trung Quốc, cùng với căn cứ quân sự hiện có ở Djibouti, là nhằm mục đích hỗ trợ việc điều động các lực lượng hải quân, không quân và mặt đất ra các địa điểm hải ngoại.
“Một mạng lưới hậu cần quân sự toàn cầu của PLA [Quân đội Trung Quốc] có thể can thiệp vào các hoạt động quân sự của Mỹ, và hỗ trợ các hoạt động tấn công chống lại Mỹ khi các mục tiêu quân sự toàn cầu của CHND Trung Hoa được triển khai?”, Lầu Năm Góc cho biết trong báo cáo.
Trung Quốc có thể đã đưa ra những lời đề nghị đối với Namibia, Vanuatu và quần đảo Solomon, báo cáo cho biết, đồng thời nói thêm rằng các khu vực trọng tâm trong kế hoạch của PLA là dọc theo các tuyến liên lạc từ Trung Quốc đến eo biển Hormuz, châu Phi và các đảo Thái Bình Dương.
Tương tự, Lầu Năm Góc cho biết, Bắc Kinh sử dụng Sáng kiến Vành đai Con đường (OBOR) để hỗ trợ chiến lược hồi sinh dân tộc của nó, bằng cách mở rộng các mối liên kết giao thông và thương mại toàn cầu nhằm hỗ trợ sự phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng với các quốc gia dọc theo ngoại vi của Sáng kiến và vươn xa hơn nữa.
Các dự án OBOR liên quan đến hệ thống đường ống và xây dựng cảng ở Pakistan, với ý định giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào việc vận chuyển các nguồn tài nguyên năng lượng qua các điểm nghẽn chiến lược, ví như eo biển Malacca, báo cáo nói.
Báo cáo cũng cho biết Trung Quốc tận dụng OBOR để đầu tư vào các dự án dọc theo vùng ngoại vi phía tây và phía nam của Trung Quốc nhằm cải thiện sự ổn định và giảm thiểu các mối đe dọa dọc theo biên giới.
Được công bố lần đầu vào năm 2013, sáng kiến OBOR của Trung Quốc là một chính sách kinh tế và đối ngoại được thúc đẩy bởi ông Tập Cận Bình.
Theo Lầu Năm Góc, một mạng lưới hậu cần quân sự toàn cầu của PLA có thể vừa can thiệp vào các hoạt động quân sự của Mỹ, vừa hỗ trợ các hoạt động tấn công chống lại Hoa Kỳ khi các mục tiêu quân sự toàn cầu của Trung Quốc phát triển và thành hình.
“Các quốc gia chủ nhà có thể đóng vai trò thiết yếu trong việc điều chỉnh các hoạt động quân sự của CHND Trung Hoa, vì các quan chức Trung Quốc rất có thể nhận ra rằng mối quan hệ lâu dài ổn định với quốc gia chủ nhà là rất quan trọng đối với sự thành công của các cơ sở hậu cần quân sự của họ”.
Các học giả quân sự Trung Quốc khẳng định các căn cứ ở nước ngoài có thể cho phép triển khai lực lượng và hỗ trợ trong các cuộc xung đột quân sự, truyền phát tín hiệu ngoại giao, thay đổi vị thế chính trị, hợp tác song phương và đa phương cũng như đào tạo tập huấn.
Họ cũng gợi ý một mạng lưới hậu cần quân sự có thể cho phép việc giám sát tình báo quân đội Mỹ.
Tháng 8/2017, Trung Quốc chính thức mở căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, tại Vùng Sừng châu Phi.
Báo cáo cho biết lực lượng thủy quân lục chiến của Hải quân Trung Quốc đồn trú tại căn cứ ở đây.
Binh sĩ Trung Quốc tại căn cứ này đã can thiệp vào các chuyến bay của Mỹ bằng cách xua đuổi phi công và máy bay không người lái, đồng thời tìm cách hạn chế không lưu qua không phận có chủ quyền của Djibouti bên trên căn cứ, báo cáo cho biết.
Ngoài căn cứ của mình ở Djibouti, Trung Quốc nhiều khả năng đã xem xét và lên kế hoạch xây dựng các cơ sở hậu cần quân sự bổ sung để hỗ trợ lực lượng hải quân, không quân và trên mặt đất, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.
Cách tiếp cận của PLA có thể bao gồm việc xem xét nhiều địa điểm khác nhau và tiếp cận nhiều quốc gia, nhưng chỉ xúc tiến đàm phán thỏa thuận cơ sở hạ tầng, thỏa thuận thăm viếng quân sự, và/hoặc tiến tới một thỏa thuận xây dựng căn cứ với một số quốc gia, báo cáo cho biết thêm.