Quyết định của Israel có thể sẽ khiến mối quan hệ giữa họ và Bắc Kinh trở nên nguội lạnh hơn nữa.
Theo nhà phân tích Peter Suciu trên tạp chí National Interst, yếu tố chính trị luôn dẫn tới những mối quan hệ liên minh kỳ lạ, và một trong những trường hợp kỳ lạ nhất là mối quan hệ giữa Israel và Trung Quốc.
Israel là quốc gia đầu tiên tại Trung Đông công nhận chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Thế nhưng, mãi đến năm 1992, Trung Quốc mới thiết lập mối quan hệ ngoại giao bình thường với Israel.
Mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai phía bắt đầu từ những năm 1980, và Israel đứng thứ 2, chỉ sau Nga, trong vai trò nhà cung cấp vũ khí cho Trung Quốc.
“Israel có thể là một đối tác cấp thấp nhưng hoàn hảo cho Trung Quốc trên con đường phát triển nhiều loại công nghệ khác nhau để thay đổi cách chúng ta sống, tuổi thọ, cũng như mức độ lành mạnh trong cuộc sống của chúng ta – hay nói cách khác là trong mọi mặt” – Ông Benjamin Netanyahu phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2017.
Tuy nhiên, mối quan hệ nồng ấm đó giờ đây có thể sẽ hạ nhiệt.
Theo ông Suciu, Israel đã từ chối bán Máy bay Chỉ huy và Cảnh báo Đường không Phalcon (AWACS) cho Trung Quốc nhưng lại tuyên bố thỏa thuận vốn bị trì hoãn đã lâu nhằm cung cấp mẫu máy bay này cho Ấn Độ đang được xúc tiến.
Trước đó, Ấn Độ đã đặt mua 3 máy bay Phalcon từ Israel vào năm 2004 và Nội các Ấn Độ đã mất nhiều năm liền để có thể thông qua kế hoạch mua thêm 2 chiếc nữa. Dự kiến, 2 chiếc máy bay mới sẽ được chuyển giao cho New Delhi trong vòng 3-4 năm tới và sẽ tiên tiến hơn phiên bản Phalcon từng cung cấp trước đây.
Harinder Mishra, một nhà báo sống tại Jerusalem, cho biết thỏa thuận Phalcon là một phần trong hợp đồng mua sắm trị giá 2 tỷ USD giữa Ấn Độ và Israel. Hợp đồng này có thể được ký kết theo thỏa thuận mà trong đó, Ấn Độ và Israel sẽ hợp tác sản xuất một số loại vũ khí và thiết bị quân sự.
Theo Mishra, các máy bay AWACS Phalcon trong biên chế quân đội Ấn Độ đã được sử dụng để giám sát không phận Pakistan, trong đó có khu vực xung quanh Islamabad và Rawalpindi.
Ấn Độ đặc biệt có ý định trang bị thêm máy bay loại này do Pakistan hiện đang vận hành khoảng 10 máy bay AWACS, điều đó mang lại cho họ lợi thế mà New Delhi không thể chấp nhận được.
Áp lực từ Mỹ
Cũng có thông tin rằng 20 năm trước, Mỹ đã gây áp lực, buộc Israel phải từ chối bán các máy bay AWACS của họ cho Trung Quốc, do Washington lo ngại rằng mẫu máy bay này có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế chiến lược lớn hơn các máy bay AWACS của Mỹ trong trường hợp nổ ra bất cứ cuộc xung đột nào liên quan tới Đài Loan.
Quyết định đó đã làm sứt mẻ nghiêm trọng mối quan hệ giữa Israel-Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh tìm cách thiết lập mối quan hệ thân cận hơn với Israel nhưng chính phủ Israel không thể vì thế mà chấp nhận làm suy yếu mối quan hệ giữa họ với Mỹ.
Giờ đây, theo ông Suciu, việc Israel sẽ bán các máy bay AWACS cho Ấn Độ, thay vì Trung Quốc, có thể sẽ còn khiến mối quan hệ giữa Israel và Trung Quốc trở nên nguội lạnh hơn nữa.
Trung Quốc phát triển AWACS nội địa
Một yếu tố khác cần cân nhắc là Trung Quốc đã vận hành các máy bay AWACS của riêng mình. Họ đã quyết định phát triển loại máy bay này sau khi thỏa thuận năm 2001 với Israel bị hủy bỏ.
Ngoài việc được tiếp cận với công nghệ quân sự nước ngoài, không rõ còn nguyên do nào khác khiến Trung Quốc hứng thú với mẫu máy bay của Israel.
Không quân Trung Quốc hiện nay đang vận hành 4 chiếc Kong Jing-2000 (KJ-2000), 4 chiếc KJ-200, và 2 chiếc KJ-500, trong khi Hải quân Trung Quốc có lực lượng máy bay cảnh báo sớm khiêm tốn hơn được chế tạo dựa trên các mẫy Y-8/Y-9.
Trung Quốc cũng đang phát triển một mẫu máy bay cảnh báo sớm mới. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng mẫu máy bay này có thể sẽ khiến các tàu sân bay của Trung Quốc trở nên nguy hiểm hơn.