Friday, November 8, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐiều đang lo ngại khi Vn xuất siêu kỷ lục

Điều đang lo ngại khi Vn xuất siêu kỷ lục

Do phụ thuộc cả đầu vào đầu ra, sản xuất trong nước luôn ở thế bị động, kim ngạch xuất khẩu cao nhưng nguồn lợi thu về rất hạn chế

Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng đột biến. Ảnh minh họa

Cần nâng cao nội lực, giảm phụ thuộc FDI

Thống kê tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tính chung 8 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,1 tỷ USD.

Bình luận về con số trên, ông Nguyễn Hữu Thắng (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến trong những tháng đầu năm nếu phân tích kỹ sẽ thấy có một số dấu hiệu bất thường.

Theo ông Thắng, nhìn vào những diễn biến trong nước và thế giới những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trong nước tăng là dễ hiểu.

Ví dụ, tác động từ dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho sự tăng trưởng của các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế cũng diễn ra bất thường. Các lĩnh vực du lịch, hàng không, dịch vụ, vận tải… đều bị ảnh hưởng, suy thoái nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vận chuyển nhỏ, marketing, bán hàng online… lại rất phát triển.

Tương tự, một số mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như hàng hiệu thì ảm đạm nhưng các mặt hàng về thiết bị y tế, tiêu dùng như khẩu trang, nước sát khuẩn, các thiết bị, đồ dùng phục vụ công tác phòng chống dịch lại tăng trưởng rất mạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm bệnh tại mỗi quốc gia khác nhau, có quốc gia số người nhiễm bệnh tăng đột biến nhưng có quốc gia lại chỉ có vài ca mắc bệnh, chính điều này cũng tạo ra sự đột biến về thị trường.

Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm, khi Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bùng phát bệnh, tiếp theo là các quốc gia khác trên thế giới cũng bùng phát nhanh, Việt Nam là quốc gia có số ca nhiễm bệnh sau, lại được kiểm soát tốt, vì thế, đây chính là cơ hội giúp thị trường hàng hóa Việt Nam tiêu thụ tốt, xuất khẩu tăng.

Xét từ những yếu tố trên, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm không lạ và cũng là điều đáng mừng, giúp tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu ngành nghề xuất khẩu thì lại là điều bất thường và có nhiều điểm đáng phải lo. Hiện tượng bất thường này là cộng hưởng của những yếu tố bất thường khác tác động lên.

Thứ nhất, theo lý giải của Tổng cục Thống kê cho biết giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng là do công ty Samsung đẩy mạnh xuất khẩu điện thoại Note 20, đưa giá trị xuất khẩu từ khu vực có vốn FDI tăng thêm 8% so với tháng trước.

Xuất khẩu từ khu vực kinh tế trong nước tăng 15,3% nhưng chỉ đóng góp khoảng 35% vào tổng xuất khẩu trong khi khu vực có vốn FDI chiếm 65% tổng xuất khẩu.

“Điều này cho thấy, xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng, mà do nhập khẩu giảm nhiều. Hơn nữa, xuất siêu vẫn chủ yếu do doanh nghiệp FDI nhập về rồi xuất đi”, ông Thắng nói.

Thứ hai, thống kê cũng cho biết trong các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực, ngoại trừ điện tử, máy tính và linh kiện tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng nhập khẩu còn lại phần lớn ghi nhận giảm.

Đáng nói, về cơ cấu hàng hoá, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, phần còn lại thuộc về nhóm hàng tiêu dùng. Điều này cũng gây lo ngại, bởi, giảm nhập khẩu tức giảm nhập tư liệu sản xuất hay nói cách khác là Việt Nam không nhập nguyên liệu về.

“Có hai nguyên nhân khiến Việt Nam không nhập khẩu được nguyên liệu sản xuất. Một là do, thị trường nhập khẩu chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc, khi đại dịch xảy ra,  chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy nên không nhập được.

Hai, là không có đơn hàng xuất khẩu nên không nhập.

Những doanh nghiệp xuất khẩu được chủ yếu sử dụng nguyên liệu dữ trữ, chứ cũng không nhập được nguyên liệu cho giai đoạn sau. Đó là những lý do lý giải cho việc xuất khẩu của Việt Nam tăng vọt  mà không có nhập khẩu”, ông Thắng nói.

Tiếp tục phân tích, ông Nguyễn Hữu Thắng cho biết, cơ cấu ngành hàng xuất khẩu đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập.

Bất cập đầu tiên cho thấy, năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam hạn chế, chủ yếu là gia công, làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điển hình như các mặt hàng dệt may, giày dép, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Tiếp theo, là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng chủ yếu phục vụ công đoạn gia công, lắp ráp, để xuất khẩu đi chứ không phát triển công nghệ cao.

“Hiệu quả ở cả hai mảng này đều không cao. Các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chủ yếu khai thác lợi nhuận từ các chính sách ưu đãi của Việt Nam, trong khi nguồn thu lại bị chuyển về nước ngoài”, ông Thắng nói.

Ở lĩnh vực công nghiệp chế biến còn nghèo nàn, công nghệ thấp, hiệu quả không cao. Các mặt hàng chế biến sâu không có, nông sản chủ yếu vẫn xuất thô, nguồn lợi thu về rất ít.

“Chính vì bị phụ thuộc cả ở đầu vào và đầu ra, nên ngành sản xuất trong nước luôn ở thế bị động, kim ngạch xuất khẩu dù rất cao nhưng nguồn lợi trong nước thực thu lại rất hạn chế”, ông Thắng nói.

Không hỗ trợ tiền

Từ những bất cập nói trên, ông Thắng cho rằng, đại dịch chính là cơ hội để các cấp, ngành phải nhìn nhận lại vai trò của nền sản xuất trong nước, nhất là việc sử dụng, phát huy tối ưu nguồn nội lực trong nước để phát triển, từng bước giảm phụ thuộc vào FDI.

Đi sâu vào phân tích ở lĩnh vực thương mại, ông Thắng cho rằng dùng sức mạnh nội lực để tạo ra nguồn hàng, để tiêu thụ hàng hóa, tận dụng sức mua của thị trường trong nước để hình thành một nền năng lực sản xuất mới.

Khi năng lực sản xuất cao, chất lượng hàng hóa được nâng lên, khi đó mới thu hút được người tiêu dùng trong nước quan tâm, lựa chọn. Với cách này, dần dần người tiêu dùng trong nước sẽ quay lưng lại với sản phẩm ngoại và tin dùng sản phẩm trong nước.

Về mặt quản lý, phải có những cảnh báo, nghiên cứu thị trường, hỗ trợ những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn có thể trụ vững ở những giai đoạn đầu.

“Có khá nhiều doanh nghiệp trong nước vừa bập bẹ cho ra sản phẩm mới đã lập tức bị hàng ngoại đè bẹp.

Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp muốn sản xuất nước hoa để xuất khẩu, việc đầu tiên là sản phẩm này phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sử dụng trong nước.

Tuy nhiên, muốn để doanh nghiệp trụ vững thì phía cơ quan quản lý nhà nước phải có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như nâng cao năng lực nội lực, nâng cao năng lực quản trị, quản lý tốt thương hiệu sản phẩm, giảm chi phí vận hành… có như vậy sản phẩm tung ra mới tồn tại được.

Trên thực tế, sản phẩm trong nước sản xuất ra cũng không thể tiêu thụ được tại thị trường trong nước bởi không thể cạnh tranh được với những thương hiệu lớn, trong khi những mặt hàng giá rẻ, hàng lậu, hàng trốn thuế chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thị trường bán lẻ hầu hết bị rơi vào tay các nhà đâu tư ngoại, sản phẩm trong nước sản xuất ra cũng không có thị trường tiêu thụ.

Nếu sản phẩm không trụ được trong nước thì làm sao có thể nghĩ tới việc vươn ra nước ngoài”, ông Thắng nói.

Tiếp theo, phải tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước ra thế giới với những giải pháp xây dựng hình ảnh, thương hiệu rất cụ thể.

Đặc biệt, vị chuyên gia nhấn mạnh tới vai trò của truyền thông quốc tế trong việc quang bá, phát triển thương mại. Đó là kênh hợp tác, hỗ trợ rất hiệu quả.

“Chỉ cần một sản phẩm của Việt Nam được lên báo nước ngoài lập tức uy tín về sản phẩm đó được nâng lên ở một vị trí mới. Sản phẩm được quảng bá không những là niềm tự hào của doanh nghiệp mà còn là cơ hội cho thấy cả thế giới thấy Việt Nam cũng có một sản phẩm uy tín, chất lượng, được đánh giá cao trên thị trường quốc tế”, ông Thắng dẫn chứgg.

Trong lĩnh vực du lịch, quan điểm của ông Thắng là không hỗ trợ tiền, thay vào đó có rất nhiều kênh để phát triển và hỗ trợ cho quảng bá hình ảnh trong nước.

“Trong lĩnh vực khách sạn, có thể đi theo hướng khuyến khích thành lập khách sạn Việt kiều với sự hỗ trợ về mặt cơ chế từ phía chính quyền địa phương tại các thành phố lớn.

Tiếp theo là cơ chế hoạt động tại khách sạn này nên thực hiện cơ chế đặc biệt cho những du khách từ nước ngoài về ở tại khách sạn này, có thể là giảm 30% chi phí hoặc có cơ chế hỗ trợ khác.

Với cách làm này, doanh nghiệp, địa phương và cả ngân sách trung ương đều có lợi.

Xúc tiến thương mại xúc tiến du lịch, xây dựng hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua hệ thống người Việt Nam ở nước ngoài là kênh xúc tiến rất hiệu quả và không tốn kém”, ông Thắng gợi ý.

RELATED ARTICLES

Tin mới