Một trong số các nhà khoa học chính trị hàng đầu của Trung Quốc đang bị Đại học Quốc gia Singapore điều tra về các cáo buộc quấy rối tình dục một nhân viên nữ.
Cổng vào Đại học Quốc gia Singapore
Trong một tuyên bố đưa ra cuối ngày 2/9, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết đã nắm được cáo cáo buộc, vốn bị đăng tải trên mạng, rằng giáo sư Trịnh Vĩnh Niên đã quấy rối tình dục một nhân viên nữ tại Viện Đông Á (EAI) – một tổ chức nghiên cứu chính sách thuộc NUS.
NUS cho hay, ông Trịnh đã từ chức khỏi EAI và NUS để tham gia một viện ở nước ngoài và được cho nghỉ phép cho tới khi hợp đồng của ông hết hạn vào cuối tháng này.
“Chúng tôi biết rằng một cuộc điều tra của cảnh sát liên quan tới một số cáo buộc đã hoàn thành và trường đang theo sát các cuộc điều tra nội bộ đối với một số vấn đề được đề cập”, một phát ngôn viên của NUS nói.
Phát ngôn viên trên nói thêm rằng trường cũng đã nắm được một vụ việc thứ 2, trong đó các cáo buộc chống lại ông Trịnh cũng được đưa ra.
Một thành viên của EAI, người đã rời tổ chức này, đã gửi đơn tố cáo lên cảnh sát chống lại ông Trịnh liên quan tới “một vụ việc gây phẫn nộ về đạo đức”. “Các cuộc điều tra của cảnh sát nhằm vào vụ việc đó đã khép lại và cảnh sát không có hành động gì tiếp theo”, phát ngôn viên trên cho hay.
Ông Trịnh là một trong số 9 học giả tin cậy nhất mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp mặt hồi tháng trước để thảo luận về sự phát triển của Bắc Kinh. Ông Trịnh đã nhậm chức giám đốc nghiên cứu đương đại và toàn cầu về Trung Quốc tại Đại học Hong Kong Trung Quốc ở Thâm Quyến. Hiện trường này chưa đưa ra bình luận về vụ việc trên.
Ông Trịnh, 58 tuổi, là một học giả tiếng tăm, từng là giám đốc EAI trong hơn 1 thập niên trước khi từ chức hồi tháng 6 năm ngoái, dù cho biết ông có ý định vẫn tiếp tục đóng vai trò là giáo sư nghiên cứu tại đó.
Thay mặt ông Zhang, một công ty luật Singapore đại diện cho ông Trịnh ngày 4/9 đã ra một tuyên bố bác bỏ tất cả các cáo buộc và khẳng định rằng việc ông từ chức tại EAI không liên quan gì tới các cáo buộc quấy rối tình dục.
“Giáo sư Trịnh đã và sẽ tiếp tục hợp tác với các cuộc điều tra do NUS đang thực hiện và ông đang cân nhắc các phương án pháp lý”, tuyên bố cho hay.
Các cáo buộc nhằm vào ông Trịnh đã bắt đầu xuất hiện trên mạng kể từ tháng 8.
Một phụ nữ, lấy tên giả là Charlotte, tiết lộ với báo SCMP rằng cô bị quấy rối vào tháng 5/2018 ngay sau khi bắt đầu làm việc tại EAI với tư cách là trợ lý nghiên cứu.
Charlotte, hiện trong độ tuổi 20, mới đi làm tháng đầu tiên khi các đồng nghiệp gợi ý rằng cô nên trò chuyện với ông Trịnh , khi đó là giám đốc, để thảo luận về việc phát triển công việc và sự nghiệp.
Charlotte cho hay khi cô vào văn phòng của ông Trịnh, ông đã ôm và sờ mông cô. “Tôi hoàn toàn bị sốc và đầu óc trống rỗng”, Charlotte nói, kể lại chuyện cô lao ra khỏi văn phòng của ông và gần như bật khóc.
Charlotte đã tiết lộ ảnh chụp màn hình các tin nhắn điện thoại mà cô gửi cho ông Trịnh sau đó, nói rằng cô rất không thoải mái với những gì đã xảy ra, và ông đáp: “Rất xin lỗi”.
Charlotte nói cô rất lo lắng và sợ sệt sau vụ việc và đã chia sẻ với một số đồng nghiệp về những gì đã xảy ra và họ nói rằng cô có thể gửi đơn tố cáo lên cảnh để nhờ trợ giúp.
Mất gần 1 năm trước khi Charlotte gửi đơn tố cáo ra cảnh sát hồi tháng 5 năm ngoái, trong đó nói rằng cô bị quấy rối tình dục.
Cảnh sát Singapore xác nhận rằng đơn kiện đã được gửi vào ngày 30/5/2019 chống lại một người đàn ông 57 tuổi mà họ không nêu tên. Cảnh sát cho biết, sau các cuộc điều tra, người đàn ông này đã nhận được cảnh báo cứng rắn vào tháng 4 năm nay và việc này đã được thực hiện với sự tư vấn của văn phòng trưởng công tố.
Trong tuyên bố hôm qua, công ty luật đại diện cho ông Trịnh nói rằng cảnh báo của cảnh sát đối với ông Trịnh “không phải là một tuyên bố có tội hay tìm ra một sự thật gì”.
Đến tháng 8 năm nay, Charlotte đã công khai lên tiếng chỉ trích EAI vì cách đối phó với những lời tố cáo của cô. Charlotte cho biết cô bị yêu cầu tránh xa các nữ nhân viên khác của EAI, mà cô khẳng định là cũng từng bị quấy rối. Luật sư của Charlotte đã kêu gọi các nạn nhân khác lên tiếng.
Trong một vụ việc riêng rẽ, một người khác cũng lên tiếng cáo buộc ông Trịnh quấy rối. Trong các thông tin đăng tải trên mạng xã hội Douban, người này nói là một cựu nhân viên của EAI. Tuy nhiên, các thông tin này sau đó đã bị xóa.
Ông Trịnh, sinh tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), được biết tới rộng rãi về các hiểu biết trong lĩnh vực kinh tế và chính trị Trung Quốc. Ông cũng thường xuyên có các bài viết trên các ẩn bản tại Singapore, trong đó có nhật báo tiếng Trung Lianhe Zaobao.
Ông Trịnh tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh và Princeton, bắt đầu làm việc tại EAI vào năm 1997. Ông rời EAI vào năm 2005 để học Đại học Nottingham tại Anh trước khi trở về Singapore làm giám đốc EAI vào năm 2008.