Mới đây, cuốn “Cường quốc trong tương lai – vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030” của tác giả Hamada Kazuyuki đã được phát hành tại Việt Nam. Trong cuốn sách này, tác giả đánh giá Việt Nam có nền kinh tế phát triển nổi bật nhất Châu Á; có đủ tham vọng, tầm nhìn và năng lực chuyển mình thành cường quốc trong tương lai, thách thức các cường quốc hiện tại. Đến 2048, Việt Nam sẽ nằm trong top 20 của thế giới về quy mô kinh tế.
Cầu Nhật Tân – Hà Nội, một câu chuyện tiêu biểu liên quan đến vốn ODA của Nhật Bản.
Dự báo không thể coi thường
TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – nhận định: “Dự báo này không thể coi thường. Các lý do để Việt Nam được đưa vào danh sách này bao gồm: Việt Nam là một nước đông dân, tầng lớp thượng lưu giàu có ngày càng tăng; dân số trẻ, thị trường tự do cởi mở, gần gũi với Nhật Bản; tinh thần dân tộc mạnh mẽ đi kèm với một đường lối ứng xử linh hoạt với Trung Quốc, mà ông đánh giá là “Việt Nam đang có chiến lược đối ngoại vô cùng khôn ngoan”. Ông Hamada cho rằng, với một chính quyền ổn định, Việt Nam đang thu hút rất nhiều nước trên thế giới qua chiến lược “Trung Quốc +1” nhằm chuyển hướng đầu tư sang một nước khác ngoài Trung Quốc. Những yếu tố được đánh giá cao khác bao gồm: Việt Nam có một lớp người trẻ năng động, có tinh thần thách thức, yêu thích khám phá cái mới, là môi trường cởi mở cho việc áp dụng công nghệ và phát triển các ngành dịch vụ mới. Đây cũng là một dịp để ta nhìn lại các tiềm năng, cơ hội hiện tại, cũng như các vấn đề mà đất nước đang đối mặt để có thể bứt phá đến một viễn cảnh cường quốc. Đất nước ta đang trong một giai đoạn lịch sử, đứng trước cánh cửa của những cơ hội lớn, xin dẫn lời tác giả cuốn sách, hẳn là dành cho lớp người trẻ Nhật Bản, thay cho lời nhắn nhủ đến người trẻ Việt: “Tuy nhiên, tương lai có lẽ sẽ là thời đại của sự chọn lựa tùy cơ ứng biến. Sẽ không còn các siêu cường quốc và năng lực của từng cá nhân sẽ được phát huy tối ưu. Giờ đây, chúng ta đang đứng trước cửa ngõ để bước vào thời đại đó. Phải chăng chúng ta nên thử lấy dũng khí, mở cánh cửa ấy, đặt chân vào thế giới mới. Lúc đó, chắc hẳn quý vị sẽ có trong tay tấm hộ chiếu đến các cường quốc trong tương lai”.
Hamada Kazuyuki, sinh năm 1953, tại tỉnh Tottori, là một chính khách Nhật Bản, ông hoạt động ở tuyến đầu trong lĩnh vực ngoại giao của Nhật Bản như Thứ trưởng Bộ Ngoại vụ và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông đồng thời cũng là một học giả kinh tế chính trị uy tín, lấy bằng tiến sĩ Chính trị học tại Đại học George Washington (Mỹ) và Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Tương lai Quốc tế. Ông Hamada đưa ra 5 cột trụ để tạo nên một cường quốc: Mức độ hài lòng của cư dân sinh sống trong quốc gia đó; khoan dung với tính đa dạng, các công nghệ và ý tưởng mới dễ dàng ra đời và phát triển; có thể tiếp nhận, vận dụng an toàn và sử dụng linh hoạt các công nghệ mới; đưa ra các giá trị quan mang tính phổ biến có thể thu hút nhiều người trên thế giới “muốn thành công dân của nước đó”; có nguồn tài nguyên để trở nên giàu có (bao gồm tài nguyên nhân lực, du lịch…). Với 5 cột trụ đó, ông nêu tên 7 quốc gia và liên minh mà ông cho rằng sẽ có mặt trong bản đồ cường quốc, lần lượt gồm: Triều Tiên, Việt Nam, Indonesia, Israel, Iran, Oman và Liên minh Châu Phi.
Chạm vào trái tim người Nhật
Theo Hamada Kazuyuki, tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam, những người sở hữu khối tài sản có khả năng đầu tư hơn 30 triệu USD (tương đương 3,3 tỉ yên) tăng đến mức 13% trong 5 năm, vượt hơn 10.000 người. Với tốc độ như thế, năm 2026, tỉ lệ gia tăng tầng lớp giàu có sẽ vượt trội so với Trung Quốc, Ấn Độ, lọt vào danh sách hàng đầu thế giới.
Tỉ lệ tăng dân số của Việt Nam rất cao. Dân số được dự đoán sẽ nhanh chóng đạt con số 100 triệu người, độ tuổi trung bình là 26 tuổi. Người trẻ nhiều, kinh tế phát triển cũng nhanh nên nhu cầu tiêu dùng vô cùng mạnh mẽ. Nhựa sống tràn đầy trên đường phố giống như giai đoạn lâu dài phát triển mạnh mẽ của Nhật Bản sau chiến tranh. Không chỉ co cụm ở các thành phố lớn mà đi đến đâu cũng có thể nghe tiếng khóc, tiếng cười của con trẻ, bắt gặp hình ảnh chúng chạy vòng quanh. Quốc gia có nền công nghiệp phát triển, năng lượng trẻ tràn ngập như thế trên thế giới rất hiếm.
Chỉ riêng thị trường quốc nội phát triển nhanh chóng, Việt Nam cũng đã có nhiều khả năng để trở thành một cường quốc trong tương lai. Lẽ ra một nước xã hội chủ nghĩa thì sẽ toàn là doanh nghiệp quốc doanh nhưng hiện nay việc tư nhân hóa đang phát triển nhanh chóng. Hơn thế, từ cơ sở hạ tầng cho đến sản xuất chế tạo, tinh thần khởi nghiệp cực kỳ thịnh hành cũng đáng được đề cập.
Việt Nam hiện là quốc gia nhận viện trợ vốn ODA lớn nhất của Nhật Bản và đang nâng cấp cơ sở hạ tầng hết sức mạnh mẽ như sân bay, cảng biển, đường cao tốc. Có một câu chuyện tiêu biểu liên quan đến vốn ODA. Cây cầu Nhật Tân ở Thủ đô Hà Nội nằm trên tuyến đường nối liền Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đến trung tâm Hà Nội với tổng chiều dài khoảng 3.800 mét. Cầu hoàn thành tháng 1.2015 nhờ vốn ODA, một vài vị trí trên cây cầu đánh dấu mối quan hệ hữu nghị của Việt Nam – Nhật Bản có treo tấm biển thiết kế quốc kỳ Nhật Bản, trên đó ta có thể thấy dòng chữ “Cây cầu này được hoàn thành nhờ vào sự hợp tác của Nhật Bản. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn Nhật Bản”. Cho đến nay, Nhật Bản cũng đã đầu tư khoảng 7.000 tỉ yên vốn ODA cho Trung Quốc, xây dựng Cảng hàng không quốc tế ở Bắc Kinh, Thượng Hải. Thế nhưng, chẳng có đâu bày tỏ lòng biết ơn hay thể hiện việc cậy nhờ vào Nhật Bản. Có câu “Làm ơn đừng nên nhớ, mang ơn chớ nên quên”, không thể ép người ta mang ơn và không làm điều đó mới là điểm khác biệt của người trưởng thành. “Biết ơn” là tính dân tộc của người Việt Nam mà điều này chắc chắn đã chạm vào trái tim của người Nhật.
Tinh thần biến đau thương thành sức mạnh
Chiều cao và thể trạng trung bình, dáng người nhỏ bé nhưng lại ẩn chứa tinh thần chiến đấu và nghị lực ngoan cường. Tinh thần đoàn kết vượt qua nghịch cảnh, không nao núng dù kẻ địch là một nước lớn đã kết thành những chuỗi gene trong con người Việt Nam. Có lẽ vì có khí chất này nên hiện nay trên đất nước Việt Nam, rất nhiều nhà khởi nghiệp xây dựng các hình thức kinh doanh mới. Không chỉ đi theo các ngành dịch vụ, sản xuất chế tạo đã có, mà hiện nay còn có cả những doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học vũ trụ ra đời. Một công trình mà hiện nay Việt Nam đang dồn sức đầu tư là đài thiên văn. Khi xây dựng đài thiên văn ở miền Bắc, người ta nhấn mạnh “Từ bây giờ là thời đại của vũ trụ”, “Chúng tôi cũng đang hướng ra vũ trụ”. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh; đài thiên văn cũng dùng để tăng cường trạm radar phục vụ cho việc nắm bắt thường xuyên các hành động ngoài biên giới.
Từng là một nước nghèo, bị tàn phá, trì trệ, không đủ lương thực do chiến tranh, nhưng nhờ cải cách, Việt Nam đã làm dịu thiết chế kinh tế xã hội chủ nghĩa cũ, bẻ lái sang áp dụng nền kinh tế thị trường. Thành quả bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990, đến khi bước vào những năm 2000, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt kỷ lục 7,6% một năm trong vòng 10 năm.
Tuy vẫn duy trì mối quan hệ với cả Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn không gạt hết e dè với nước này từ ký ức chiến tranh hay vấn đề tranh chấp chủ quyền. Dường như đối với Việt Nam, Moskva và Nga mới chính là điểm gốc ban đầu. Không những không vứt bỏ những di sản từ thời Liên Xô mà Việt Nam còn gắn kết mạnh mẽ với văn hóa, kinh tế Nga bây giờ. Ở Việt Nam, có những trung tâm mua sắm có vốn đầu tư của Nga, cả những cơ sở thường xuyên trình diễn xiếc của Nga. Các buổi triển lãm sản phẩm của Nga diễn ra hàng năm. Khách tham quan du lịch đến từ Nga cũng đông. Văn phòng Du lịch Quốc gia Liên bang Nga khu vực Châu Á do Tổng cục Du lịch Liên bang Nga quản lý toàn bộ khu vực Châu Á được đặt tại Hà Nội. Không phải là Tokyo hay Bangkok mà là Hà Nội, nhìn qua đã có thể hình dung mối gắn kết sâu sắc giữa Nga và Việt Nam. Đối với Nga, Việt Nam là đầu tàu chiến lược để tiến vào ASEAN. Có thể nhận thấy sự ảnh hưởng của Nga ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Liên Xô cũ cũng là đất nước đổ bao công sức và chi viện nhiều nhất vào ngành đường sắt và nhà máy phát điện của Việt Nam. Ngoài ra, máy bay chiến đấu hay tàu ngầm của quân đội Việt Nam gần như 100% là hàng sản xuất của Nga. Mối giao lưu về quân sự giữa Việt Nam và Nga đã rất phát triển.
Dân số đông đúc giữa giai đoạn kinh tế phát triển nên tình trạng ùn tắc giao thông ở các vùng đô thị rất nghiêm trọng. Hiện nay, Việt Nam đang phổ cập nhanh dịch vụ gọi xe và người dân cài ứng dụng vào smartphone để sử dụng. Ngay cả khi dịch vụ gọi xe này ra đời, xe ôm vẫn đặc biệt được ưa chuộng.
Yêu thích những điều mới mẻ
Hamada viết: Người Việt Nam vốn yêu thích những điều mới mẻ. Trong nước, 60 triệu người đang sử dụng Facebook, YouTube. Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về lượng người dùng Facebook (trong khi Nhật Bản nằm ngoài top 10 nước đứng đầu). Gần đây, ứng dụng nhắn tin Zalo cũng đang phát triển nhanh chóng. Trước đây, Wechat của Trung Quốc hay WhatsApp của Facebook được sử dụng ở Việt Nam, nhưng với mong muốn thoát khỏi sự dựa dẫm vào các ứng dụng của Trung Quốc và Mỹ, Zalo xuất hiện để mở rộng SNS (dịch vụ mạng xã hội) của riêng Việt Nam. Ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử JD.com (Jingdong) của Trung Quốc đang đầu tư và trở thành cổ đông của một công ty Việt Nam tên là Tiki. Họ có ý định củng cố chỗ đứng thông qua việc đầu tư vào Tiki, một doanh nghiệp có khả năng thành công tại Việt Nam hơn việc họ trực tiếp tiến vào thị trường Việt Nam. Với nhiều động thái tương tự, ngành công nghiệp IT của Việt Nam đang chứng tỏ là họ có tầm ảnh hưởng đến cả Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam đang ấp ủ một kế hoạch phát triển có thể sánh ngang tầm với thung lũng Silicon của Mỹ, hơn thế còn vượt qua thung lũng Silicon. Việt Nam liên tục có những động thái phát triển, áp dụng các dịch vụ mới có sử dụng IT trong nhiều lĩnh vực như y học, giáo dục, nông nghiệp, du lịch. Họ còn kêu gọi nhân lực, vốn và công nghệ từ khắp nơi trên thế giới.
Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN gần đây trung bình vào khoảng 6% nhưng Việt Nam nằm ở top đầu với 6,8%. Hơn nữa, khi khảo sát ngôn luận ở Việt Nam, 82% người tiêu dùng trả lời rằng: “Thuế thu nhập năm nay tăng hơn năm ngoái”. 63% trả lời rằng: “Năm 2019 là thời điểm thuận lợi cho việc sử dụng tiền bạc”. Việc có 60%- 80% người tiêu dùng tự tin vào hầu bao của mình chứng tỏ kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
Với câu hỏi muốn dùng tiền mua gì và dự định mua gì, 40% người trả lời họ sẽ mua những thứ giúp tăng cường sức khỏe. Ở Việt Nam, người Nhật Bản tượng trưng cho sức khỏe và trường thọ nên các thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm từ Nhật rất được ưa chuộng. Việc đánh giá cao các nhãn hiệu hàng hóa của Nhật Bản ở Việt Nam có thể giúp thắt chặt mối quan hệ với Việt Nam, điều đó mang ý nghĩa lớn đối với cả hai bên. Aeon Mall của Nhật đã tiến vào thị trường Việt Nam, ở đó có bán nhiều bánh kẹo và thực phẩm từ Nhật và rất được ưa chuộng. Ngược lại, Nhật Bản cũng đang nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam. Đây cũng là một ví dụ cho mối quan hệ bổ khuyết lẫn nhau, tiềm năng cùng nhau phát triển rất lớn. Trung tâm thương mại Takashimaya cho đóng cửa trung tâm ở Thượng Hải, quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đến nay, Takashimaya ở Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một điểm tham quan được nhiều người yêu thích, và họ cũng đã công bố kế hoạch tiến ra Hà Nội.