Đó là câu hỏi trở đi trở lại trong nhiều năm qua. Câu trả lời ráo hoảnh của Trung Quốc, đó đích thị là Mỹ, một tội đồ chuyên dùng cơ bắp đe nẹt người khác. Ngược lại, Mỹ khẳng định, chính Trung Quốc mới là kẻ lá mặt lá trái, vừa ăn cướp vừa la làng.
Máy bay chiến đấu J-20 của không quân Trung Quốc
Mới đây nhất, Bắc Kinh lại cảnh cáo Mỹ gây rối ở Biển Đông. Cụ thể, Washington đã “giở trò hề” để xúi giục các nước ASEAN kéo lùi tiến trình đàm phán COC, gây bất lợi cho Bắc Kinh. Luận điệu nêu trên được Thời báo Hoàn Cầu, thuộc Nhân Dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao La Chiếu Huy trong cuộc gặp đại sứ các nước ASEAN hôm 4-9. Ông La nói: “Mỹ thật là ngoan cố khi tiếp tục gây rối ở Biển Đông, cản trở hòa bình, ổn định tại khu vực”.
Vì sao Trung Quốc chuyển đến ASEAN những nhận xét căng thẳng với Mỹ vào lúc này? Nguyên do chủ yếu là: thời gian qua Mỹ liên tục gây sức ép đối với Bắc Kinh, chỉ trích Trung Nam Hải không tuân thủ luật pháp quốc tế khi bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc; xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp nhiều thực thể ở Biển Đông, hủy hoại môi trường biển, mất an ninh khu vực; đe dọa, bắt nạt, quấy rối các hoạt động kinh tế, dân sự hợp pháp của các quốc gia láng giềng.
Ngược lại, phía Trung Quốc lớn tiếng: “Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành, tạo sức ép lên nền kinh tế toàn cầu thì việc Mỹ “đàn áp toàn diện” Trung Quốc đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự ổn định của khu vực và trên phạm vi toàn cầu”. Trung Quốc cũng cáo buộc chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ nhằm mục đích răn đe Bắc Kinh. Hành động này của Mỹ đã đẩy các nước ASEAN vào tình thế buộc phải chọn phe, theo Mỹ hay theo Trung Quốc?
Dẫn chứng cụ thể hơn Trung Quốc tố Mỹ, trong nửa đầu năm 2020 đã điều động máy bay quân sự thực hiện hơn 2.000 nhiệm vụ tại khu vực. Không thể để bị Mỹ trói buộc và cũng không thể tự trói mình mãi, ông La Chiếu Huy kêu gọi ASEAN xích lại gần Trung Quốc để bảo vệ hòa bình, ổn định tại khu vực.
Bắc Kinh tiết lộ, sắp tới trong hợp tác ở khu vực Đông Á sẽ tập trung vào bốn điểm chính, trong đó quan trọng nhất là quản lý một cách hiệu quả tình trạng khác biệt, không thống nhất giữa Trung Quốc và ASEAN. Theo Website Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Trung Quốc đang hợp tác với các nước thành viên ASEAN để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC), tiếp tục thúc đẩy đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC), cũng như cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định tại khu vực”.
Ba điểm còn lại là: 1, tăng cường hơn nữa việc hợp tác chống đại dịch COVID-19; 2- theo đuổi các hoạt động phục hồi nền kinh tế và xây dựng kế hoạch làm việc cho năm tiếp theo; 3-năm 2021 kỷ niệm 30 năm thiết lập các quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN, Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội này để nhìn lại kinh nghiệm của mình với ASEAN, và làm sâu sắc hơn, mở rộng hơn các chương trình hợp tác toàn diện, mang lại lợi ích cho khu vực.
Theo các nhà bình luận quốc tế, mặc dù dùng đủ chiêu bài, như đưa ra nhiều thông điệp tích cực để cô lập Mỹ và lôi kéo ASEAN, những lý lẽ mà Bắc Kinh đưa ra không thể lọt tai. Việc nóng bỏng nhất là Trung Quốc tố Mỹ gây rối ở Biển Đông, nhưng chỉ dựa vào cáo buộc đơn phương, thay vì những bằng chứng thuyết phục. Trung Quốc đã tìm cách mọi đổ lỗi các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ (FONOPs), rồi việc Mỹ triển khai hơn 2.000 hoạt động bay quân sự trong sáu tháng đầu năm 2020 đã gây bất ổn, v.v..
Thật ra, các hoạt động FONOPs của Mỹ đều căn cứ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên. Việc xuất hiện của Mỹ tại khu vực này cũng không bị ASEAN phản đối. Còn việc Mỹ xúi giục các nước ASEAN “chọn phe” trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung? Washington đã nhiều lần gửi đi tín hiệu rõ ràng không buộc ai phải “chọn phe”. Bởi chính Mỹ cũng không muốn các nước ASEAN rơi vào tình thế này.
Khi Trung Quốc cố tình dựng lên cái gọi là “Mỹ ép các nước chọn phe” là cách nói làm nghiêm trọng quá mức tình hình, nhằm thuyết phục ASEAN phản đối Mỹ xuất hiện ở khu vực.
Trung Quốc mồm nói rất tôn trọng DOC và COC coi đó là “điểm tựa” để thuyết phục ASEAN ngồi vào bàn đàm phán. Song “khẩu Phật, tâm xà”, cách hành xử của Bắc Kinh thời gian qua, từ việc đâm chìm tàu cá các nước, đơn phương lập quận đảo, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng, quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của các nước… đều trái với tinh thần DOC, ngăn cản việc đàm phán thành công COC. Vì lẽ đó, cho dù ASEAN hết sức thiện chí Trung Quốc vẫn trì hoãn COC, hoặc tìm cách đưa những điều khoản vô lý, trái với UNCLOS vào bộ quy tắc này.
Mặc dù tuyên bố hung hăng, nhưng Trung Quốc rất chú ý các hoạt động ngoại giao, vừa mềm mỏng, nhún nhường đúng lúc, vừa tích cực phòng thủ, đe dọa tấn công quân sự. Đây rõ ràng là cuộc đối đầu chiến lược. ASEAN sẽ không đứng về phía này để chống phía còn lại trong vòng xoáy chiến lược các nước lớn.
Trả lời câu hỏi ai mới là kẻ gây rối thật sự trên Biển Đông vẫn là vấn đề nóng, còn kéo dài. Về phần mình, các nước ASEAN không đứng vào “phe” nào cả, mà trước sau như một, chỉ đứng về lập trường thượng tôn pháp luật, để bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc.