Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnBảo vệ ngư trường hợp pháp của Việt Nam trước sự hung...

Bảo vệ ngư trường hợp pháp của Việt Nam trước sự hung hăng của các tàu cá TQ.

Khả năng về thoả thuận khai thác nghề cá một cách công bằng ở Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc

Vai trò của Vịnh Bắc Bộ

Vịnh Bắc Bộ là một vịnh nửa kín, được bao bọc hoàn toàn bởi bờ biển của Việt Nam và Trung Quốc, là một trong những vịnh lớn của thế giới với diện tích khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất ở cửa Vịnh rộng khoảng 207,4 km (112 hải lý). Vịnh Bắc Bộ thông ra Biển Đông qua 2 cửa chính: Cửa chính ở phía Nam, từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị, Việt Nam) tới mũi Oanh Ca (đảo Hải Nam, Trung Quốc) rộng 207,4 km (112 hải lý) và cửa phía Bắc là eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với chiều rộng 35,2 km (19 hải lý).

Bờ Vịnh Bắc Bộ phía Việt Nam thuộc 10 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 763 km. Bờ Vịnh phía Trung Quốc thuộc 2 tỉnh Quảng Tây, Hải Nam với tổng chiều dài 695 km. Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 130 km. Phía Trung Quốc có một số ít đảo nhỏ ở phía Đông Bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương.

Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh. Về kinh tế, đây là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí. Những ngư trường lớn trong vịnh cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho đời sống nhân dân hai nước. Các dự báo cho thấy đáy biển và lòng đất dưới đáy của vịnh có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt.

Đối với Việt Nam, vịnh là cửa ngõ giao lưu với thế giới từ lâu đời, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế của các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ. Dọc bờ biển Vịnh phía Việt Nam có nhiều cửa sông lớn và các vũng, vịnh sâu được che chắn kín gió thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển với quy mô khác nhau, trong đó nhiều khu vực có thể xây dựng cảng nước sâu như Cái Lân, Cửa Ông, Trà Báu, Nghi Sơn… Các cảng này vừa thúc đẩy kinh tế vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phát triển, vừa là các cửa ngõ cho miền Bắc Việt Nam thông ra Biển Đông và Thái Bình Dương. Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần hàng hóa giao lưu nội địa của miền Bắc đều được vận chuyển bằng đường biển qua Vịnh Bắc Bộ.

Vịnh Bắc Bộ còn có vai trò hết sức quan trọng về quốc phòng an ninh. Vịnh có vị trí chiến lược quan trọng trong phòng thủ bảo vệ miền Bắc. Dọc ven biển và trên các đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ có nhiều vị trí thuận lợi cho bố trí lực lượng để phòng thủ, tấn công. Các đảo lớn nhỏ trong Vịnh được coi như những vọng gác tiền tiêu kiểm soát, khống chế mọi hoạt động của các tàu thuyền trên Vịnh, là lá chắn vững chắc cho các cơ sở kinh tế, quốc phòng trên đất liền.

Đối với Trung Quốc, vịnh là cửa ngõ thông ra biển duy nhất của khu vực Tây Nam rộng lớn. Dọc ven biển phía Nam Trung Quốc dài khoảng 1500km, trong đó có bờ biển Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đã xây dựng khoảng 25 cảng biển lớn, quy mô từ vài chục đến hàng trăm triệu tấn, là cửa ngõ cho cả khu vực phía Nam và vùng Tây Nam của Trung Quốc thông ra biển.

Các hiệp định về Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc

Qua 27 năm đàm phán, ngày 25-12-2000, tại Bắc Kinh, đại diện của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ) và Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc (Hiệp định Hợp tác Nghề cá). Hai hiệp định này xác định rõ phạm vi và tạo ra một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho việc mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong Vịnh Bắc Bộ; đồng thời cũng tạo điều kiện cho hai bên có cơ sở thúc đẩy hợp tác nhằm phát triển bền vững Vịnh Bắc Bộ, duy trì ổn định trong Vịnh, tăng cường sự tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước. Hai hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 30-6-2004.

Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ

Trong quá trình đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc kiên trì đề nghị lập vùng đánh cá chung đồng thời với việc phân định Vịnh Bắc Bộ và nhấn mạnh nếu không thỏa thuận được vấn đề này thì khó có thể giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Việt Nam cũng nhận thức rõ được vấn đề này, nếu không giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000, vùng Vịnh sẽ vẫn bị coi là vùng chồng lấn và tình hình ở đó sẽ tiếp tục mất ổn định, ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Thực tiễn quốc tế cho thấy nhiều nước có vịnh hoặc vùng biển chung cũng đã thỏa thuận lập vùng đánh cá chung và về mặt pháp lý thì điều đó không trái với Công ước Luật Biển năm 1982. Vì vậy, cùng với đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam đồng ý đàm phán ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ.

Hình minh hoạ. Tàu cá của ngư dân Việt Nam ở Thừa Thiên - Huế hôm 14/9/2017

Hình minh hoạ. Tàu cá của ngư dân Việt Nam ở Thừa Thiên – Huế hôm 14/9/2017 AFP

Ba nguyên tắc lớn của Vùng đánh cá chung là: vùng đặc quyền về kinh tế của nước nào thì nước đó có quyền kiểm tra, kiểm soát các tàu cá được phép vào Vùng đánh cá chung; sản lượng và số tàu thuyền được phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung dựa trên nguyên tắc bình đẳng, căn cứ vào sản lượng được phép đánh bắt, xác định thông qua điều tra liên hợp định kỳ; mỗi bên đều có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với bên thứ ba trong vùng đánh cá chung trong khuôn khổ quy mô đánh bắt của bên mình. Hai bên thoả thuận thành lập Uỷ ban liên hợp nghề cá để xây dựng quy chế liên quan đến Vùng đánh cá chung.

Ngày 25-12-2000, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ cùng được ký kết tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với Hiệp định phân định, Hiệp định hợp tác nghề cá có thời hạn hiệu lực cụ thể (12 năm và 3 năm mặc nhiên gia hạn) và giá trị pháp lý ở mức cấp Chính phủ phê duyệt.

Thách thức cho Việt Nam khi Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ hết hiệu lực

Như đã nêu, Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc ký ngày 25/12/2000 và bắt đầu có hiệu lực vào 30/6/2004.

Sau 12 năm chính thức có hiệu lực, 3 năm tự động gia hạn và 01 năm thỏa thuận gia hạn của hai chính phủ, Hiệp định đã hoàn toàn kết thúc hiệu lực ngày 30/6/2020.

Theo đó, sau thời gian 30/6/2020, tàu cá, ngư dân Việt Nam sẽ không được phép tiến hành hoạt động đánh bắt sang phía Đông của đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Vịnh Bắc Bộ; ngược lại, tàu cá, ngư dân Trung Quốc cũng không được phép thực hiện hoạt động đánh bắt sang phía Tây của đường này. Đối với các tàu cá cố tình vi phạm, các lực lượng thực thi pháp luật của hai bên hoàn toàn có quyền áp dụng những biện pháp xử lý phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật của mỗi nước.

Hình minh hoạ. Tàu cá Việt Nam (trái) bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa hôm 29/5/2014

Hình minh hoạ. Tàu cá Việt Nam (trái) bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa hôm 29/5/2014 Reuters

Thông tin từ phía Việt Nam cho biết, cả hai quốc gia đang có kế hoạch để sớm khởi động diễn đàn đàm phán về một cơ chế hợp tác tiếp theo trong lĩnh vực nghề cá trong vịnh Bắc Bộ để phù hợp với trữ lượng tài nguyên hải sản, cơ chế quản lý nghề cá của hai bên trong tình hình mới và phù hợp với xu thế phát triển mới.

Tuy nhiên, tình trạng này cũng sẽ diễn ra các thách thức cho phía Việt Nam trong quá trình đàm phán cơ chế hợp tác mới, bao gồm:

Thứ nhất, Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động hung hăng, gây căng thẳng trên biển Đông, trong đó có các hành động đe doạ, cưỡng bức Việt Nam phải ngưng các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc luôn sử dụng nhiều loại tàu từ Hải cảnh, tàu thăm dò cùng các tàu cá giả dạng để xâm phạm, quấy nhiễu ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong suốt thời gian dài gần đây. Phía Việt Nam đã 3 lần phải ngưng các hoạt động thăm dò, khai thác vào các năm 2017, 2018 và năm nay trước sự đe doạ của Bắc Kinh.

Trong khi đó, phía Việt Nam chưa đưa ra được chiến lược đối phó nào hữu hiệu. Thậm chí, trong bài nói chuyện của ông Trần Việt Thái – từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại Giao, ông ta còn cho rằng Việt Nam chấp nhận việc xâm phạm này của các tàu Trung Quốc, coi đó là bình thường, trong khi giữ yên bình cho an ninh nội địa. Hiện nay, chính trị Việt Nam chỉ tập trung cho Đại hội Đảng lần thứ 13, vốn chỉ là sắp xếp lại các vị trí cho các phe nhóm chính trị trong nước.

Điều này đặt ra thách thức cho các nhà đàm phán trước sức ép từ Trung Quốc và khả năng nhượng bộ để giành được quyền lực chính trị trong nước.

Thứ hai, thời gian vừa qua, các tàu cá Trung Quốc, vốn rất đông và hung hãn, đã tìm cách xâm phạm để khai thác một cách tận diệt các nguồn cá tại các vùng biển của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Các tổ chức quốc tế như ODI đã thống kê Trung Quốc có số lượng tàu cá vi phạm IUU lớn nhất thế giới. Thậm chí hồi tháng 4 năm nay, các tàu cá này còn đâm chìm một tàu cá của Việt Nam tại khu vực biển gần Hoàng Sa. Vậy thì trong thời gian đàm phán, liệu Việt Nam có đủ khả năng, lực lượng để bảo vệ ngư trường của Việt Nam trước sự xâm phạm của các tàu cá Trung Quốc?

Chính vì vậy, yêu cầu cần có là Việt Nam cần phải thúc đẩy quyết tâm xây dựng chiến lược để có thể tìm kiếm một biện pháp công bằng nhất trong hợp tác với Trung Quốc. Và quan trọng hơn là phải bảo vệ hiệu quả ngư trường hợp pháp của Việt Nam trước sự hung hăng của các tàu cá Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới