Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHội tụ chiến lược Việt-Ấn: đòn bẩy quan hệ

Hội tụ chiến lược Việt-Ấn: đòn bẩy quan hệ

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trở nên mặn nồng hơn. Không chỉ biểu hiện ở mối quan hệ khăng khít giữa hai đối tác quân sự, mà còn biểu hiện cụ thể qua nhiều hoạt động kinh tế, đối ngoại.

Trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu đã gặp Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harch Vardhan Shringla; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại Việt Nam Phạm Bình Minh và người đồng cấp của Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar gặp nhau trong cuộc thảo luận trực tuyến. Phía Việt Nam thông báo với Ấn Độ về sự gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Hà Nội lên án Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự trên biển, triển khai tàu, chiến đấu cơ và  máy bay ném bom tại khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam – cũng là nơi hãng ONGC của Ấn Độ đang thăm dò dầu khí.

Cụ thể, Trung Quốc đã đưa oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Đây là nơi Bắc Kinh tuyên bố đang có “tranh chấp”, thuộc chủ quyền Việt Nam.   Theo Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, việc triển khai oanh tạc cơ H-6J là nhằm mục đích “trấn áp và ngăn chặn các hoạt động quân sự khiêu khích của Mỹ”, cũng như “hành vi ngang ngược của Việt Nam”. Đây không phải là lần đầu Trung Quốc điều máy bay ném bom ra quần đảo Hoàng Sa. Trước đó (năm 2018), không quân nước này đã từng đưa một vài oanh tạc cơ tầm xa H-6K tới khu vực này.

Hồi tháng 7, Trung Quốc cũng đã hai lần công bố tiến hành tập trận tại khu vực Biển Đông. Cả hai lần Hà Nội đều kiên quyết phản đối, cho rằng hoạt động này của Trung Quốc là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo” Hoàng Sa.

Tại các cuộc tiếp xúc, phía Việt Nam đã thông báo với Ấn Độ về tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, một chuyên gia về quân sự trong khu vực, nhận xét: “Việc Việt Nam thông báo với Ấn Độ phần nhiều cho thấy rằng Việt Nam đang tham gia vào một hành động ngoại giao để nêu ra các hành động của Trung Quốc với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ chính trị”. (Theo South China Morning Post).

Còn Đại sứ Phạm Sanh Châu hôm cho biết qua trang Twitter cá nhân, ông đã gặp mặt Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ để “thảo luận các phương cách nhằm thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ.”

Về sự xích lại gần hơn Ấn Độ, Việt Nam đã minh chứng, ở đây không chỉ có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, mà còn thể hiện sự ủng hộ không ngừng đối với tự do hàng hải và hàng không của Ấn Độ trên Biển Đông. Đương nhiên điều này sẽ khiến cho Bắc Kinh nổi giận.

Còn quá sớm để nhận định Ấn Độ và Việt Nam giờ đây cùng ở điểm hội tụ về chiến lược. Nhưng rõ ràng cả hai bên đều kiên quyết phản đối việc Trung Quốc coi Biển Đông là ao nhà của mình, cùng bảo vệ lợi ích trong việc gìn giữ hoà bình và ổn định tại khu vực nóng bỏng này.

Việc Ấn Độ và Việt Nam tăng cường hợp tác chiến lược sẽ giúp Việt Nam chống lại tham vọng độc chiếm Biển Đông và “nuốt sống Việt Nam” của Trung Quốc qua nhiều thế kỷ nay. Cũng như một số quốc gia láng giềng, Ấn Độ sẽ là nước đáng tin cậy để Việt Nam cùng liên minh chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc.

Đối với những quốc gia không bao giờ xoá được mối thù truyền kiếp với Trung Quốc như Ấn Độ và Nhật Bản thì họ sẵn sàng liên minh với Việt Nam để tìm được tiếng nói chung, đấu tranh ngoại giao, hợp tác quân sự, kinh tế có hiệu quả. Cả ba quốc gia đều nhận thấy, Trung Quốc là một nước lớn theo chủ nghĩa bành trướng, không bao giờ thoả mãn về mặt lãnh thổ và đó là một mối nguy hiểm không chỉ hiện tại mà còn cả trong tương lai.

Bởi vậy, ba quốc gia đều khẳng định mạnh mẽ lập trường đối với khu vực, ủng hộ giải pháp hòa bình đối với tất cả các tranh chấp trong khu vực; ủng hộ tự do hàng hải và tìm giải pháp cho các vấn đề cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển; phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề khu vực.

Đến hiện tại, tuy không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Ấn Độ xác định đây là một vùng biển quan trọng khi có tới 55% lượng hàng hoá thương mại của Ấn Độ di chuyển qua ngả này. Bên cạnh đó, Ấn Độ tham gia khá nhiều dự án khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông và liên tục bị Trung Quốc làm khó.

Mối quan hệ Việt-Ấn cần có những bước đi thận trọng, nhưng có bước đột phá. Dù Hà Nội và New Delhi đều thấy rõ lợi ích trong một mối quan hệ rộng mở,  nhưng cả hai bên sẽ phải có lộ trình khôn khéo, phù hợp, ít nhất là không để Trung Quốc tạo cớ gây xung đột. Do chỗ Bắc Kinh có “sức mạnh đòn bẩy trong tay”, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, an ninh nguồn nước và Biển Đông, cho nên khi ông láng giềng này giở trò lá mặt lá trái sẽ gây trở ngại lớn, thậm chí đe dọa chiến tranh nóng.

Với phương châm hoạt động thông qua khuôn khổ đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, Hà Nội biết rõ rằng mình có “đòn bẩy quan hệ” trong tay, để có thể dựa vào khi cần hỗ trợ, khi Trung Quốc trở nên quá hung hăng.

RELATED ARTICLES

Tin mới