Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnSông MeKong sẽ "chết" rất nhanh

Sông MeKong sẽ “chết” rất nhanh

Biển Hồ Tonle Sap tại Campuchia, được mệnh danh là “điều kì diệu của sông Mekong”, đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các con đập, hạn hán và thay đổi khí hậu.

Biển Hồ quan trọng bị đe dọa

Học giả Thái Lan Chainarong Setthachua nói “Đây là thảm họa khủng khiếp cho toàn bộ khu vực sông Mekong. Nếu mất Tonle Sap, chúng ta mất đi trung tâm đánh bắt cá nội địa lớn nhất thế giới.”

Biển Hồ Tonle Sap là ngư trường quan trọng của Campuchia, hỗ trợ sự di cư của cá dọc theo toàn bộ sông Mekong.

Chheng Phen, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Thủy sản Nội địa của Campuchia nói với New York Times năm 2014: “Nếu Tonle Sap không hoạt động, toàn bộ nghề đánh cá của khu vực sông Mekong sẽ sụp đổ.” Và đó chính xác là những gì mà sông Mekong đang phải đối mặt ngày nay.

Trong năm thứ hai liên tiếp, các vùng nước xung động tự nhiên của sông Mekong không hoạt động như bình thường. Điều này khiến diện tích Biển Hồ Tonle Sap mùa mưa lớn hơn gấp 5 lần mùa khô.

Ông Tom Fawthrop (người Anh) là nhà báo, nhà làm phim nổi tiếng về sông Mekong, đồng thời cũng là một chuyên gia hàng đầu của Ủy hội sông Mekong (MRC), bình luận trên The Diplomat rằng những con đập ở thượng nguồn Trung Quốc được cho là giữ lại khối lượng lớn nước và trầm tích – yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại lành mạnh của hệ sinh thái sông Mekong.

Fawthrop nhận xét, tình trạng của Tonle Sap còn trở nên trầm trọng hơn do sự xuất hiện của hai đập thủy điện Xayaburi và Don Sahong tại Lào. Thái Lan và Malaysia là những nhà phát triển và đầu tư chính cho các dự án này.

Tonle Sap là hồ tự nhiên, không giống với hồ nào trên thế giới do dung tích thay đổi theo mùa, rất thuận lợi cho đàn cá sinh sôi, nảy nở và lớn nhanh. Những năm lũ lớn, phù sa và nhiều chất dinh dưỡng cùng với cá lớn, cá bột và ấu trùng tuôn về đây. Các chất dinh dưỡng và phù sa bồi đắp cho động, thực vật nổi để nuôi ấu trùng, bồi đắp cho cây cối bụi rậm để sinh hoa quả làm thức ăn cho cá.

Tuy nhiên, vào năm 2020, cũng giống như 2019, lượng nước hồ vào mùa mưa (từ tháng 6-tháng 10) quá ít và muộn. Năm 2019, những đợt nước lũ đến muộn vào giữa tháng 8 đã khiến dòng chảy của các dòng nước nông, ấm và thiếu ôxy khiến hàng ngàn con cá chết.

Dự báo hạn hán tương tự lại xảy ra vào năm 2020 do dòng chảy gió mùa Mekong quá yếu đẩy nhánh sông Tonle Sap trở lại hồ cho tới giữa tháng 8 (trong khi điều này trước đây thường bắt đầu vào tháng 6).

Nghề cá sẽ tiếp tục suy giảm

Chuyên gia về Mekong của Quỹ Stimson, ông Brian Eyler, nhớ lại những tác động của thảm họa năm ngoái: “2.5 triệu ngư dân của Tonle Sap phải gánh khoản nợ rất cao để chống chọi với lượng cá đánh bắt được cực thấp. Năm 2020 có thể tồi tệ hơn. Việc đánh bắt cá giảm và dân phải gánh nợ này sẽ còn lặp đi lặp lại nhiều lần cho tới khi nền kinh tế quanh hồ và có thể cả đất nước [Campuchia] bắt đầu chao đảo.”

Ông Senglong Youk, lãnh đạo Tổ chức Hành động Nghề cá (FACT) Campuchia, ước tính rằng 20-30% ngư dân đã bỏ nghề và tìm việc khác.

Nghiên cứu của ông Youk chỉ ra “các đập của Trung Quốc vào hồi tháng 7/2020 bắt đầu hạn chế một lượng nước lớn chưa từng có trong khi các nước ở hạ nguồn tiếp tục gặp hạn hán như năm ngoái”.

Trong khi Trung Quốc và MRC tuyên bố nguyên nhân chính của hạn hán là do lượng mưa quá thấp và do ảnh hưởng của hiệu ứng El Nino, một số nghiên cứu khác đã chỉ ra sự mở rộng và phát triển nhanh chóng của thủy điện mới là nguyên nhân chính gây ra sự tàn lụi của nghề đánh bắt cá ở hạ lưu Mekong.

Nghiên cứu của MRC công bố trong Báo cáo Hội đồng năm 2018 chỉ ra rằng việc phát triển thủy điện sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về cá và cho tới năm 2040, dữ lượng cá sẽ giảm đáng kể. Theo dự đoán của MRC, tổng sinh khối thủy sản sẽ giảm 35-40% vào năm 2020, 40-80% vào năm 2040.

Tuy nhiên, Tom Fawthrop cho rằng những tuyên bố hay hướng dẫn về sự cần thiết của việc ngừng hoạt động thủy điện vẫn chưa được đưa ra mặc dù có những bằng chứng đáng báo động về sự suy giảm lớn thủy sản và mối đe dọa sắp xảy ra đối với an ninh lương thực của 70 triệu người sống ở lưu vực sông Mekong.

Tương lai nào cho dòng Mekong?

Giáo sư Mauricio Arias tại Đại học Nam Florida, Mỹ, đánh giá tổng hợp rằng, các con đập được xây dựng ở thượng nguồn Mekong, cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra những tổn hại không thể phục hồi cho hệ sinh thái.

Chuyên gia Marc Goichot, người đứng đầu Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phụ trách các vấn đề về nước ngọt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhận xét: “Lúc này, việc sửa chữa những thiệt hại trên sông Mekong là lâu dài và tốn kém. Nhưng không có cách nào khác.”

Ông Goichot ủng hộ kế hoạch Phục hồi Khẩn cấp do WWF phát động để bảo toàn đa dạng sinh học nước ngọt trên thế giới.

“Kế hoạch WWF áp dụng cho cả thế giới, và việc áp dụng kế hoạch này đối với sông Mekong là vô cùng cấp bách,” ông nói.

Trong lịch sử Campuchia, sông Mekong và Tonle Sap đóng vai trò là nơi sinh ra nền văn minh Khmer cổ đại cũng như hiện đại. Tonle Sap quan trọng đến mức nó được gọi là “trái tim của Campuchia”.

Tom Fawthrop kết luận trong bài phân tích trên The Diplomat, nếu chính phủ Campuchia, MRC và các nước khác không đưa ra kế hoạch chăm sóc và cứu hộ cho Tonle Sap, thì “kho báu” của Campuchia thực sự đứng trước rủi ro phải từ biệt với dòng Mekong hùng vĩ.

RELATED ARTICLES

Tin mới