Tuesday, November 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChuyện thần tốc ở ngành dầu khí

Chuyện thần tốc ở ngành dầu khí

Mặc dù đã 45 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam từ ngày đầu thành lập vẫn không lý giải được rằng: Tại sao trong lúc miền Nam mới giải phóng, đất nước bộn bề công việc phải giải quyết nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nghĩ ngay tới việc phải xây dựng ngành công nghiệp dầu khí.

Giàn khai thác của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Ngày 20-7-1975 (chưa đầy 3 tháng sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), Bộ Chính trị đã họp tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) và ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước.

Rồi chỉ đúng một tháng sau, ngày 20-8-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Và ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Việc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ra đời đã đưa ngành dầu khí bước sang một trang mới, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất…

Đây có lẽ là kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế đất nước ta. Vì chưa bao giờ có việc ra đời một đơn vị cấp tổng cục, được giao trọng trách xây dựng một ngành kinh tế có kỹ thuật cao, có tính đặc thù và hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam, lại ngắn như vậy (43 ngày), trong lúc tiềm lực của chúng ta gần như bằng không. Ông Nguyễn Hiệp cho rằng, lúc đó, tinh thần “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” của giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn được thể hiện rõ trong các quyết sách.

Ông Nguyễn Hiệp khẳng định rằng, cho đến nay, Nghị quyết số 244-NQ/TW vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt 45 năm qua cho sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Các nghị quyết sau của Đảng như Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị vào tháng 7-1988, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị vào tháng 7-2015… về đánh giá và chiến lược phát triển ngành dầu khí-mà chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)-cũng đều bám theo tinh thần Nghị quyết số 224-NQ/TW.Nghị quyết số 244-NQ/TW đã nêu rõ: “Nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí…”. Đặc biệt, nghị quyết còn khẳng định: “Trong quá trình hợp tác, chúng ta phải giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập tự chủ, nhanh chóng tăng cường tiềm lực của mình, tiến tới tự lực ở mức cao nhất có thể. Với vị trí chính trị của Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, với các nước tư bản và các nước thuộc “thế giới thứ ba”…

Cho đến nay, trải qua nhiều tên gọi và thay đổi mô hình tổ chức, như Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam; Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam… Tập đoàn PVN đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển.

Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, tổng doanh thu của tập đoàn đạt hơn 374 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước hơn 105 tỷ USD, luôn ở trong tốp đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước. Có những thời kỳ PVN nộp ngân sách chiếm tới gần 30% GDP.

Có một điều không phải ai cũng thấu hiểu, đó là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đi từ không đến có, đã biến những điều không thể thành có thể, đi từ vị trí “người làm thuê”, “người học việc”; nay đã vươn lên, làm chủ được toàn bộ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; đã tự xây dựng được những giàn khai thác vào loại lớn trên thế giới và khai thác ở những nơi có điều kiện địa chất đặc biệt nhất trên thế giới như mỏ Hải Thạch-Mộc Tinh; đã xây dựng được những cụm công nghiệp khép kín như cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau; đã chế tạo được những giàn khoan lớn và hiện đại… Tập đoàn đã xây dựng được chuỗi sản phẩm dầu khí khép kín từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đến tồn trữ vận chuyển và chế biến sâu. Đây là những bước tiến thần kỳ, đã thể hiện được ý chí, bản lĩnh và khát vọng của những người tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc.

Đạt được những thành tựu trên, trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước, được thể hiện qua các nghị quyết quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhằm tạo khung pháp lý và chỉ đạo các bộ, ban, ngành có liên quan để xây dựng, phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Sau năm 1975, trước yêu cầu cấp bách về tìm kiếm, thăm dò dầu khí, Đảng đã cử những tướng lĩnh quân đội dày dạn kinh nghiệm trong trận mạc, có ý chí và tinh thần kỷ luật cao cùng với các đơn vị làm kinh tế của quân đội về xây dựng ngành dầu khí. Những anh Bộ đội Cụ Hồ đã rời tay súng, xắn tay áo xây dựng một nền công nghiệp có những yêu cầu khắt khe nhất về mặt kỹ thuật và có tính đặc thù rất cao. Khi đó, những người lính vốn kiến thức về dầu khí hầu như chưa có gì, ấy thế mà họ đã tìm hiểu để xây dựng những khu căn cứ dịch vụ cho ngành dầu khí, đã xông ra biển để tìm kiếm, thăm dò và họ đã tranh thủ từng ngày, từng giờ để học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài.

Có thể khẳng định rằng: Nếu như không có sự chỉ đạo chặt chẽ, sự thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam không thể nào có được những thành quả to lớn như ngày hôm nay. Bởi lẽ, ngành tìm kiếm, thăm dò dầu khí là ngành chứa đựng sự rủi ro cực kỳ lớn, bản thân chữ thăm dò đã chứa đựng sự rủi ro. Đó là nghề không ngày nào giống ngày nào, không giờ nào giống giờ nào và không mũi khoan nào giống mũi khoan nào.

Trong khoảng 5 năm qua, những biến cố quá lớn đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khiến cho “văn hóa dầu khí” bị mai một, khiến cho dư luận nhân dân và nhiều lãnh đạo cao cấp nghi ngờ người dầu khí… Và đặc biệt là từ đầu năm 2020, tập đoàn phải đối phó với cuộc “khủng hoảng kép”: Đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm quá sâu. Nhưng PVN đã đối phó với tâm thế bình tĩnh, tự tin và chủ động. Chính vì vậy, hầu hết các đơn vị vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 hơn 38.000 tỷ đồng.

45 năm trôi qua như chớp mắt. Những gì mà các thế hệ người dầu khí đã làm được đối với đất nước là rất lớn. Và đó chính là hành trang để người dầu khí tự tin bước tiếp.

RELATED ARTICLES

Tin mới