Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgoại giao trên cạn khôn ngăn rủi ro ngoài biển

Ngoại giao trên cạn khôn ngăn rủi ro ngoài biển

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam trong các ngày 9 và 12/9. Trước và trong thời gian diễn ra hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã bất ngờ thăm bốn nước ASEAN Malaysia, Indonesia, Brunei và Philipines.

Tại sao tướng Ngụy lại chọn thời điểm này? Như các bạn đã biết, bốn nước mà ông ta ghé thăm là các nước ven Biển Đông, đang có những tranh chấp kéo dài, căng thẳng. Vâng, “vấn đề Biển Đông” vẫn là mối quan tâm nhất trong chuyến công du của người đứng đầu quân đội Trung Quốc. Tại các nơi Ngụy Phượng Hòa đến thăm, ông ta đều  phát đi tín hiệu: Bắc Kinh  muốn “thỏa hiệp” với các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông. Mong có sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và chia sẻ.

Chả ai còn lạ cái chiến thuật “tiến lùi” dích dắc của Trung Quốc mỗi khi lâm vào tình trạng bị cô lập, thất thế. Lần này mục đích của Bắc Kinh có thể nhằm cản phá một dạng liên minh đang manh nha hình thành về vấn đề Biển Đông. Thêm vào đó Trung Quốc muốn thể hiện động tác “uốn dẻo” nhằm tác động êm ái đến diễn biến hội nghị ngoại trưởng ASEAN, được tổ chức tại Hà Nội – đồng minh trên lý thuyết của nước này.

Khi ông Ngụy vị khách không mời mà đến, chủ nhà không mấy mặn mà. Nói chi đến trống giong cờ mở. Thật kỳ khôi khi chuyến thăm xảy ra ngay trước và trùng thời điểm nhạy cảm là hội nghị ngoại trưởng ASEAN.

Theo Tân Hoa xã, Ngụy Phượng Hòa đã đến Kuala Lumpur, Malaysia,  để gặp Thủ tướng Muhyiddin và Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Malaysia từ chối bình luận, còn phụ tá của Thủ tướng Muhyiddin nhất quyết không trả lời tin nhắn và cuộc gọi của các nhà báo quốc tế, thật là chuyện hi hữu từ trước đến nay.

Cũng trong tình trạng nhạt nhòa giống như ở Malaysia, Indonesia dường như cũng cố gắng “quên”  chuyến thăm của ông Ngụy. Thông tin từ Chính phủ cho hay, đây chỉ là chuyến thăm xã giao, đáp lễ chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng đương nhiệm Prabowo đến Trung Quốc cuối năm ngoái.  

Philippines cũng đóng kín thông tin về chuyến thăm của Ngụy, mặc dù theo truyền thông Philippines, Ngụy đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Philippins Delfin Lorenzana.

Qua các diễn biến nêu trên cho thấy, Trung Quốc là bên chủ động thiết kế chuyến thăm thiếu tế nhị này. Còn bốn nước ASEAN đành miễn cưỡng tiếp đón và tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của cuộc thăm viếng, vì không muốn thể hiện mình bị tác động, hoặc bị chơi khăm trong thời gian diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.

Bình luận về chuyến thăm nhạt nhẽo của ông Ngụy, cựu thứ trưởng quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong cảnh báo: Biển Đông có thể là “vùng Balkan tại khu vực này của thế giới”. Các cường quốc nếu không cẩn thận có thể sa vào “khủng hoảng và chiến tranh” vì không có vùng đệm giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giờ đây trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng, không khu vực nào khác ẩn chứa nhiều nguy cơ và hậu quả từ sự trỗi dậy của Trung Quốc hơn là khu vực biển Đông Nam Á. Trung Quốc bề ngoài luôn coi các quốc gia ven Biển Đông Nam Á là ưu tiên chính sách đối ngoại, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động gây căng thẳng tại Biển Đông, bao gồm các cuộc tập trận quân sự liên tiếp, cũng như vụ bắn tên lửa đạn đạo vào Biển Đông. Các tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế các nước Đông Nam Á, sách nhiễu hoạt động khai thác tài nguyên.

Hành động vừa ăn cướp vừa la làng của Trung Quốc đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Và các nước trong khu vực, nhất là các nước ASEAN không lạ gì hành động xấu xa đó. Tuy nhiên, cứ mỗi khi trong nhà hoặc trong khu vực có sự kiện gì, Bắc Kinh rất thính nhạy trong việc cử sứ giả đi thương thuyết, nắm tình hình, hứa hẹn đủ điều. Đấy chính là thượng sách rút củi đáy nồi. Hãy tìm cách trì hoãn, hãy đánh lạc hướng, hoặc thương lượng, giở bài chìa “củ cà rốt” ra. Với con bài mồi nhử bằng kinh tế này, đối tác khó mà thoát khỏi. Chẳng hạn, Malaysia là nước đã nhận khá nhiều ngoại tệ từ Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, cũng như các khoản đầu tư khác từ Trung Nam Hải.

Há miệng mắc quai, cho nên Malaysia và Brunei là hai trong số bốn quốc gia Đông Nam Á tuy lên tiếng phản đối những hành động bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng họ hiếm khi đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề này. Thậm chí khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các đảo nhân tạo, đưa tàu hải cảnh và tàu nghiên cứu đến khu vực thuộc chủ quyền của quốc gia khác, hai nước này vẫn …đánh bài lảng.

Chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đến bốn nước ASEAN chả khác nào chuyến đi ngang về tắt, chuyến “phượt” của dân Tây balô theo đường mòn, lối mở, không đem lại kết quả nào đáng kể. Nó chỉ khiến cho thế giới một lần nữa củng cố nhận định của mình: trò hề ngoại giao của Bắc Kinh mỗi lần tái diễn lại có thêm những thất bại mới.

Thế đấy. Ngoại giao trên cạn khôn ngăn rủi ro, tai ương ngoài biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới