Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng tham gia Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) ngày 9/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Mỹ đang can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông để phục vụ cho nhu cầu chính trị của mình.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị trực tuyến
Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc.
Theo ông Vương, Mỹ mới chính là động lực làm gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông.
“Hòa bình và ổn định là lợi ích chiến lược lớn nhất của Trung Quốc ở biển Đông. Đó cũng là mong muốn chiến lược chung của Trung Quốc và các nước ASEAN”, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc khẳng định trong một tuyên bố được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày.
Đồng thời, ông Vương cũng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng liên lạc và đối thoại với Washington để đạt được sự hợp tác trong vấn đề Biển Đông.
Đáp lại gần như ngay lập tứcNgoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích yêu sách phi pháp và hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo cùng “một số nước ASEAN và nhiều đối tác khác bày tỏ quan ngại về những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông”.
“Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng Mỹ, dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông vào năm 2016, coi các yêu sách hàng hải bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi pháp”, thông cáo cho biết thêm.
Ông Pompeo nhấn mạnh sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là bảo vệ các giá trị tự do, rộng mở, minh bạch và thượng tôn luật pháp quốc tế theo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Mỹ thời gian gần đây đã có phản ứng gay gắt trước các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, nêu bật tính bất hợp pháp của các đảo nhân tạo, lên án việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo này với việc bố trí tên lửa, radar, máy bay trên đó.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/7 đưa ra tuyên bố chính thức rằng Washington phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington cáo buộc “Bắc Kinh dùng biện pháp bắt nạt để xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông, thay thế luật quốc tế bằng tư duy chân lý thuộc về kẻ mạnh'”.
Tới ngày 28/9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thêm 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại vì các công ty này đã tham gia vào quá trình bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông, một chương trình xây dựng mà Mỹ cho là nỗ lực phi pháp nhằm kiểm soát tuyến vận tải hàng hải quan trọng này.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ không cấp thị thực cho các cá nhân, quan chức Trung Quốc có liên quan đến hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
Mới đây nhất, trong tuyên bố đưa ra ngày 26/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Mỹ ủng hộ các đồng minh và đối tác bị áp bức ở Đông Nam Á, không cho phép Trung Quốc bắt nạt hay ngăn các nước tiếp cận tài nguyên ở Biển Đông.