“Chuyến đi ổn định Biển Đông” tới 4 nước ASEAN của Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc được dư luận trong khu vực đánh giá như thế nào?
Tướng Ngụy Phượng Hòa (bên phải) đứng cạnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Dư luận khu vực về “chuyến đi Biển Đông” của ông Ngụy
Ủy viên Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa vừa kết thúc chuyến thăm Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines (4 quốc gia thành viên của ASEAN).
Theo nhận định của các nhà phân tích Trung Quốc, việc ông Ngụy Phượng Hòa thăm các nước Đông Nam Á này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã “chứng minh tầm quan trọng và sự vững chắc của mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia này”.
Trong khi đó, truyền thông chính thống của Trung Quốc loan tin rằng chuyến đi của ông Ngụy là thời điểm “Trung Quốc làm việc với các thành viên ASEAN để ổn định Biển Đông”.
Trước đó, từ ngày 7-11/ 9, ông Ngụy Phượng Hòa đã tới thăm bốn nước thành viên ASEAN gặp gỡ các nhà lãnh đạo của họ, bao gồm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Sultan Bruneian Hassanal Bolkiah và Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì “cả bốn nước bày tỏ sẵn sàng hợp tác quốc phòng với Trung Quốc”.
Trong các cuộc gặp với lãnh đạo các nước này, vấn đề Biển Đông lần nào cũng được đề cập. Ông Ngụy Phượng Hòa nói tại cuộc gặp với Tổng thống Philippines Duterte rằng bảo vệ sự ổn định của Biển Đông là “trách nhiệm chung của hai bên.”
Trước khi ông Ngụy bắt đầu chuyến công du của mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Năm (tuần trước) cũng đã lên tiếng hối thúc các nước ASEAN làm nhiều hơn nữa để gây sức ép với Trung Quốc trên Biển Đông. “Đừng chỉ lên tiếng mà hãy hành động”, ông Pompeo nói tại cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng 10 nước ASEAN.
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Duterte nhấn mạnh với ông Ngụy hôm thứ Sáu rằng hai nước phải giải quyết hòa bình mọi tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các cơ chế quốc tế có liên quan khác, đồng thời thúc đẩy việc thực thi Bộ Quy tắc ứng xử trong khu vực tranh chấp (COC).
Theo truyền thông Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng nước này là ông Ismail Sabri Yaakob cho biết chuyến thăm của ông Ngụy Phượng Hòa “đã tạo cơ hội cho cả hai bên thảo luận về tranh chấp” và lập trường mà ông (Yaakob) đưa ra với người đồng cấp Ngụy Phượng Hòa là “các tranh chấp nên được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao”.
Trong khi đó, Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông dẫn lời cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong nói rằng “không có khu vực nào khác có vai trò và hậu quả cao hơn khu vực biển Đông Nam Á của đối với sự trỗi dậy từ Trung Quốc cũng nhưng trong bối cảnh Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng”.
Ông Liew cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc “phải coi các quốc gia Đông Nam Á có biển là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của mình vì đây là khu vực gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực đang thận trọng với những nguy cơ và rủi ro giữa hai nước là Mỹ và Trung Quốc”.
Báo cáo của SCMP cho biết, Bắc Kinh đang tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.
Chuyên gia Trung Quốc nói gì?
Tuy nhiên, ông Li Haidong, giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng “đây là cách giải thích theo kiểu phương Tây” vì theo ông ta “chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba hoặc các quốc gia khác, và nó không quan tâm đến việc cân bằng sức mạnh của bất kỳ quốc gia nào”.
“Trung Quốc hy vọng duy trì quan hệ hòa bình và hữu nghị với các nước láng giềng để đảm bảo an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, thay vì xung đột liên tục trong khu vực”, ông Li Haidong quả quyết.
Li Haidong tin “bất cứ điều gì Trung Quốc làm ở Đông Nam Á hoặc Biển Đông sẽ bị Mỹ coi là trực tiếp chống lại mình vì nước này có ảnh hưởng và sức mạnh hủy diệt lớn trong khu vực và Mỹ cũng đã xác định rõ Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược”.
Ông Li khuyến cáo với chính quyền Bắc Kinh rằn, “Trung Quốc phải tăng cường liên lạc và hợp tác với các nước Đông Nam Á, điều vừa cần thiết vừa cấp bách, vì Mỹ ngày càng hình thành các liên minh và khuấy động các tranh chấp trong khu vực.
“Giao tiếp mặt đối mặt (trực tiếp) khi dịch đang được kiểm soát cho thấy sự chân thành của hai bên nhằm xây dựng mức độ tin cậy cao lẫn nhau và nó cũng có lợi cho các cuộc trao đổi sâu rộng và hiệu quả giữa các nhà lãnh đạo của các nước mà ông Ngụy Phượng Hòa đã đến thăm”, ông Li Haidong lưu ý.
Theo vị giáo sư chuyên ngành ngoại giao của Trung Quốc này, “vì quân đội của Bắc Kinh có mối liên hệ chặt chẽ với ngoại giao nên chuyến thăm của ông Ngụy không chỉ nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực quốc phòng với các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc, mà còn nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao chặt chẽ và xây dựng mối quan hệ phối hợp chung về an ninh trong khu vực”.
“Các nước trong khu vực đều có những quan tâm riêng dựa trên lợi ích của mình, nhưng họ đều hy vọng khu vực sẽ ổn định và hòa bình. Điều này cũng giống như yêu sách và lợi ích của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông” – ông Li Haidong đưa nhận định.