Tạp chí quốc phòng Trung Quốc Ordnance Industry Science Technology mới đây dự đoán tàu sân bay thứ 3 của nước này có thể được hạ thủy vào cuối năm nay, trong khi giới chuyên gia đưa ra dự đoán khác, theo Hoàn Cầu thời báo.
Từ hình ảnh do người dân địa phương chụp và hình ảnh chụp từ vệ tinh, Ordnance Industry Science Technology cho rằng một bến tàu tại xưởng tàu Giang Nam ở Thượng Hải đã được dọn dẹp hồi tháng 6, sau khi các bộ phận thân của thứ được cho là tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc được chuyển đến để lắp ráp.
Những hình ảnh chụp vào đầu tháng 9 cho thấy hình dạng tổng thể của chiếc tàu sân bay thứ 3 đã được hình thành, chỉ thiếu mũi tàu. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, chiếc tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc sẽ được đóng hoàn tất vào tháng 11 hoặc tháng 12, và sẽ được hạ thủy vào cuối năm nay trước khi được lắp ráp thiết bị, theo Ordnance Industry Science Technology.
Mô hình một tàu sân bay tương lai của Trung Quốc, được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội ở Bắc Kinh Chụp màn hình Global Times |
Trong khi đó, chuyên gia hải quân Lý Kiệt ở Trung Quốc hôm 13.9 nhận định với Hoàn Cầu thời báo rằng thời điểm hạ thủy cần được quyết định dựa trên quá trình đóng tàu thực tế và ông cho rằng rất có khả năng tàu sẽ được hạ thủy vào năm 2021, nếu mọi thứ diễn ra theo kế hoạch.
Không giống tàu Sơn Đông, chiếc hàng không mẫu hạm thứ 2 của Trung Quốc, tàu sân bay thứ 3 sử dụng phương pháp đóng tàu tiên tiến hơn là các bộ phận thân lớn được đóng ở nhiều nơi khác nhau rồi được chuyển tới nơi lắp ráp cuối cùng để lắp ráp thân tàu hoàn chỉnh, theo Ordnance Industry Science Technology. Do đó, phương pháp này giúp rút ngắn thời gian đóng tàu.
Ordnance Industry Science Technology còn dự đoán tàu sân bay thứ 3 có chiều dài khoảng 320 m và lượng giãn nước hơn 80.000 tấn, trong khi tàu Sơn Đông có chiều dài 305 m và lượng giãn nước khoảng 60.000 tấn, được xem là tàu sân bay có kích cỡ trung bình.
Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc, không muốn tiết lộ danh tính, nhận định với Hoàn Cầu thời báo rằng, do tàu sân bay thứ 3 lớn hơn hai tàu trước và có thể sử dụng nhiều công nghệ mới nên quá trình trang bị và chạy thử trên biển có thể sẽ diễn ra lâu hơn so với tàu Sơn Đông.
Hồi tháng trước, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đang tăng tốc thực hiện tham vọng có ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân trong thập niên tới, nhưng giới quan sát cho rằng Trung Quốc còn mất nhiều thời gian huấn luyện nhân sự cần có để hiện thực hóa tham vọng.