Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ công bố dự luật tước bỏ quy chế “Tối Huệ Quốc”...

Mỹ công bố dự luật tước bỏ quy chế “Tối Huệ Quốc” của TQ

Thượng nghị sĩ Tom Cotton sẽ trình dự luật mới nhằm cắt giảm các đặc quyền thương mại đặc biệt của Trung Quốc bằng cách thu hồi quy chế Tối huệ quốc vĩnh viễn, hay được gọi là quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn.

Ngày 15/9/2020, Thượng nghị sĩ Tom Cotton cho biết, trong tuần này, ông sẽ trình dự luật mới nhằm cắt giảm các đặc quyền thương mại đặc biệt của Trung Quốc bằng cách thu hồi quy chế Tối huệ quốc vĩnh viễn, hay được gọi là quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Dự luật này đồng thời đưa quan hệ thương mại với chính quyền Trung Quốc quay trở lại thời điểm trước khi có quy chế Tối huệ quốc, thời điểm mà Hoa Kỳ đánh giá và phê duyệt các điều kiện đáp ứng của Trung Quốc hàng năm.

Trong một bài đăng trên Twitter ngày 15/9/2020, Thượng nghị sĩ Cotton cho biết, động thái này sẽ là một bước để chống lại sự mất mát của ngành sản xuất Mỹ. Ông viết: “Trung Quốc cần bị tước bỏ quy chế Tối huệ quốc vĩnh viễn. Joe Biden đã bỏ phiếu để trao quy chế thương mại đặc biệt cho nước cộng sản này cách đây 20 năm, làm tăng thêm tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ. Tôi đang đưa ra dự luật để chấm dứt điều này”.

Hai thập kỷ trước, Tổng thống Bill Clinton đã ký thành luật Đạo luật Quan hệ Trung – Mỹ năm 2000, mở đường cho quy chế PNTR của Trung Quốc, trước đây được gọi là Tối huệ quốc (MFN). Tổng thống George W. Bush, vào ngày 27/12/2001, đã ký một tuyên bố chính thức đưa quy chế Tối huệ quốc của Trung Quốc trở thành vĩnh viễn.

Trong một tuyên bố vào thời điểm đó, Nhà Trắng cho biết: “[Tuyên bố] có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, đây là bước cuối cùng trong việc bình thường hóa quan hệ thương mại Trung – Mỹ và chào đón Trung Quốc tham gia vào một hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các quy tắc.

Trong một bài đăng tiếp theo ngày 15/9/2020, Thượng nghị sĩ Cotton cho biết, việc đưa tình trạng PNTR của Trung Quốc vào đánh giá hàng năm sẽ là một cách để buộc nước này tuân theo các cam kết của mình trong lĩnh vực thương mại và nhân quyền.

Ông viết: “Việc chấm dứt quy chế Tối huệ quốc vĩnh viễn của Trung Quốc sẽ gây áp lực lên Đảng Cộng sản Trung Quốc để họ duy trì các nghĩa vụ thương mại và quyền của công dân của họ”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox & Friends hôm 14/9, Thượng nghị sĩ Cotton cho biết, việc thu hồi quy chế đặc biệt cũng sẽ tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ trong trường hợp căng thẳng leo thang. Ông nói: “Giả sử Trung Quốc bắn tên lửa vào các tàu của chúng ta ở Tây Thái Bình Dương hoặc tấn công Hong Kong. Thì hàng năm chúng ta có thể nói, chúng ta sẽ không gia hạn quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc”.

Quyết định loại bỏ quy định xem xét và đánh giá lại hàng năm về tình trạng quan hệ thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đã vấp phải một số chỉ trích ở một số phương diện, bao gồm việc Trung Quốc được hưởng lợi từ việc tiếp cận người tiêu dùng Mỹ một cách thoải mái, nhưng lại đóng cửa có chọn lọc thị trường của mình trước sự cạnh tranh nước ngoài. Điều này buộc các công ty Mỹ phải liên doanh với các doanh nghiệp do nhà nước Trung Quốc kiểm soát để tiếp cận với các công nghệ quan trọng, và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục mô hình trấn áp bất đồng chính kiến trong quá khứ.

Giáo sư Luật tại Trường Luật của Đại học Mississippi, ông Ronald J. Rychlak viết: “Sự tự do được hứa hẹn ở Trung Quốc đã không trở thành hiện thực. Nhiều trí thức phương Tây và những người đồng cấp Trung Quốc của họ đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc ngày nay ít tự do hơn so với một thập kỷ trước. Tự do ngôn luận, bất đồng chính kiến và tôn giáo đều đã bị đàn áp. Trên thực tế, ĐCSTQ gần đây có lẽ đã phát động chiến dịch kiểm duyệt mạnh nhất từ trước đến nay, ngay trong dịp kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn”.

Ông lập luận rằng, thương mại tự do mang lại lợi ích cho tất cả các bên, nhưng chỉ khi tất cả các bên tuân theo luật. Ông nhấn mạnh: “Thương mại tự do thực tế là tốt nhất cho tất cả mọi người, nhưng đó không phải là cách thức Trung Quốc làm. Trong khi các công ty Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề như lương tối thiểu, các quy định về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, và tất cả các loại luật môi trường, thì Trung Quốc sử dụng tù nhân để [cưỡng bức] lao động. Trên thực tế, trong thập kỷ qua, một số trường hợp đã bị phơi bày về số lượng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc”.

Một vấn đề khác là động thái bình thường hóa quan hệ thương mại đã dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào các chuỗi cung ứng bắt nguồn từ Trung Quốc. Ông Ronald J. Rychlak viết: “Trước tình trạng PNTR của Trung Quốc, luôn có mối đe dọa rằng, quyền tiếp cận thuận lợi vào thị trường Hoa Kỳ sẽ bị thu hồi. Điều đó có xu hướng khiến các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh lo ngại về cách thức những người khác nhìn nhận hành vi của quốc gia họ. Nó cũng ngăn các công ty Hoa Kỳ trở nên quá phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Tuy nhiên, khi PNTR ra đời, dòng vốn đầu tư đã được mở ra và các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ đã phát triển các chuỗi cung ứng mới tập trung vào Trung Quốc”.

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã khởi động một nỗ lực nhằm tái cân bằng mối quan hệ thương mại Trung – Mỹ, bao gồm việc áp đặt mức thuế quan khoảng 400 tỷ USD với các hàng hoá từ Trung Quốc khi các cuộc đàm phán bị đình trệ.

Tổng thống Trump đã nói rằng các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc đã “xé nát Hoa Kỳ”. Ông Trump nhận xét vào ngày 29/5/2020 rằng: “Hành vi sai trái của Trung Quốc đã được thấy rõ. Trong nhiều thập kỷ, họ đã xé nát nước Mỹ mà chưa từng có ai làm trước đây. Mỗi năm, hàng trăm tỷ USD đã bị thất thoát khi giao dịch với Trung Quốc, đặc biệt là trong những năm dưới thời Chính quyền của Tổng thống trước. Trung Quốc tấn công các nhà máy của chúng ta, đưa việc làm của chúng ta ra nước ngoài, cắt bỏ các ngành công nghiệp của chúng ta, đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta và vi phạm các cam kết của họ trong Tổ chức Thương mại Thế giới”.

Ông cũng nói thêm rằng: “Làm cho vấn đề tồi tệ hơn, họ [Trung Quốc] được coi là một quốc gia đang phát triển nhận được tất cả các loại lợi ích mà những nước khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, không được hưởng” khi ông đề cập đến tình trạng “quốc gia đang phát triển” mà Trung Quốc nhận được khi gia nhập WTO, mang lại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới những đặc quyền đặc biệt, như thời gian thực hiện cắt giảm thuế quan dài hơn.

Các quan chức Trung Quốc đã lập luận rằng, các quyền đặc biệt của Trung Quốc trong WTO đã được đàm phán hợp pháp như một phần của các cuộc đàm phán gia nhập tổ chức.

Trong một cuộc họp WTO, Đại sứ Trung Quốc tại WTO, Zhang Xiangchen, cho biết: “Đất nước chúng tôi đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn và khoảng cách khác nhau trong việc đạt được sự phát triển cân bằng và tương xứng. Vì vậy, chúng tôi sẽ không đưa ra các cam kết vượt quá khả năng của mình, cũng như không từ bỏ các quyền hợp pháp và thể chế của mình với tư cách là một thành viên đang phát triển”, theo Bloomberg.

Thuế quan mà Tổng thống Trump đưa ra đối với hàng hoá Trung Quốc được cho phép theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, cho phép Tổng thống áp đặt thuế quan nếu một nước ngoài tác động đến thương mại của Hoa Kỳ bằng cách sử dụng các hành vi thương mại không công bằng. Chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt các mức thuế do Trung Quốc thực hiện chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

RELATED ARTICLES

Tin mới