Sau “thất bại toàn tập” trong chuyến thăm dọn ngõ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến một số nước châu Âu, Trung Quốc lại một phen mất mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc.
Hội nghị quan trọng này được tổ chức vào hôm 14/9, theo hình thức trực tuyến. Đồng chủ trì là 4 vị tên tuổi lẫy lừng: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hội nghị nêu lên nhiều vấn đề thẳng thắn, thái độ rõ ràng trong tình hình cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đang gồng mình chống đại dịch Covid-19. Trong các vấn đề đó nổi lên một sự kiện, các nhà lãnh đạo EU đồng loạt đưa ra những cảnh báo cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Các nhà lãnh đạo EU hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải nhanh chóng mở cửa thị trường. Phải thật sự tôn trọng các nhóm thiểu số, rút lại luật an ninh đối với Hồng Kông. Đặc biệt, tuyên bố sau đây như một gáo nước lạnh dội vào gáy ông Tập: Châu Âu sẽ không để Trung Quốc qua mặt, lợi dụng và gian dối trong thương mại.
Cụ thể thêm một bước, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu ví von: “Châu Âu là một người chơi, chứ không phải là một sân chơi”.
Điều ông Chủ tịch muốn phơi mặt Bắc Kinh là giờ đây nhận thức của các nhà lãnh đạo châu Âu về Trung Quốc ngày càng đầy đủ, đúng đắn. Trung Quốc đã không hề thực hiện các cam kết đảm bảo thương mại công bằng và tự do. Ông tuyên bố dứt khoát: “Chúng tôi thực sự nghiêm túc về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và mong muốn xóa bỏ các rào cản”.
Trước các tuyên bố mạnh mẽ này, đương nhiên ông Tập vừa xấu hổ vừa lo lắng cho “con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc. Bởi mỗi ngày Trung Quốc đạt được hơn 1 tỉ euro trong thương mại song phương là nhờ vào EU – đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng chỉ đứng sau Mỹ với vai trò là thị trường hàng hóa và dịch vụ của EU.
Có thể nói đến cụm từ “thảm họa ngoại giao” đối với Bắc Kinh trong thời gian qua. Các nhà quan sát về quan hệ EU- Trung Quốc cho rằng, năm 2020 là một năm nhiều biến động trong quan hệ song phương. CNN dẫn một nguồn tin cho hay, các chính trị gia cấp cao nhất ở EU “buộc phải suy nghĩ kỹ về nhân tố địa chính trị mà Bắc Kinh đang cố gắng trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới”. Trung Quốc đã lợi dụng triệt để dịch bệnh Covid-19 để thực hiện các mục tiêu của mình, đồng thời có nhiều hành động khiêu khích ở Biển Đông và trên trường quốc tế.
Năm 2020 sắp kết thúc, nhiều nước thành viên EU không ngần ngại gì khi nhận xét: Trung Quốc ngày càng bất đồng hơn, ít quan tâm đến việc phát triển quan hệ đối tác thực sự với châu Âu. Dường như họ đang tìm mọi cách để thay thế nền dân chủ phương Tây bằng hệ thống chính trị “đặc sắc” của mình.
Hơn lúc nào hết, Bắc Kinh xác định EU là đối tác quan trọng để đối trọng với Mỹ, kẻ đang dùng “sức mạnh cơ bắp” để đối chọi với một nền văn hóa khổng lồ Trung Hoa vĩ đại. Thế nhưng EU đã chìa bàn tay hờ hững ra. Năm 2019, báo chí Brussels đã có một số bài phân tích về chiến lược đối với Trung Quốc, khẳng định rõ ràng: Bắc Kinh vừa là “đối tác chiến lược” vừa là “đối thủ mang tính hệ thống”.
Đến hiện tại, dường như không có sự thống nhất nào về mối quan hệ cuối cùng mà EU muốn xây dựng với Trung Quốc. Điều cần nhất dưới mái nhà chung Châu Âu là xây dựng cầu nối giữa các quốc gia thành viên để có thể hành động một cách thống nhất. Trung Quốc không làm được điều đó. Thậm chí họ đã làm ngược lại, gây nên những căng thẳng, bất hòa.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh, EU sẽ có đòn bẩy để gây sức ép đối với Bắc Kinh. Song việc thực hiện chiến lược này cũng không phải là mục tiêu tối ưu. Nếu EU không tìm ra phương án cân bằng quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh thì về lâu dài các nước trong EU sẽ rơi vào thế bí, nếu không muốn nói bị mắc kẹt giữa hai quả núi.
Liệu Trung Quốc có tính tới một “vùng xám” ở Châu Âu? Rất có thể, bởi Trung Quốc đã tiến hành chiến thuật “vùng xám” ở Biển Đông. Đó là cái vùng mờ mờ ảo ảo được hình thành thông qua việc: Xây dựng đảo nhân tạo phi pháp; quân sự hóa các thực thể nhân tạo này; triển khai phi pháp các lực lượng tàu hải cảnh ở khu vực; tận dụng đội tàu cá và tàu dân quân biển thực hiện các hành vi mang tính vũ lực theo kiểu “bán quân sự”.
Quân đội Mỹ đã có “bài” đối với “vùng xám”, luôn trong tâm thế sẵn sàng và sẽ hành động tức khắc khi có lệnh. Một động thái khiêu khích quá mức chấp nhận ở Biển Đông có thể khiến hai cường quốc va chạm vũ trang. Để đảm bảo không bị Trung Quốc “hất cẳng” khỏi Biển Đông, trong trường hợp nước này leo thang không có điểm ngừng, Mỹ sẽ không còn phương án khác.
Còn đối với Liên minh Châu Âu thì đã sớm nhận ra sự đổi màu của Trung Quốc. “Vùng xám” trên thị trường Châu Âu chính là các rào cản thương mại chằng chịt, là chính sách ngoại giao nhún nhường trước kẻ mạnh, lấy thịt đè người với kẻ yếu, v.v.. Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh EU lần này là hồi chuông cảnh tỉnh với Bắc Kinh.