Khi làn sóng tẩy chay Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thế hệ “hồng nhị đại” ngày một mạnh mẽ và công khai.
Ông Nhậm Chí Cường
Ngày 11/9, phiên tòa xét xử ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), trùm địa ốc nổi tiếng ở Trung Quốc và là “Thế hệ đỏ thứ hai” (hồng nhị đại) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo dư luận cả trong và ngoài nước. Ông Nhậm Chí Cường bị truy tố về 4 tội danh kinh tế, nhưng có phân tích cho rằng nhà chức trách đã tránh đề cập đến tội trạng then chốt nhất, và ông Nhậm bị xử lý thế nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nhà cầm quyền, Tập Cận Bình bởi vậy mà lâm vào tình thế khó xử.
Nhậm Chí Cường bị trừng phạt vì tội “bất kính bề trên”
Vào lúc 9h30 ngày 11/9, phiên tòa xét xử Nhậm Chí Cường, cựu chủ tịch tập đoàn Hoa Viễn, Bắc Kinh với biệt danh “Nhậm đại pháo” (một nhân vật nổi tiếng với hơn 37 triệu lượt theo dõi trên Weibo), được mở tại Tòa án thứ chín của Tòa án Trung cấp số hai thủ đô Bắc Kinh. Ông Nhậm bị buộc tội tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền đối với các nhân viên doanh nghiệp nhà nước.
Nhưng nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi rằng vụ án ông Nhậm Chí Cường đã bỏ sót “tội danh then chốt nhất”. Một luật sư Trung Quốc nói rằng ông Nhậm Chí Cường đã phạm “tội đại bất kính” – một đại tội điển hình thời nay.
Ngoại giới tin chắc rằng ông Nhậm Chí Cường đã bị “kết tội bởi lời nói”. Vào tháng Ba năm nay, ông Nhậm Chí Cường đã đăng một bài bình luận với tiêu đề: “Gã hề xấu dù đã bị lột sạch quần áo cũng muốn trở thành hoàng đế” được lan truyền rộng rãi trên mạng. Bài viết chỉ trích ông Tập Cận Bình và giới chức ĐCSTQ vì đã che giấu dịch bệnh, khiến dịch bệnh mất kiểm soát, tạo nên thảm kịch của nhân gian.
Sau đó, Nhậm Chí Cường đã mất tích, bị giam giữ và bị buộc tội. Nhà chức trách cuối cùng đã mượn tội danh kinh tế để trừng phạt ông. Vương Anh, nhà doanh nghiệp Trung Quốc và là bạn thân của Nhậm Chí Cường, từng chỉ trích rằng, “Đây rõ ràng là bức hại chính trị một cách trắng trợn”.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng tội danh thật sự của ông Nhậm Chí Cường trong con mắt của đảng cầm quyền chính là “xúc phạm bề trên”. Trong thông báo chính thức được đăng ngày 23/7 chỉ ra rằng ông Nhậm Chí Cường đã không nhất trí với Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những vấn đề lớn mang tính nguyên tắc trọng đại, công khai đăng bài viết làm xấu hình ảnh của đảng và quốc gia, vậy nên quyết định khai trừ khỏi đảng đối với ông. Những lối nói và trừng phạt này được ngoại giới coi là phản ứng trực tiếp của nhà chức trách và giới lãnh đạo ĐCSTQ về những chỉ trích công khai đó của ông Nhậm.
Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của ông Tập Cận Bình
Có phân tích cho rằng, phía nhà chức trách xử trí ông Nhậm Chí Cường như thế nào sẽ có tác động rất lớn, ông Tập Cận Bình do vậy đã rơi vào tình thế khó xử. Về việc ông Nhậm Chí Cường rốt cuộc sẽ bị trừng phạt thế nào, ngoại giới có hai nhìn nhận khác nhau.
Một luật sư nhân quyền Trung Quốc đề nghị giấu tên nói với kênh đài hải ngoại rằng vụ án của ông Nhậm Chí Cường trong phiên sơ thẩm đã mở tại Tòa án Trung cấp, cho thấy đây là một “vụ án nghiêm trọng với xuất phát điểm thời hạn thi hành án khá cao”. Nếu bị kết tội, có thể sẽ phải đối mặt với ít nhất 10 năm tù.
Một luật sư nhân quyền khác ở Trung Quốc cũng cho rằng, rất có khả năng nhà cầm quyền sẽ thông qua một bản án nặng nề đối với Nhậm Chí Cường coi như là một sự răn đe đối với các phe phản đối bên trong thể chế, “lợi dụng mức án nặng nề hòng đạt mục đích giết gà dọa khỉ”, “mặc kệ họ thuộc thế hệ đỏ đời thứ mấy, xuất thân ra sao, có sức ảnh hưởng lớn thế nào, cũng đều phải đối mặt với mức án nặng như vậy”.
Tuy nhiên, tin tức về phiên điều trần với ông Nhậm Chí Cường, ngoại trừ thông báo liên quan do tòa án đưa ra vào ngày 8/9, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, Sina, Baidu và truyền thông xã hội khác đều không đưa tin về vụ việc này, mà lại hoàn toàn yên ắng. Có chuyên gia quan sát nhận định, dường như phía nhà chức trách đã cố tình xử lý một cách âm thầm, đây là tín hiệu cho thấy ông Nhậm Chí Cường sẽ không bị kết án nặng.
Báo cáo trích dẫn các bình luận cho rằng nếu chính quyền Tập Cận Bình trừng phạt quá nặng đối với ông Nhậm Chí Cường, không loại trừ khả năng lực lượng chống Tập trong thế hệ đỏ thứ hai sẽ “vùng lên”, ít nhất nó sẽ làm trầm trọng thêm sự bất mãn bên trong “thế hệ đỏ thứ hai” và khuynh hướng không đoàn kết với ông Tập.
Phân tích cũng chỉ ra rằng sự im lặng của truyền thông đảng đối với trường hợp của ông Nhậm Chí Cường cho thấy giới lãnh đạo vẫn chưa dám hoặc không muốn hạ độc thủ với ông Nhậm Chí Cường dưới muôn vàn con mắt đang dõi theo, để ngăn chặn các lực lượng chống Tập trong thế hệ đỏ thứ hai “vùng lên” quyết một phen sống chết với ông Tập Cận Bình.
Làn sóng tẩy chay ĐCSTQ trong “hồng nhị đại” ngày càng công khai
Tuy vậy, có bình luận cho rằng bất kể nhà chức trách tuyên phạt ông Nhậm Chí Cường mức án nhẹ hay nặng, điều đó không thể thay đổi một điều thực tế chính là tiếng nói phản đối chính quyền ĐCSTQ trong thế hệ đỏ thứ hai đã trở nên công khai và ĐCSTQ vô cùng lo sợ về điều này, do vậy nó đã gắng hết sức đàn áp những phần tử bất đồng chính kiến.
Bà Thái Hà, cựu giáo sư trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, và cũng là thế hệ đỏ thứ hai, ngày trước đã gắng sức ủng hộ ông Nhậm Chí Cường trên Twitter, đã công khai tuyên bố rằng ĐCSTQ đã là một “thây ma chính trị”, dù có cải cách thể nào cũng vô dụng, cách duy nhất chỉ có thể từ bỏ nó mà thôi. Bà cũng tố ông Tập Cận Bình là “trùm băng đảng xã hội đen”.
Bà Thái Hà sau đó vì ngôn luận này đã bị trường Đảng Trung ương khai trừ khỏi đảng, cắt bỏ chế độ lương hưu của bà. Nhưng bà đã công khai đáp lại rằng bà rất hạnh phúc vì đã thoát ly khỏi băng đảng xã hội đen này. Bà Thái Hà cũng cho biết, thực tế có khoảng 60% -70% người trong đảng có cùng quan điểm giống bà, chỉ là họ không dám nói ra mà thôi.
Ngày 12/9, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA đã dẫn đoạn phỏng vấn đặc biệt với bà Thái Hà, bà tiết lộ rằng từ sớm mấy năm trước, trong một bữa tiệc họp mặt của nhóm “thế hệ đỏ thứ hai”, mọi người đã có một lần suy xét một cách nghiêm túc về chính quyền ĐCSTQ.
Những thế hệ đỏ thứ hai này đã suy xét từ vụ thảm sát Thiên An ngày 4/6/1989, ngược dòng đến “thảm họa 10 năm” của Đại Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông phát động năm 1966, và tiếp tục suy ngẫm về chính quyền ĐCSTQ thành lập năm 1949 ở Trung Quốc có đúng hay không?
Thậm chí có người chỉ ra rằng, việc suy ngẫm lại thật sự phải bắt đầu từ năm 1920 – ngày ĐCSTQ chào đời và con đường mà dân tộc Trung Hoa đã đi qua trong một thế kỷ qua, thì logic lịch sử và mối liên hệ trong giai đoạn lịch sử này là gì, điều này rất đáng để suy ngẫm một cách kỹ lưỡng.
Cùng là “Thế hệ đỏ thứ hai” với nhau, nhưng bà Thái Hà cũng thừa nhận rằng cuộc thảo luận này khiến bà rất ngạc nhiên. Bà ấy nói, “Trên thực tế, những người bên trong ‘Thế hệ đỏ thứ hai’ này, suy xét của họ sâu sắc đến nỗi vượt xa sức tưởng tượng của người ngoài”.
Bà Thái Hà trong buổi phỏng vấn đã nhấn mạnh rằng, ĐCSTQ vốn không có tính hợp pháp, ĐCSTQ rốt cuộc đã gây ra bao nhiêu tội ác với mảnh đất Trung Hoa và người dân Trung Quốc, cái này phải được nhìn thấu và cần phải tính sổ với nó. Bà cũng hy vọng rằng giới tinh anh cả trong và ngoài thể chế có thể kết nối, hợp tác với người dân Trung Quốc để cùng hướng đến một xã hội tự do không có ĐCSTQ. Bản thân bà rất có niềm tin về điều này.