Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội400 dự án chậm triển khai ở Hà Nội – Đổi mới...

400 dự án chậm triển khai ở Hà Nội – Đổi mới kiểu gì đây?

Kết quả giám sát của HĐND TP.Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố đang có tới gần 400 dự án sử dụng đất chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Đất đai trong suốt nhiều năm qua. Dù có một số nhỏ dự án đã bị thu hồi hoặc chấm dứt thực hiện trong thời gian gần đây nhưng tình trạng hàng trăm dự án chậm triển khai trong thời gian dài, gây lãng phí một diện tích lớn nguồn lực đất đai đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hà Nội) triển khai đã 15 năm, nhưng hiện chỉ là một bãi đất hoang

Hàng nghìn héc ta đất bị bỏ hoang

Theo các thông tin mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) TP.Hà Nội, hàng nghìn hécta đất trên địa bàn thành phố bị bỏ hoang phí suốt nhiều năm qua do các chủ đầu tư chậm triển khai dự án hoặc vi phạm Luật Đất đai.

Quá trình rà soát các dự án sử dụng đất chậm triển khai và vi phạm Luật Đất đai, trong thời gian qua cơ quan này phối hợp kiểm tra, rà soát và triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với 379 dự án và có kết luận cũng như đề xuất các biện pháp xử lý đối với từng dự án theo quy định. Trong đó kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư đối với 28 dự án với tổng diện tích hơn 1.844,3ha đất.

Kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn.

“Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất đối với 25 dự án với tổng diện tích 39ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng” – Sở TNMT TP.Hà Nội cho hay.

Cũng theo Sở TNMT TP.Hà Nội, cơ quan này đồng thời cũng tổ chức hậu kiểm các dự án và tiếp tục đề xuất UBND TP.Hà Nội gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 18 dự án khác.

Đáng chú ý theo đánh giá của Sở TNMT TP.Hà Nội, quá trình triển khai các đoàn thanh kiểm tra các dự án cho thấy có hiện tượng chủ đầu tư chậm trễ trong việc lập, hoàn thiện dự án để điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh mục đích sử dụng đất theo quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt hoặc đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần để kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án.

“Đối với các trường hợp này, liên ngành thành phố triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra để làm rõ nguyên nhân để đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với chủ đầu tư cố tình trây ỳ, cố tình chậm trễ, UBND Thành phố chỉ đạo chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc xử lý thu hồi đất theo quy định của pháp luật” – Sở TNMT TP.Hà Nội cho hay.

Cũng theo đánh giá của Sở TNMT TP.Hà Nội, một số dự án trên địa bàn xảy ra tranh chấp, khiếu nại, tố cáo hoặc huy động vốn trái phép do đó phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, giải quyết dẫn đến dự án chậm triển khai hoặc kéo dài thời gian thực hiện. Trong khi đó, một số trường hợp lại cố tình trây ỳ không làm thủ tục hay chậm giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng để chưa phải nộp nghĩa vụ tài chính.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến nhiều dự án chậm triển khai hoặc triển khai không đảm bảo tiến bộ bắt nguồn từ thực tế một số chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm cũng như năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư.

Còn có lỗi của chính quyền?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà T.M.H (chủ đầu tư một dự án nhà ở trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, vừa bị thu hồi) cho rằng, vào giữa năm 2020, các chủ đầu tư triển khai chậm đã có cuộc họp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KHĐT) TP.Hà Nội. Phía Sở cũng đã cho các chủ đầu tư trình bày các ý kiến liên quan. Qua đó, có những dự án các chủ đầu tư vẫn còn nguyện vọng làm và cũng được Sở KHĐT đồng ý, ủng hộ.

Song theo vị này, để làm được tiếp bắt buộc phải có quyết định chấm dứt hoạt động của dự án, phải có quyết định thu hồi. Sau đó, nếu để dự án được triển khai thì ra quyết định mới. Việc chủ đầu tư cũ có được lựa chọn hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Phía Sở KHĐT ủng hộ nhưng không có sự cam kết nào.

Nói về lý do khiến dự án nhiều năm nay không thực hiện được, bà T.M.H cho rằng, phần lớn các dự án chậm tiến độ chủ yếu ở khâu giải phóng mặt bằng.

Ở dự án tại Nam Từ Liêm, dù doanh nghiệp đã được UBND TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6.2008 nhưng suốt 12 năm qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ do phần giải phóng mặt bằng đang còn chậm, chưa triển khai, mà không phải do lỗi của chủ đầu tư mà. “Chúng tôi đủ năng lực thậm chí còn liên kết với một công ty khác để đảm bảo triển khai dự án” – bà T.M.H nhấn mạnh.

Cụ thể theo bà T.M.H, phía chủ đầu tư đã có quyết định giao đất nhưng về mặt thủ tục, địa phương chưa bàn giao đất nên chủ đầu tư chưa thể nhảy vào làm được. Phía chủ đầu tư cũng muốn nhận bàn giao để quây tôn, hàng rào và triển khai nhưng không làm được, chưa được phép làm.

“Nếu trong trường hợp chủ đầu tư chưa được bàn giao đất mà vào làm sẽ xảy ra tranh chấp và gặp nhiều khó khăn” – bà T.M.H nói thêm, đồng thời nhấn mạnh, để dự án chậm triển khai thì Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Hà Nội cũng vào cuộc và đều có kết luận lỗi do chính quyền.

Cần mạnh tay với các đơn vị trây ỳ

Hiện ở Hà Nội vẫn còn nhiều dự án được giao đất nhưng “án binh bất động”, chủ đầu tư quây kín tôn bỏ hoang nhiều năm.

Điển hình là dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng – Licogi làm chủ đầu tư. Dự án được giao đất từ năm 2004 nhưng tới nay vẫn chưa triển khai. Tương tự, tại dự án Khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 12 (quận Thanh Trì) do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Thuận Thành làm chủ đầu tư.

Theo ghi nhận, tại một số dự án chậm triển khai nhưng đến nay chưa rõ đã bị thu hồi hay có phương án gì hay chưa? Phần lớn đất thuộc dự án đang bị lấn chiếm hoặc được người dân dùng để canh tác. Thậm chí nhiều nơi còn là bãi đất trống… Để tồn tại như vậy thì việc giải phóng mặt bằng tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời gian 24 tháng, không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào.

Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Võ bên cạnh việc kiên quyết thu hồi, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư trây ỳ. Ông Võ cho biết thêm, để xảy ra việc này có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên phải nhắc đến việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Theo ông, có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố “lách” vào để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại.

Còn Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, các khâu trong quá trình triển khai dự án cần được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của dự án để kịp thời nắm bắt hiện trạng, nếu có dấu hiệu trây ỳ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

RELATED ARTICLES

Tin mới