Thursday, January 9, 2025

Minh Đỉnh Danh Lam

Chùa Bái Đính, là một địa điểm văn hóa tâm linh nằm trên sườn núi giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, tạo thành một công trình đồ sộ, trang nghiêm. Chùa nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Bái Đính– Tràng An với bề dày lịch sử hơn 1000 năm tuổi.

 

Toàn cảnh chùa Bái Đính

Nơi đây là vùng đất gắn liền giữa các triều đại từ nhà Đinh, nhà Tiền Lê đến nhà Lý. Là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử, là trung tâm văn hóa Phật giáo lớn của cả nước, nơi lưu giữ những kỷ lục không chỉ của Việt Nam, mà còn cả khu vực Châu Á. Bái Đính là một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính ở xã Gia Sinh, cách cố đô Hoa Lư 5km về phía Tây Bắc. Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính là sự kỳ vĩ, yên tĩnh của núi non hoà quyện với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống chùa hang, bảo tháp, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi mùa xuân về.

Tương truyền vào triều Lý, Thiền sư Nguyễn Minh Không lên núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông, ông phát hiện ra những hang động đẹp, bên ngoài động với muôn vàn cây thuốc quý ông liền quyết định dựng chùa thờ Phật, là người đặt nền móng, xây dựng và khai mở miền đất Phật ở nơi tiên cảnh này.

Đền thánh Nguyễn là nơi thờ thiền sư Nguyễn Minh Không

Ngôi chùa cổ mang đậm lối kiến trúc thời Lý, không có những mái chùa cong vút, những trụ cột to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga lộng lẫy mà được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động, lên hang động phải vượt qua 300 bậc đá sẽ đến cổng tam quan ở giữa lưng chừng núi, đi qua dốc đến ngã ba là lối dẫn đến hang sáng và động tối, trên cửa động có 4 chữ đại tự “Minh Đỉnh Danh Lam” khắc trên đá do vua Lê Thánh Tông ban tặng. Sau khi vãn cảnh chùa trên đỉnh Bái Đính, vua Lê Thánh Tông đã khắc một bài thơ chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp nơi đây với nội dung:

Đính Sơn danh tiếng thực cao xa
Che chở kinh thành tự thuở xưa
Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.

Phía bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên, gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, động được bố trí hệ thống đèn chiếu sáng tạo nên khung cảnh huyền ảo, phía trên các mảng đá thạch nhũ hình thành theo mạch nước ngầm, các lối đi bậc thang được trang trí sinh động bằng hình rồng đá uốn lượn.

“Giếng Ngọc” có hình mặt nguyệt nước từ trên trần động rơi xuống, giúp điều hòa không khí làm cho du khách có cảm thấy thanh mát, dễ chịu khi bước vào, nơi đây đặt những tượng thờ mẫu và các vị tiên, có nhiều pho tượng được đặt sâu trong các ngách đá.

Ban thờ Phật bên trong hang

Phía bên phải là hang sáng thờ Phật và Thần, đúng như tên gọi hang có đủ ánh sáng tự nhiên, bàn thờ Phật được đặt ngay chính giữa, các pho tượng được đặt trang hoàng, uy nghiêm, nơi đây đã trở thành những mái chùa kiên cố, che trở cho chốn linh thiêng ngự trị của Phật, Mẫu hàng nghìn năm nay. Đi qua hang sáng sẽ dẫn đến một sườn thung lũng cây cối xanh tốt, đi hết các bậc đá là đến đền thờ Thần Cao Sơn. Tương truyền ông là con thứ 17 của vua Lạc Long Quân và Âu Cơ, là vị thần cai quản vùng núi này.

Là nơi tiên cảnh linh thiêng và lối kiến trúc độc đáo, nơi đây còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, xưa kia vua Đinh Tiên Hoàng từng lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, vua Quang Trung chọn nơi đây làm nơi tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh…

Quần thể chùa Bái Đính gồm 1700 ha (bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ), chùa mới nằm ở bên kia núi so với chùa cổ, ở phía tây cố đô Hoa Lư.

Hành lang La hán dài nhất Việt Nam

Kiến trúc chùa Bái Đính mới nổi bật với những công trình đồ sộ, nắm giữ nhiều kỷ lục không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm Châu lục như;

Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất Châu Á, được đặt trang trọng trong Pháp Chủ chùa tượng cao 10m, nặng 100 tấn được làm bằng đồng nguyên chất.

Tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, được đặt trên một ngọn đồi bên phải điện thờ Tam Thế Phật trong khuôn viên chùa, pho tượng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam – Vietkings công nhận là tượng Di Lặc lớn nhất Việt Nam với trọng lượng 100 tấn.

Chuông đồng lớn nhất Việt Nam, Đại hồng chung, quả chuông này nặng 36 tấn, được đúc hoàn toàn từ đồng đỏ, được sản xuất trong nước, chạm khắc nhiều mảng cổ tự bằng chữ Hán và trang trí các hình rồng nổi vô cùng sinh động.

Bảo Tháp cao nhất Châu Á, nằm ở phía Tây điện Tam Thế, Bảo tháp Xá lợi gồm 13 tầng, chu vi theo hình lục giác và cao đến 99m – một con số tượng trưng cho sự vĩnh cửu, tốt lành và may mắn. Bảo tháp được xây dựng theo phong cách Việt, mang dấu ấn Phật giáo thời Lý. Tầng cao nhất của tháp là nơi bảo tồn thờ Xá Lợi của Phật cung nghênh từ Ấn Độ về.

Chùa rộng nhất Việt Nam, với Tổng diện tích 539 ha

Chùa có hành lang La Hán dài nhất Châu Á, với chiều dài gần 3km

Chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, với 500 pho tượng La Hán bằng đá nguyên khối, dọc theo hành lang, mỗi pho tượng được tạo hình hoàn toàn khác biệt, trạm trổ mềm mại và tinh tế.

Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.

Chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam, trong khuôn viên chùa trồng 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Bodh Gaya nằm trên bờ sông Falgu, Ấn Độ Bodh Gaya được coi là nơi Đức Phật thành đạo và được mệnh danh là “cái rốn của vũ trụ”..

Chùa từng đón tiếp nhiều các nguyên thủ quốc gia, các vị khách quý như,

 Quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni, Tổng thống Myanmar Win Myint, Thủ tướng chính phủ Bangladesh Sheikh Hasina…. Và các nguyên thủ quốc gia của Việt Nam cùng các đoàn ngoại giao khác.

Chùa cũng đã tổ chức các sự kiện tiêu biểu để đại biểu các nước tham quan, chiêm bái trong đại lễ Phật đản thế giới tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam,

Đoàn đại biểu Quốc tế dự Đại hội Liên Hiệp UNESCO thế giới 2011 với 500 người về thăm chùa và thực hiện nghi lễ Phật giáo “Cầu nguyện thế giới hoà bình, cầu nguyện lý tưởng hoà bình của UNESCO trở thành hiện thực”.

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014 và Hội thảo Phật giáo quốc tế đã được tổ chức tại chùa Bái Đính, trong 5 ngày với 10.000 người tham dự, trong đó có 1.500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các Giáo sư, Tiến sĩ, học giả Phật giáo cũng như các phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ khoảng 90 – 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. và vô số các sự kiện lớn nhỏ khác được tổ chức tại chùa.

Nhìn tổng thể kiến trúc Bái Đính như một nét quy chuẩn cho kiến trúc chùa cổ ở Việt Nam, Với quy mô, kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời của chùa đã trở thành điểm du lịch sinh thái, tâm linh nổi tiếng, hiếm có một ngôi chùa nào khác ở Việt Nam có thể sánh được.

RELATED ARTICLES

Tin mới