Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHợp sức chống lại những kẻ ''săn mồi trên biển''

Hợp sức chống lại những kẻ ”săn mồi trên biển”

Lực lượng dân quân biển Trung Quốc với danh nghĩa là ngư dân đánh cá đã liên tục gây mất an ninh trật tự trên Biển Đông. Hàng nghìn tàu cá Trung Quốc không chỉ ép buộc mà còn đe dọa ngư dân các nước khác đang làm ăn bình thường, hợp pháp trên ngư trường của mình.

Mới đây, lực lượng tuần duyên Mỹ đã vạch rõ những hành động sai trái của Trung Quốc. Trong một báo cáo về hành động đánh bắt cá trái phép của Bắc Kinh,  Mỹ kêu gọi các quốc gia  liên quan  hợp sức chống lại những quốc gia ”săn mồi trên biển”, ám chỉ Trung Quốc.

Báo cáo này được công bố hôm 17/9. Washington chỉ trích lực lượng dân quân đánh cá có vũ trang của Trung Quốc. Bản chất của hành động này là, Bắc Kinh sử dụng để thực thi tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang có nhiều tranh chấp. Họ ồ ạt đưa tàu thuyền ra vùng biển xung quanh các đảo nhằm khiêu khích, đẩy đuổi ngư dân các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác. Khi xảy ra xung đột, họ sẵn sàng vin cớ gây chiến tranh.

Xin điểm qua một số vụ việc Trung Quốc trắng trợn gây ra trên Biển Đông. Tháng 6/2019, một nhóm thủy thủ của một tàu cá Philippines đã bị bỏ rơi trên biển sau khi tàu của họ bị tàu đánh cá Trung Quốc đâm chìm vào ban đêm. Tháng 6/2020, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đâm vào tàu đánh cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Một sự cố tương tự xảy ra vào tháng 4/2020 khiến một tàu cá Việt Nam bị chìm.

Những hành động ngông cuồng đó nói lên điều gì? Rõ ràng Bắc Kinh đang ngày càng  ra sức tuyên bố yêu sách biển đơn phương của mình đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Thậm chí, bước sang năm 2020, yêu sách đó đã vươn tới phía cực Nam Biển Đông, đến tận Indonesia. Chẳng là một đội tàu đánh cá Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu hải cảnh do hải quân kiểm soát đã xâm nhập khu vực quần đảo Natuna của Indonesia.

Như một kẻ mù mắt, tai điếc, Trung Quốc bất chấp các phản đối của cộng đồng quốc tế. Do hành động cơi nới, tôn tạo đảo trái phép của Bắc Kinh mà môi trường sinh thái quan trọng trong khu vực đã bị nạo vét và chôn vùi dưới lượng bê tông khổng lồ để tạo thành các pháo đài đảo bất hợp pháp.

Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được thực hiện cuối năm 2019 cũng phát hiện lực lượng tàu của Trung Quốc hoạt động không công khai ở Biển Đông. Báo cáo viết: “Khi họ tranh giành để đánh bắt những con cá cuối cùng từ Biển Đông, ngư dân Trung Quốc ít nhất có nhiều khả năng để gây ra một cuộc đụng độ dữ dội tương tự như các lực lượng vũ trang trong khu vực”.

Còn báo cáo mới nhất hôm 17/9 cho hay: “Lực lượng Dân quân Hàng hải thuộc Lực lượng vũ trang nhân dân , ước tính gồm hơn 3.000 tàu, luôn có các hành vi gây hấn trên biển cả và vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác, để ép buộc và đe dọa các ngư dân hợp pháp, ủng hộ chiến lược hàng hải lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Để dập tắt đám cháy này, lực lượng Tuần duyên bờ biển Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông và cùng Hải quân Mỹ tham gia các hoạt động tự do hàng hải trên eo biển Đài Loan. Báo cáo về hành động đánh bắt cá trái phép của Bắc Kinh cho thấy quyết tâm của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ trong việc tăng cường hoạt động chống đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc. Đội tàu này có khoảng 17.000 chiếc, trong đó khoảng 12.000 chiếc hoạt động ở các vùng biển không thuộc Trung Quốc.

Về tình trạng hỗn loạn nêu trên, Viện Phát triển Hải ngoại có trụ sở tại London khẳng định: Trung Quốc chính là kẻ đã gây ra “cuộc khủng hoảng ngư nghiệp toàn cầu”, vì đội tàu đánh bắt xa bờ của nước này lớn nhất trên thế giới.

Ngay từ đầu năm 2020, Đô đốc Karl Schultz, Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đã chỉ rõ, Trung Quốc là “một trong những kẻ phạm tội săn lùng ngư phủ tồi tệ nhất và là mối đe dọa đối với an ninh lương thực của các quốc gia khác, đây là một thách thức an ninh quốc gia cần một phản ứng rõ ràng”.

Còn bản báo cáo hôm 17/9 không thấy nhắc đến xóa bỏ hợp tác với Trung Quốc. Trong lời nói đầu, báo cáo đánh giá cao những nỗ lực của Chiến dịch Lực lượng bảo vệ Bắc Thái Bình Dương, một nỗ lực thực thi của 6 quốc gia, (bao gồm cả Trung Quốc) đã chống đánh bắt IUU (đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý) ở Bắc Thái Bình Dương trong 25 năm qua.

Vì sao Bắc Kinh cũng được “đánh giá cao”? Vì rằng, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã sốt sắng cấm các tàu Trung Quốc đánh bắt cá mực ở một số khu vực của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương để các quần thể cạn kiệt có thời gian phục hồi. Lệnh cấm này kéo dài trong 3 tháng. Đương nhiên là họ vô cớ cấm cả tàu Việt Nam, Philippines, Indonesia…đánh cá trong khu vực này (!).

Như vậy đó. Trung Quốc, kẻ tiểu nhân khoác áo quân tử. Đằng sau vẻ hào nhoáng là những âm mưu, thủ đoạn đen tối đã dần dần lộ vở. Kiểu như hành động “săn mồi trên biển” do dân quân biển giả danh gây ra đã lặp đi lặp lại trong mấy năm qua. Để xem sau Báo cáo của Washington, Bắc Kinh sẽ thanh minh, thanh nga những gì? Những con cá mập không dễ chui lọt qua mắt lưới, nếu như các quốc gia trong khu vực cùng mạnh mẽ lên án và tẩy chay Trung Quốc. Và cũng đừng mắc mưu vì những hành động khua chiêng gõ mõ của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới