Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ và âm mưu dựng "Trường thành trên Biển Đông

TQ và âm mưu dựng “Trường thành trên Biển Đông

Tham vọng của Trung Quốc đang từng bước bị “chặn đầu”, “chèn giữa” và”khóa đuôi” bởi áp lực từ biện pháp gia tăng áp lực toàn diện từ Mỹ và nỗ lực điều phối xung đột của ASEAN.

Ảnh minh họa

Thông qua chuỗi hoạt động tập trận hỗn hợp đa binh chủng, diễn ra liên tiếp với quy mô lớn ở Biển Đông và các vùng biển lân cận trong quý III năm 2020, Trung Quốc (TQ) rõ ràng đang chuyển đổi từ cách tiếp cận “tiến công vùng xám” nhằm “vây, lấn, tấn” các thực thể nổi trọng điểm (với đội hình hỗn hợp gồm các tàu chấp pháp, tàu khảo sát hải dương và dân quân biển) sang chiến thuật “quân sự hóa” toàn diện các vành đai an ninh do nước này đơn phương áp đặt trên Biển Đông.

Các vành đai an ninh này là một bộ phận trong hệ thống 4 vành đai (bao gồm vành đai kinh tế, vành đai giao thông và vành đai khảo sát) mà TQ đang từng bước kiện toàn ở Biển Đông. Đây cũng là 4 vành đai có các chức năng đặc thù và tương hỗ lẫn nhau trong tham vọng hoàn thiện hệ thống “Trường Thành trên biển” của TQ. Tuy nhiên, tham vọng này đang từng bước bị “chặn đầu”, “chèn giữa” và”khóa đuôi” bởi áp lực từ các biện pháp gia tăng áp lực toàn diện từ phía Mỹ nói riêng và nỗ lực điều phối xung đột của ASEAN nói chung.

Từ khả năng đình trệ kế hoạch kiện toàn “Trường Thành trên biển” của TQ…

Trong hệ thống 4 vành đai của kế hoạch xây dựng “Trường Thành trên biển”, vành đai kinh tế có phạm vi hẹp nhất. Vành đai này bao gồm các khu vực đảo, bãi cạn mà TQ tự gọi là “Tứ Sa”, có thể xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động hậu cần hàng hải, phát triển kinh tế biển. Đây là khu vực trọng điểm để TQ triển khai các kế hoạch “kinh tế hóa” trên Biển Đông trong thời gian tới. Trong khi đó, vành đai giao thông có phạm vi bao bọc các tuyến hàng hải kết nối giữa các thực thể trong vành đai kinh tế nói trên, giúp TQ duy trì liên tục các hoạt động chấp pháp (trái phép), khai thác tài nguyên cũng như tiếp vận, tiếp liệu từ đất liền. Vành đai giao thông có vai trò trọng yếu cho sự tồn tại của vành đai kinh tế.

Vành đai an ninh rộng hơn, có nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho tất cả hoạt động trong hai vành đai trên, kéo từ đảo Hải Nam đến các đường biên của cái gọi là “Tứ Sa”. Còn vành đai khảo sát có phạm vi rộng nhất khi mở rộng từ các đường biên của “Tứ Sa” đến tận biên giới của “đường 9 đoạn” phi pháp mà TQ tự tuyên bố vào năm 2009, xâm phạm cả vào các khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng. Đây cũng chính là vành đai mà TQ đã đẩy mạnh các hoạt động “xâm lấn vùng xám” trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020 với sự xuất hiện thường trực của các đội tàu hải cảnh, khảo sát hải dương và dân quân biển.

Sự chuyển đổi về chất của TQ trên Biển Đông trong quý III năm 2020 cho thấy Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong việc kiện toàn hệ thống “Trường Thành trên biển” khi từng bước mở rộng quy mô vành đai an ninh từ vùng biển giữa đảo Hải Nam – phía bắc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng TQ chiếm đóng trái phép) thành khu vực bao gồm cả ba vùng biển: (i) từ đảo Hải Nam – phía nam quần đảo Hoàng Sa, (ii) bao quanh bãi Macclefield tiến sát bãi Scarborough (của Philippines) và (iii) khu vực biển áp sát quần đảo Đông Sa ở phía bắc Biển Đông.

Vành đai an ninh của TQ không chỉ diễn ra trên mặt biển thông qua việc tăng cường tập trận hải quân quy mô lớn, mà còn thông qua hệ thống giám sát đáy biển và việc hoàn thiện năng lực tuần tra kiểm soát không phận. Từ năm 2016 đến 2019, TQ đã hoàn thành xây dựng cơ bản hệ thống Mạng lưới Thông tin Đại dương Xanh (BOIN) .

Tuy nhiên, càng mở rộng về quy mô, vành đai an ninh mà TQ đang xem là “biểu tượng” này càng thể hiện sự lúng túng trong các kịch bản phải ứng phó với sự xâm nhập từ các lực lượng quân sự nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Tổ chức SCSPI (Bắc Kinh, TQ) từng ghi nhận hơn 1.000 lần các tàu chiến và máy bay của Mỹ ra vào mỗi năm tại các khu vực do TQ tự ý kiểm soát trên Biển Đông .

Phải đến sự kiện tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Mustin (DDG 89) thực hiện tuần tra tự do hàng hải (FONOPS) vào cuối tháng 8 ở khu vực biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà phía TQ tự nhận là “lãnh hải ở Tây Sa” của họ, hải quân TQ mới chính thức đưa cảnh báo và tuyên bố “trục xuất” tàu Mỹ .

Không chỉ vậy, quân đội TQ còn có xu hướng “tự khóa tay” sau một loạt các cuộc đàm phán tránh va chạm quân sự với Mỹ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông .

Nhìn chung, việc mở rộng vành đai an ninh mang tính biểu tượng cho hệ thống “Trường Thành trên biển” của TQ đang ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu trong các kịch bản thực chiến ứng phó với sự xâm nhập từ bên ngoài. Nói cách khác, TQ dường như chỉ đang gia tăng hoạt động về số lượng nhưng không đạt được các hiệu quả về chất lượng trên Biển Đông. Các khuyết điểm của một hệ thống “Trường Thành trên biển” đang được “nước rút” hoàn thành chắc chắn sẽ ngày càng lộ rõ và được khai thác triệt để bởi các lực lượng đối trọng trên Biển Đông.

… đến chiến thuật “chặn đầu” về pháp lý, “chèn giữa” về quân sự và “khoá đuôi” về kinh tế của Mỹ

Thực tế, sự chuyển đổi trọng tâm chiến thuật của TQ từ “tiến công vùng xám” ở vành đai khảo sát sang đẩy mạnh đầu tư vào tiến trình “quân sự hóa” các vành đai an ninh cho thấy nước này đang muốn thoát khỏi “lối mòn” về tư duy ở Biển Đông. TQ lúc này thực tế đã có những thủ đoạn linh hoạt hơn khi cùng lúc triển khai các hoạt động ở vành đai kinh tế (mang tính dân sự) song hành với các hoạt động quân sự ở vành đai an ninh.

Nói cách khác, Trung Quốc có thể đang sử dụng các cuộc tập trận quy mô lớn để phân tán dư luận khỏi các dự án cải tạo trái phép trên mặt biển, nâng cấp hạ tầng lưỡng dụng ở các thực thể chiếm đóng phi pháp và thu thập thông tin khảo sát đáy biển. Dựa vào chiến lược này, Trung Quốc vừa giảm thiểu được sức ép của dư luận đa phương trong quá trình xây dựng các nền tảng của vành đai kinh tế trên biển, vừa từng bước kiện toàn vành đai an ninh mà nước này tự đặt ra để bảo vệ yêu sách lãnh thổ phi pháp trên Biển Đông.

Hai vành đai trụ cột này sẽ kiện toàn hệ thống “Trường Thành trên biển” mà Trung Quốc đã toan tính ngay từ năm 2009, nhưng dư luận khu vực và quốc tế vẫn dễ bị cuốn vào trụ cột “quân sự hoá” mà quên đi mảng “kinh tế hoá” vốn dĩ có tính chất quyết định cho sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông về lâu dài. Và vành đai giao thông chính là huyết mạch hàng hải giúp duy trì sự tiếp vận và hỗ trợ liên tục giữa hai vành đai trụ cột này.

Nhận thức rõ tính chất tương hỗ giữa các vành đai này, phía Mỹ đã sớm tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) từ năm 2016 để “gây nhiễu” vành đai giao thông của TQ. Tuy chưa đủ sức làm đứt đoạn việc tiếp vận của TQ trong vành đai này, nhưng các hoạt động này đã tạo nền tảng quan trọng cho việc duy trì hiện diện của Mỹ trong khu vực, và giúp quân đội Mỹ thu thập đầy đủ thông tin cần thiết để phát triển cách tiếp cận toàn diện về pháp lý, quân sự và kinh tế trong thời gian qua.

Cụ thể, các hoạt động: (i) gửi công thư chính thức đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để phản đối các yêu sách của TQ trên Biển Đông vào ngày 1/6, (ii) đưa ra thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ hầu hết các yêu sách của TQ trên Biển Đông vào ngày 14/7 chính là những bước đi cụ thể của Mỹ nhằm “chặn đầu” Trung Quốc về pháp lý. Chiến thuật này thực sự hiệu quả khi thu hút được dư luận khu vực và quốc tế vào xu hướng bác bỏ cơ sở pháp lý của các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp theo của TQ ở các khu vực không được phép trên Biển Đông.

Cùng lúc đó, Mỹ đẩy mạnh các hoạt động tuần tra FONOPS với quy mô mở rộng (xâm nhập sâu hơn vào các vùng lãnh hải tự nhận của TQ) đi kèm các cuộc tập trận hải quân và không quân rầm rộ (ở sát cạnh các cuộc tập trận của TQ, thậm chí xâm nhập vào các khu vực TQ tập trận). Đây chính là chiến thuật “chèn giữa” về quân sự nhằm gia tăng can dự vào vành đai an ninh của TQ, giúp khuếch đại các khuyết điểm của TQ ở vành đai này.

Cuối cùng, lệnh trừng phạt của Mỹ lên 24 công ty của Trung Quốc vào ngày 26/8 vừa qua sẽ nhanh chóng tạo nên dư luận quan ngại đối với khả năng tham gia các dự án “kinh tế hóa” do TQ chủ xướng trên vành đai kinh tế mà nước này chiếm đóng và kiểm soát trái phép ở Biển Đông. Chiến thuật “khóa đuôi” về kinh tế dễ khiến cho kịch bản TQ mong muốn tiến hành kết hợp cái mà họ gọi là “Kế hoạch Hợp tác Kinh tế Nam Trung Hoa Mở rộng về Du lịch và Kinh tế” (“Economic Cooperation Circle in the Greater South China Sea Region” và “Southern China Sea Cruise Tourism”) đã được công bố trong khuôn khổ Diễn đàn Bác Ngao tháng 3/2019 vào dự án Con đường Tơ lụa trên biển (MSR) bị phá sản. Càng nhiều quốc gia quan ngại bị liên đới đến các công ty TQ bị Mỹ trừng phạt kinh tế, càng ít quốc gia sẽ tham dự vào các dự án thuộc vành đai kinh tế trên Biển Đông của TQ.

Cơ hội của các nước nhỏ

Đứng trước thực trạng kiềm chế lẫn nhau giữa hệ thống “Trường Thành trên biển” của TQ và chiến thuật “chặn đầu, chèn giữa, khóa đuôi” của Mỹ ở Biển Đông, các nước nhỏ trong khu vực hoàn toàn có nhiều cơ hội để phát huy tối đa năng lực điều phối xung đột, bảo toàn cân bằng đối trọng ở khu vực.

Thứ nhất, ASEAN chính là các nước đi tiên phong trong chiến thuật “chặn đầu” về pháp lý ở Biển Đông cả trên bình diện song phương và đa phương nhằm gây áp lực với Trung Quốc. Sự tham gia của phía Mỹ (một quốc gia không phải thành viên của Công ước UNCLOS về luật Biển 1982) vào “cuộc chiến pháp lý” trên Biển Đông thực tế chỉ đóng vai trò hậu thuẫn về dư luận cho công cuộc phản bác các lập luận của TQ trên Biển Đông của các quốc gia thành viên ASEAN nói chung.

Với tư cách các quốc gia trực tiếp có liên quan đến các vấn đề pháp lý trên Biển Đông, ASEAN hoàn toàn có thể tiếp tục thúc đẩy các biện pháp pháp lý của riêng Hiệp hội này theo cách tiếp cận riêng biệt (bằng tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử CoC, thiết lập hồ sơ các vụ vi phạm của hải cảnh và tàu cá TQ, tiến hành phân định biển giữa các bên ASEAN..) và không cần phụ thuộc vào các động thái pháp lý của Mỹ – Trung.

Thứ hai, sự cạnh tranh giữa chiến thuật “chèn giữa” về quân sự của Mỹ và vành đai an ninh của Trung Quốc tạo ra thế cân bằng – đối trọng cần thiết để phát huy năng lực quản lý xung đột của ASEAN. Với các thiết chế như ARF, các hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mở rộng.. các nước ASEAN có đủ khả năng để thiết lập những chương trình nghị sự nhằm duy trì trật tự cân bằng giữa các cường quốc ở Biển Đông, đồng thời áp dụng các bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển mà ASEAN đã thống nhất (như CUES) để giảm thiểu khả năng leo thang xung đột ở Biển Đông.

Cách tiếp cận này không chỉ giúp vãn hồi cân bằng lực lượng, duy trì thực trạng xung đột có kiểm soát ở khu vực, mà còn giúp ASEAN giữ được vị trí “trung gian hòa giải” giữa Mỹ – Trung trong thời gian xây dựng một phương án hòa bình bền vững ở Biển Đông.

Thứ ba, các lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa TQ và Mỹ sẽ tạo nền tảng quan trọng cho các nước thành viên ASEAN thống nhất thúc đẩy xu hướng “đa phương hóa” trong hợp tác kinh tế ở Biển Đông. Cụ thể, các nước ASEAN có vùng EEZ giáp Biển Đông sẽ có xu hướng hạn chế hợp tác với các công ty Trung Quốc, đẩy mạnh ký kết hợp đồng kinh tế với các đối tác khác như Nga, Nhật, Ấn, Hàn Quốc, Anh, Pháp… Xu hướng này giúp gia tăng lợi ích kinh tế của nhiều cường quốc bên ngoài khu vực vào Biển Đông, củng cố trọng lượng cho các nước ASEAN trong các chiến dịch phản kháng với tham vọng đơn phương áp đặt “luật chơi” về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Nhìn chung,hệ thống “Trường Thành trên biển” mà TQ đang xây dựng với huyết mạch là 4 vành đai kinh tế, giao thông, an ninh và khảo sát đang ngày càng lộ ra nhiều điểm yếu mang tính cốt lõi. Các điểm yếu này đang được phía Mỹ khai thác triệt để, khiến cho cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua. Nhưng với các nỗ lực điều phối và tư duy cân bằng – đối trọng đặc trưng của ASEAN, cân bằng Mỹ – Trung đang được duy trì theo xu hướng từng bước đảm bảo một trật tự thượng tôn pháp luật, đa phương kinh tế và hòa giải xung đột trên Biển Đông do các nước nhỏ quyết định.

RELATED ARTICLES

Tin mới