Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinVề công hàm của Anh-Pháp-Đức trình LHQ về Biển Đông

Về công hàm của Anh-Pháp-Đức trình LHQ về Biển Đông

Giới phân tích chính trị hàng đầu của Pháp đánh giá cao công hàm chung mà Pháp, Đức và Anh mới đệ trình Liên hợp quốc ngày 16/9 vừa qua.

Năm 2018, chiến hạm Anh Albion đã đi sát quần đảo Hoàng Sa, thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Bình luận về việc ba cường quốc hàng đầu Liên minh châu Âu – Anh, Pháp, Đức – cùng đệ trình lên Liên Hợp Quốc công hàm chung, phản ứng với các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, một nhà nghiên cứu châu Á hàng đầu của Pháp nhận xét đây là bước đi chưa từng có từ trước đến nay.
 
“Tôi cho rằng đây là phản ứng rất cứng rắn, vì nó đề cập khá chi tiết” đến các đòi hỏi của Trung Quốc tại Biển Đông, giáo sư François Godement, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu Montaigne nhận xét. “So với tuyên bố chung năm 2019, nó mạnh mẽ hơn rất nhiều”.
 
“Cho đến nay Liên minh châu Âu chưa thể xây dựng được chính sách thống nhất về Biển Đông do vấn đề này cần phải có sự đồng thuận” giữa các nước thành viên, nhưng việc ba thành viên lớn nhất đưa ra lập trường chung là bước đi rất lớn vì nó khẳng định bảo vệ tự do lưu thông trong khu vực, bảo vệ các cơ chế trọng tài của Liên Hợp Quốc và đặc biệt, chính các chi tiết trong nội dung công hàm có tầm quan trọng đặc biệt, GS Godement nói.
 
Đây là lần đầu tiên, ba nước châu Âu nói rõ rằng họ bác bỏ các yêu sách về đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc áp đặt đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà nước này đòi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, phản đối khái niệm “vùng nước lịch sử” mà nước này đòi hỏi. Các tuyên bố trước đây chỉ yêu cầu chung chung các nước liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS).
 
Chính vì những điểm đó, theo GS Godement, ba nước châu Âu có thái độ kiên quyết hơn so với tuyên bố chung ngày 30.8.2019 nhân hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 tại thành phố Biarritz (Pháp). Thời điểm đó, họ còn hy vọng Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ đối thoại để tìm ra giải pháp hòa bình cho Biển Đông.
 
Ông cho rằng nước đi này nằm trong khuôn khổ “hiện thực hóa chính sách chung của Liên minh châu Âu đối với Biển Đông”. Trong Chiến lược toàn cầu công bố năm 2016, EU tuyên bố “ủng hộ tự do lưu thông, cam kết vững chắc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Luật biển và các quy trình trọng tài, khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển”.
 
Tiến sỹ Antoine Bondaz, chuyên gia của Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS) cho biết Paris, London và Berlin thường xuyên khẳng định sự ủng hộ của họ đối với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Ba nước nói riêng cùng với châu Âu rất quan tâm tới việc bảo vệ luật pháp quốc tế. “Luôn có sự phối hợp giữa các nước có quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế, nhìn dưới góc độ này, châu Âu đang phối hợp với Australia, Nhật Bản, trong chừng mực nào đó là Mỹ và một số nước khác”. Trong tương lai, rất có khả năng hợp tác giữa những nước “cùng chí hướng” đối với Biển Đông được củng cố thêm, nhất là trong trường hợp EU xây dựng một chiến lược của riêng mình đối với không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuy vậy, ông lấy làm tiếc rằng một số nước thuộc Liên minh châu Âu khác chưa tham gia ký tên vào công hàm, đặc biệt là Bỉ và Estonia, hiện đang là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
 
“Công hàm này không thay đổi lập trường cơ bản của châu Âu, vốn tôn trọng tuyệt đối luật pháp quốc tế và bác bỏ thay đổi hiện trạng, như Trung Quốc đang làm hiện nay”. Điểm quan trọng của công hàm mới, đó là “nhắc các cam kết quốc tế mà Trung Quốc đã tham gia cũng như quyết định của Tòa trọng tài thường trực La Hay, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và thao túng luật pháp quốc tế bằng cách diễn giải sai lầm và không có căn cứ của riêng họ. ”
 
Mấy năm gần đây, Pháp và Anh thường xuyên tiến hành các hoạt động duy trì tự do lưu thông trên Biển Đông, trong đó nhiều lần kết hợp với hải quân một số nước châu Âu. Theo báo cáo của Hạ viện Pháp ban hành tháng 4.2019, hải quân Pháp thường xuyên đi qua Biển Đông hai đến ba lần mỗi năm, chủ yếu xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo các nghị sỹ Pháp, tàu chiến nước này “đi qua bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”. Tháng 11.2018, chiến hạm Anh Albion đã đi sát quần đảo Hoàng Sa, thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Một vài lần, hải quân Anh và một số nước châu Âu đã tham gia vào lực lượng trên chiến hạm Pháp đi qua Biển Đông. Thái độ của Đức trước đây tương đối dè dặt, nhưng với việc công bố định hướng chiến lược cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, GS Godement cho rằng “sẽ rất thú vị nếu như trong tương lai Pháp và Đức tìm cách phối hợp với nhau về quân sự trên bình diện châu Âu” để tăng cường các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực.
 
“Mặc dù không phải là một bước ngoặt lớn, công hàm của Anh, Pháp, Đức khẳng định lợi ích của châu Âu có liên hệ mật thiết với diễn biến tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhất là tại Biển Đông”, tiến sĩ Bondaz nói. “Đã đến lúc các nước châu Âu cần phối hợp với nhau nhiều hơn trên cấp độ Liên minh” trong vấn đề này. Các nước thành viên phải mở rộng cuộc đối thoại về Biển Đông, trên cơ sở đó cho ra đời một chiến lược riêng của khối đối với khu vực và mời các nước có cùng quan điểm như Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Việt Nam tham gia.
RELATED ARTICLES

Tin mới