Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc sẽ làm...

Tuyến đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc sẽ làm theo mô hình của Malaysia

Tuyến đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc dài 39km dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 65.400 tỷ đồng…

Đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội

Ngày 21/9, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, UBND TP. Hà Nội vừa trình Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị tuyến số 5, Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.

Theo đó, tuyến đường sắt này dài 39 km với 21 nhà ga (tăng 4 ga so với quy hoạch được phê duyệt). Tổng mức đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng.

Hướng tuyến cụ thể như sau: điểm đầu từ đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám đi ngầm qua phố Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng – Vành đai 3 – đi nổi từ đại lộ Thăng Long. Từ nút giao Hòa Lạc (Vành đai 4) đến cuối tuyến (xã Yên Bình) đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc – Hòa Bình.

Đoàn tàu của tuyến là tàu điện 4 toa cho giai đoạn từ năm 2025-2040 và đoàn tàu 6 toa cho giai đoạn từ năm 2050 trở về sau.

Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, với nguồn vốn huy động từ 5 nguồn khác nhau: vốn đầu tư công và tiết kiệm chi trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến 15.000 tỷ đồng; từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp khoảng 18.000-20.000 tỷ; từ đấu giá một số khu đất dự kiến 15.000 tỷ; từ phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; vốn vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước phần kinh phí còn lại (6.900 tỷ đồng).

“Tổng mức đầu tư trên chỉ là dự kiến, sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được thông qua chủ trương, đơn vị được giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập, trình thẩm định theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”, nội dung tờ trình nêu.

Về thời gian thực hiện, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, dự kiến trong năm 2020 hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Triển khai các bước tiếp theo trong 5 năm, đến cuối năm 2025 vận hành thử và bàn giao dự án.

Đáng chú ý, UBND TP. Hà Nội cũng kiến nghị áp dụng hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (học tập theo mô hình của Malaysia) để đảm bảo có thể triển khai xây dựng toàn bộ tuyến 39km trên trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025.

Theo mô hình trên, quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư lựa chọn một nhà thầu có kinh nghiệm và năng lực quản lý triển khai thực hiện dự án theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (Project Delivery Partner, là đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm và chịu toàn bộ rủi ro để thực hiện dự án). Đối tác PDP chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện dự án từ khi thiết kế đến khi hoàn thành dự án đưa vào khai thác. Đối tác PDP cũng thực hiện chức năng nhiệm vụ như một tư vấn quản lý thực hiện dự án, đồng thời như một tổng thầu EPC.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) là nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên.

RELATED ARTICLES

Tin mới