Friday, January 10, 2025
Trang chủNước Việt đẹpLinh Sơn: Ngôi cổ tự lâu đời nhất ở Củ Chi

Linh Sơn: Ngôi cổ tự lâu đời nhất ở Củ Chi

Nằm hiền hòa dưới những tán cây cao xanh mát, chùa Linh Sơn tọa lạc tại ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi (TP.HCM), được Tổ sư Bửu Tịnh – Phổ Tế, đời thứ 35 dòng Lâm Tế lập nên từ năm 1806.

Cổng chùa Linh Sơn

Dấu ấn thời gian

Chùa Linh Sơn hiện còn lưu giữ được một hệ tượng bằng đất nung, gỗ, cùng các bức hoành phi, liễn đối phong phú, cũng như kiến trúc truyền thống của một ngôi chùa Nam Bộ, được Ủy ban Nhân dân TP.HCM công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 4347/QĐ-UBND ngày 13-10-2008.

Chia sẻ với PV Báo Giác Ngộ, HT.Thích Trí Hoa, trụ trì chùa từ năm 1998 (tới hiện tại) cho biết: Ban đầu chùa vốn chỉ là một am tranh, tượng Phật được thỉnh từ nơi khác về thờ, làm chỗ cho bá tánh nương theo giáo lý từ bi của Phật-đà để đoàn kết, thương yêu, chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt.

Đến năm 1816, nhờ đóng góp của Phật tử và thiện tín các nơi chung sức chung lòng, ngôi chùa Linh Sơn được tạo dựng khang trang với hai nóc chánh điện và nhà tổ, mái lợp ngói âm dương, cửa gỗ, cột kèo cũng được làm bằng nhiều loại gỗ quý hiếm.

Chùa có mái lợp ngói âm dương, cửa gỗ, cột kèo cũng được làm bằng nhiều loại gỗ quý hiếm

Năm 1936, chùa xây cất thêm nhà giảng và năm 1957 chùa xây thêm nhà khách với cột gỗ tròn đứng tán, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu, vách tường cũng được xây kiên cố bằng gạch.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, chùa bị trúng đạn và được trùng tu vào năm 1968. Đến năm 1972, chùa lại bị trúng đạn pháo lần nữa làm sập mặt tiền, thầy trụ trì đã đứng ra vận động Phật tử trùng tu lại lần nữa.

 “Chùa ban đầu được lợp ngói âm dương nhưng sau bị hư hoại theo thời gian nên thay thành ngói móc. Còn cột kèo, các chi tiết bằng đá còn nguyên từ thời trước. Những câu liễn đối cũng được chùa sơn sửa lại. Hệ tượng thì vẫn nguyên như ngày xưa, chỉ thêm một số tượng mới. Chánh điện trước đây quá chật hẹp, theo đề nghị của bá tánh, năm 2006, chùa đã xây thêm khối nhà phía trước chánh điện, mái lợp tole và xung quanh xây tường gạch men, cửa sắt có gắn kính”, HT.Thích Trí Hoa cho biết.

Giá trị kiến trúc nghệ thuật

Chùa Linh Sơn được xây dựng theo lối chữ Tam, gồm ba nếp nhà liền kề nhau lần lượt là chánh điện, giảng đường, nhà khách. Các tòa nhà có kiến trúc tứ trụ. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, “kiểu nhà tứ trụ là kiểu kiến trúc nhà rường (còn gọi là xiên trính/xuyên trếnh), một trong hai kiểu kết cấu phổ biến của thức kiến trúc Đàng Trong. Bốn cây cột cái bố trí cách đều nhau ở bốn góc một diện tích hình vuông, và từ bốn cột cái đó, các kèo đấm và kèo quyết đưa đều ra bốn hướng tạo thành một ngôi nhà vuông vức.

Trong sự tiến hóa đó, ngôi nhà tứ trụ là kiểu thức kiến trúc thờ tự còn bảo lưu được những đặc trưng cơ bản của stupa/caitya – kiến trúc thờ tự truyền thống của Phật giáo mà ngày nay chúng ta có thể tìm thấy ở các di tích cổ của Phật giáo ở khắp châu Á. Nói cách khác, việc sử dụng kiểu nhà tứ trụ để làm chánh điện thờ Phật như một chuẩn tắc phổ biến và duy trì mãi đến nay, có thể coi là sự bảo lưu truyền thống kiến trúc stupa/caitya; và mặt khác, việc chọn kiểu nhà tứ trụ để làm đình, miếu, vũ để thờ tự các thần linh ở Nam Bộ là chứng tích chỉ ra sự ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo đối với kiến trúc miếu, vũ của các tín ngưỡng dân gian và truyền thống khác ở mảnh đất này. Đó là một ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa phương Nam hay rộng hơn là Đàng Trong”.

Ngoài ra, hiện trong chùa có bộ Di Đà tam tôn bằng gỗ; một Tiểu hồng chung bằng đồng có khắc chữ Hán, với thông tin về vị chứng minh và tín chủ cúng dường: “Sắc tứ Tập Phước tự. Kim tín chủ Phan Thị Đinh cúng dường. Phước Thường Yết-ma chứng minh”. Trên bàn thờ Tổ có tượng ngài Đạt-ma Tổ sư bằng gỗ ở tư thế ngồi cao 70 cm; một tượng Di Lặc chất liệu đất nung, nhiều hoành phi, liễn đối,…

Hai bên phải và trái chánh điện là hai bàn thờ Thập bát La-hán. Dựa trên công trình sưu tầm và biên soạn về “Lý lịch Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Linh Sơn” của Nguyễn Văn Đức và Trần Thị Thanh Thảo thì bàn thờ này trước kia là gỗ từng có khắc lạc khoản bằng chữ Hán với nội dung được phiên âm: “Phú Hòa Đông Hội đồng địa hạt Võ Văn Duệ phụng cúng, Ất Sửu niên trọng đông thập ngũ nhựt khánh tạo”. (Ông Hội đồng địa hạt ở Phú Hòa Đông là Võ Văn Duệ phụng cúng tạo ngày 15-11-năm Ất Sửu (1925). Do bị mối mọt làm hư hỏng, hiện bàn thờ gỗ này không còn, được thay thế bằng bàn thờ xi-măng.

Nói về bộ tượng đất nung Thập bát La-hán, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhận định, bộ tượng đất nung thuộc gốm Biên Hòa, Đồng Nai, thế kỷ XX. Cũng theo ông, vì Nam Bộ là nơi giao hội của nhiều dòng chảy văn hóa, theo đó, những thành tựu của gốm thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là kết quả của nhiều cội nguồn mà đối với mỗi đối tượng cụ thể, buộc phải truy cứu theo nhiều khảo hướng khác, dựa trên những cứ liệu điều tra thực địa, phân tích tường tận bản thân từng vấn đề liên quan đến mỗi chuẩn loại cụ thể.

Trong Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí có nói nhiều đến các kiến trúc xây bằng gạch và lợp bằng ngói, cho biết các thứ sản phẩm bằng đất nung không phải là xa lạ. Nói cách khác, khi các lưu dân đến khai hoang lập thành làng xã thì hẳn phải có người xây lò chế tác các thứ đồ gốm đất nung gia dụng: niêu, nồi, trã, trách, lò, bình vôi và thậm chí là ông Táo – thứ sản phẩm dễ tạo tác.

Đối với nghề làm gốm ở Đồng Nai, sự truyền nghề không chính quy và tự phát đã tạo nên một đội ngũ thợ gốm bán chuyên nghiệp và thậm chí là tài tử. Chính đội ngũ thợ làm gốm dân dã này đã tạo tác nên một khối lượng tượng gốm đất nung cho nhu cầu thờ tự ở các chùa miếu. Nói chung, loại tượng này có vẻ đẹp thô phác, kích cỡ và thế dáng không lệ thuộc vào những quy chuẩn đồ tượng học chính thống; và do vậy, mỗi tượng có nét độc đáo, mực thước riêng.

Mong di tích sớm được công nhận là đất tôn giáo

“Hồi xưa bị chiến tranh, nên gốc gác, sổ bộ không còn, chỉ nghe nói miệng truyền lại. Nhiều đời trụ trì không có làm giấy tờ, cũng chưa có quyền sử dụng đất cá nhân. Từ sau khi được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, năm 2018, chùa đã làm các giấy tờ theo quy định của pháp luật gửi lên Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM để xin được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo. Đến hiện tại chùa vẫn chưa nhận được phản hồi”, HT.Thích Trí Hoa thông tin.

Quang cảnh chùa Linh Sơn

Hòa thượng cũng bày tỏ nguyện vọng: “Chúng tôi chỉ mong các cấp sớm xem xét để chùa có giấy chứng nhận đất tôn giáo để việc giữ gìn, bảo quản và phát huy những giá trị nghệ thuật gắn với di tích được phát huy tốt, vùng bảo vệ di tích không bị xâm lấn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới