Mỹ thì đã rõ: Căng thẳng, quyết liệt với Trung Quốc qua các cuộc chiến thương mại, cuộc chiến công nghệ, cuộc chiến công hàm liên quan vấn đề Biển Đông…Còn Châu Âu, có lúc người ta từng nghĩ, “lục địa già” này sẽ “cặp kè” Trung Quốc để đối trọng với Mỹ. Nhưng, điều đó đã không xảy ra.
Anh có thể sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ tới Biển Đông
Căn cứ để nhận định như trên có được từ điều mà dư luận đang rất quan tâm và định danh là “cuộc chiến công hàm” liên quan Biển Đông – khu vực hiện là điểm nóng bậc nhất thế giới, cũng là nơi thể hiện quan điểm của các quốc gia, nhất là các cường quốc, về vấn đề địa chính trị.
Cuộc chiến công hàm khởi đầu từ Malaysia tháng 12/2019, đến nay đã có tới 23 công hàm và công thư giữa một bên là Trung Quốc, một bên là nhiều nước khác. Các nước trong Asean, nhất là các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đều đã thể hiện thái độ. Về số lượng công hàm cụ thể, tới nay: Philippines – 2, Malaysia – 3, Việt Nam – 3; Indonesia – 2. Còn Brunei giàu có, thời gian dài “im như thóc” để không mếch lòng ai, không biết có phải “dựa hơi Mỹ” hay không, ngày 20/7 cũng ra tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết của việc dựa vào Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (Unclos 1982) và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Liên quan vấn đề này, cần nhớ rằng, các công hàm trên đều là các văn bản chính thức được trình LHQ, vì vậy chúng đảm bảo tính pháp lý và điều đó khiến TQ thật vất vả khi tìm cách biện giải.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn thực hiện cái gọi là “phản pháo”, với 8 công hàm đáp trả. Không có gì khó hiểu, bởi không thế không là Trung Quốc. Chỉ có điều, dư luận không khó để vạch trần lý lẽ, đồng thời, cũng không mất thời gian nhiều để phân tích công hàm của Bắc Kinh. Vì ai không biết Trung Quốc bao giờ cũng “cãi cùn” một cách vụng về, ngang ngược. Thế nên, việc Trung Quốc viện dẫn các quy định “ngoài Unclos 1982” để biện minh cho “đường 9 đoạn” đã sớm bị giới chuyên môn phê phán và vạch trần.
Liên quan đến “cuộc chiến công hàm”, điều quan tâm nhiều nhất thời điểm này, là công hàm chung của “bộ tam” Anh, Pháp, Đức gửi LHQ ngày 16/9.
Trước hết, cả ba quốc gia nêu trên đều là các cường quốc thực sự cả về kinh tế lẫn quân sự. Dù trên diễn đàn công khai, ai cũng kêu gọi và cố thể hiện bình đẳng trong quan hệ quốc tế, nhưng thực tế, bàn cờ chính trị quốc tế hiện nay, tiếng nói của các cường quốc bao giờ cũng quan trọng. Thậm chí, nó chi phối, quyết định cuộc chơi.
Thứ nữa Anh, Pháp Đức đều là thành viên của Unclos 1982. Riêng Anh, Pháp còn là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, nên tiếng nói thật sự nặng đồng cân. Vậy nên ý kiến của họ, trong trường hợp này khiến Trung Quốc, cũng là thành viên Unclos 1982 và thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, không thể coi thường như tiếng nói yếu ớt của các quốc gia yếu thế khác.
Và điều quan trọng nhất, về nội dung, công hàm chung này khẳng định Unclos 1982 là “khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương”;
“Các yêu sách liên quan đến việc thực thi “quyền lịch sử” trên Biển Đông là không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS”…- nghĩa là cơ bản như công hàm của các nước Asean, của Mỹ, của Ausraylia; và đối tượng, coi như chỉ đích danh Trung Quốc.
Tóm lại, dù tái khẳng định không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông, việc Anh, Pháp, Đức chỉ ra những cái sai của Trung Quốc là một hành động rất có ý nghĩa, xét trong thời điểm hiện nay. Nó khiến Trung Quốc có thể tiến đến nguy cơ bị cô độc, chứ không còn là có thiểu số ủng hộ.
Trung Quốc nhảy dựng lên. Trung Nam Hải càng giận hơn khi công hàm chung của “bộ tam” phát ra chỉ sau hai ngày Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU)-Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự đồng chủ trì của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đó, ông Tập đã có những phát biểu khá nhã nhặn, thể hiện sự “cầu thân” của Bắc Kinh đối với Châu Âu.
“Cầu thân” đã không được, còn bị quả đắng bất ngờ, thế nên, trong Công hàm gửi LHQ ngày 19/9 để phản ứng “bộ tam”, Bắc Kinh đã trút giận bằng cách gọi hành động của Anh, Pháp, Đức là “có động cơ bí mật khi diễn giải sai luật quốc tế”.
Mặc cho Trung Quốc phản ứng, giới chuyên môn và dư luận đang dự đoán: với quả đắng công hàm bị “bồi” thêm này, Trung Quốc không những thất vọng về việc khai thác Châu Âu như một đối trọng với Mỹ, mà còn lo ngại sẽ mất lợi thế trong quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được nối lại vào tháng 11 sắp tới.
Bởi, các nước Asean, nhất là Việt Nam trong vai trò Chủ tịch Asean 2020 không khờ khạo đến mức không biết khai thác các bản công hàm này như một cơ sở pháp lý cơ bản để “đấu” với Trung Quốc, nhằm có được một COC mang tính ràng buộc pháp lý, hiệu quả và có giá trị thực tiễn trong việc ngăn ngừa nguy cơ xung đột gia tăng trong khu vực.