Monday, September 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNatuna có bị “bò gặm” ?

Natuna có bị “bò gặm” ?

Indonesia không nằm trong nhóm “5 nước 6 bên” có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng, dù thế, nước này cũng không còn được yên ổn trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng và tham vọng.

Quần đảo Natura đang bị Trung Quốc nhòm ngó

 Indonesia, trước thời điểm tháng 1/2020 như cái cây, chỉ muốn đứng yên trong cơn bão biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khác như Philippines, Việt Nam, Malaysia. “Gây sự với Trung Quốc mà làm gì, một khi không liên quan”- Quan điểm ngoại giao này của đất nước được mệnh danh là “xứ sở vạn đảo” với 13.487 hòn đảo, dân số ước đạt hơn 274 triệu người, xếp thứ tư thế giới và đứng thứ ba Châu Á, là có thể hiểu được, xét dưới giác độ lợi ích dân tộc.

Trung thành với quan điểm đó, trong thời gian dài, Indonesia lựa chọn cách tiếp cận “mềm” với Trung Quốc để không làm mếch lòng ông hàng xóm lực lưỡng có truyền thống gây hấn và nổi tiếng hung hăng.

Nhưng sự đời đâu phải cứ “nhún”, cứ “mềm” là được hanh thông, nhất là trước một Trung Quốc càng lớn mạnh, càng phơi bày trước thiên hạ là kẻ có lòng tham vô hạn. Từ đầu tháng 3, tiếp đến là tháng 8/2016, Indonesia và Trung Quốc bắt đầu mâu thuẫn…nhẹ khi Trung Quốc cho hàng chục tàu cá, sau đó, có thêm cả tàu hải cảnh, đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna. Còn nhớ khi đó, ứng xử theo quan điểm “ngoại giao mềm” không xong, Indonesia buộc phải  bắt tàu cá Trung Quốc và áp giải về vùng biển Natuna của Indonesia để điều tra.

Sau sự cố trên, năm 2017, để đề phòng tham vọng chủ quyền của Trung Quốc, Indonesia đổi tên khu vực phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của họ thành biển Bắc Natuna.

Năm 2020 này, Trung Quốc “tặng” thêm cho Indonesia một quả đắng nữa với việc cho hàng chục tàu cá, tàu hải cảnh vào khai thác cá trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna, đồng thời, ngạo nghễ tuyên bố “khu vực Natuna là ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Thậm chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh: “Cho dù phía Indonesia có chấp nhận hay không, sẽ không có gì thay đổi thực tế rằng Trung Quốc  có các quyền và lợi ích đối với các vùng biển liên quan”.

Ngang tới thế là cùng. Tới mức đó, phản ứng của Indonesia không thể “dịu dàng” được nữa. Cả chục tàu chiến cùng những phi đội máy bay được Jakarta điều đến tiếp cận các tàu Trung Quốc để…  “đuổi” tàu Trung Quốc như đuổi cướp.

Tổng thống Joko Widodo còn có một động thái đầy ý nghĩa: Ra thăm hòn đảo ở vùng biển- nơi các tàu Trung Quốc không chịu rời đi, và tuyên bố đanh thép rằng: “Không phải tranh cãi gì hết. Trên thực tế và về thực quyền, Natuna là Indonesia”, để bác bỏ sự “nhận vơ” của Trung Quốc về cái gọi là “ngư trường truyền thống” (?) ở khu vực này.

Nhiều người bình luận về hành động của nhà lãnh đạo Indonesia rằng: Nóng nảy, quyết liệt đến mức ấy, rõ là Indonesia chẳng còn chút nể nương, mềm mại nào với người láng giềng Trung Quốc, cho dù họ đang đối tác thương mại lớn nhất, cũng là nhà đầu tư lớn đối với Indonesia.

Những ngày giữa tháng 9 này, căng thẳng Jakarta – Bắc Kinh có vẻ như đang trở lại, thậm chí, ở mức độ gay gắt hơn. Tàu số hiệu 5204 của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đang lượn lờ một cách đầy khả nghi bên trong và xung quanh vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia. Nên biết, tàu 5204 là tàu lớp Zhaojun nặng 2.700 tấn, thường hoạt động trong khu vực giữa quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và khu vực Bãi Tư Chính. Tháng 1/ 2020, cũng tàu này cùng 2 tàu khác của Trung Quốc đã tiến sâu 100 km vào vùng biển Indonesia.

Jakarta đã có công hàm tới đại sứ Trung Quốc để phản đối vụ xâm nhập mới nhất này. Công hàm này đã thể hiện sự phẫn nộ trước việc Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ cụ thể là “đường 9 đoạn” trong các thông điệp phát thanh gửi đến một tàu tuần tra của Indonesia.

Điều đó nghĩa là gì, nếu không phải là thông điệp mới của Bắc Kinh bắn tới Jakarta về việc “khoanh vùng” những điểm giới hạn trong “đường 9 đoạn” mà họ tuyên bố chủ quyền lịch sử trên Biển Đông?

Vụ việc này liệu đã khép lại những hành động gây hấn của Trung Quốc với Indonesia trong năm 2020 này?

Câu trả lời là: khó đấy! Hãy chờ mới có thể biết được.

RELATED ARTICLES

Tin mới