Từ năm 2010 Trung Quốc đã lên kế hoạch lập cái gọi là “Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông”. Vậy mà đã 10 năm trôi qua, Bắc Kinh vẫn chưa thấy “cơ hội phù hợp” để tuyên bố.
Chưa tìm thấy cơ hội không có nghĩa là Trung Quốc bó tay, hay từ bỏ âm mưu này. Cái chính là khi ra tuyên bố phải đúng thời điểm, để Mỹ và đồng minh buộc phải chấp nhận phần thua.
Điều khiến cho Bắc Kinh “nóng mặt” nhất là từ đầu năm 2020 đến nay, quân đội Mỹ đã có nhiều hành động “khiêu khích”. Cụ thể là đã liên tục điều động phương tiện và lực lượng để thách thức các tuyên bố và đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Tháng 7/2020, Hải quân Mỹ điều động hai tàu sân bay hạt nhân cùng các tàu khu trục cơ động đến gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tiến hành các cuộc tập trận đơn phương với các đồng minh và đối tác.
Đến tháng 8, quân đội Mỹ tiếp tục điều tàu khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Mustin, cơ động đến khu vực quân đội Trung Quốc đang tập trận phi pháp ở phía bắc quần đảo Trường Sa. Quân đội Mỹ cũng điều động các máy bay do thám hoạt động gần khu vực này.
Trung Quốc lên án động thái của Washington là hành động bỉ ổi. Nó không những làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông mà còn nâng cấp thách thức nhằm vào các tuyên bố đòi chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực này.
Nhiều tờ báo ở Mỹ và châu Á đăng nhận định của các chuyên gia quân sự, nhấn mạnh: Trong khi Trung Quốc không từ bỏ yêu sách đòi “chủ quyền” đối với toàn bộ diện tích Biển Đông và tuyên bố sẽ bảo vệ đến cùng “giá trị cốt lõi” ở khu vực thì Mỹ liên tục gây sức ép ở cường độ ngày càng cao.
Tức nước vỡ bờ. Điều này có thể dẫn đến khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố áp đặt cái gọi là “Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông”. Khi ADIZ được lập ra sẽ tạo “cơ sở” để Trung Quốc ngăn chặn Mỹ, cũng như kiểm soát các phương tiện trên không, kể cả quân sự lẫn dân sự, của các quốc gia khác.
Quyết tâm lập ADIZ là thể hiện âm mưu lâu dài, ý chí sắt đá, và Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ ý định này. Nhưng liệu Trung Quốc có tuyên bố lập ADIZ được hay không, và khi đã lập ra rồi thì họ có duy trì được nó không là những vấn đề rất lớn về kinh tế, quân sự, ngoại giao.
Việc Trung Quốc chọn thời điểm để đơn phương tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông phụ thuộc vào tình hình thực tế ở khu vực, cũng như khả năng hóa giải, đối mặt với hậu quả khó lường.
Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2020, Trung Quốc sẽ chưa dám tuyên bố thành lập cái gọi là ADIZ trên Biển Đông. Bởi họ đã từng thất bại, khi vào năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông (nơi Bắc Kinh và Tokyo tranh chấp quần đảo Senkaku). Lập tức Nhật, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới đã lên án, yêu cầu Trung Quốc phải rút lại quyết định ngang ngược này.
Hiện tại là thời điểm chưa chín muồi, Bắc Kinh không thể lợi dụng đại dịch Covid-19 để làm tới một lần nữa.
Chưa làm được tổng thể thì làm một cách từ từ, làm từng bước, từng khu vực. Trung Quốc đã bố trí các hệ thống cảnh báo, kiểm soát các phương tiện đường không cũng như các hệ thống hỏa lực phòng không (những yếu tố và thành phần cơ bản để hình thành ADIZ sau này) tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể, đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc cũng đã âm thầm nghiên cứu, bố trí các hệ thống kỹ thuật quân sự để kiểm soát các vùng nước trên mặt biển, trong lòng biển và thậm chí là ở trong lòng đất dưới đáy biển. Các “vùng” này bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, cùng với quần đảo Đông Sa, hiện do Đài Loan kiểm soát.
Điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không Biển Đông? Chắc chắn sẽ là sự gia tăng đột biến vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại ở các quốc gia láng giềng, mật độ vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm vô hiệu hóa các phương tiện ADIZ của Trung Quốc. Và điều đáng sợ nhất là thùng thuốc súng lâu ngày cố đậy kín nắp có nguy cơ phát nổ, chỉ cần một va chạm nhỏ không chủ ý, Biển Đông sẽ bùng phát chiến tranh.
Như vậy là, để thực hiện chiến lược “vùng xám” ở Biển Đông, trong mọi âm mưu, Bắc Kinh đều chuẩn bị kỹ các phương án “giấu mình chờ thời”, nhưng ngấm ngầm, quyết liệt, có thời cơ là lấn tới, đẩy phía đối phương vào thế trở tay không kịp. Biết rõ con bài của họ để chuẩn bị cách hóa giải là điều các nước trong khu vực có nguy cơ bị đe dọa trên Biển Đông cùng hợp sức xua tan những cơn bão ngàn đời từ âm mưu bành trướng, bá quyền nước lớn.