Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNước Việt đẹpĐóa sen Phật pháp giữa lòng Hồ Tây

Đóa sen Phật pháp giữa lòng Hồ Tây

Nằm trong lòng Hồ Tây, phía cuối đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên) Chùa Trấn Quốc có tuổi đời hơn 1500 năm. Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý – Trần, ngày nay chùa trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách.

Chùa Trấn Quốc nhìn từ trên cao

Tương truyền, chùa Trấn Quốc được vua Lý Nam Đế xây dựng năm 541- 547 trước công nguyên, tại thôn Y Hoa, bên bờ sông Hồng với tên gọi Khai Quốc. Đến triều Lê Thái Tông thế kỷ 15, chùa được đặt tên là An Quốc. Trải qua nhiều lần đổi tên nhưng nhân dân vẫn quen gọi chùa là Trấn Quốc, tên này được đặt cuối thế kỷ 17 dưới thời vua Lê Hy Tông, thể hiện mong muốn cuộc sống no đủ an lành và bình yên cho dân chúng. Ngôi chùa cũng gắn liền với sự ra đời Nhà nước đầu tiên của Việt Nam – Nhà nước Vạn Xuân.

Chùa Trấn Quốc nằm ở Hồ Tây trên hòn đảo nhỏ ở phía Đông. Kiến trúc chùa là sự kết hợp tính uy nghiêm, cổ kính tạo nên khung cảnh thanh nhã giữa mênh mông sóng nước, như bông hòa sen thanh khiết đang nở rộ giữa hồ nước tĩnh lặng, làm cho tâm hồn cảm thấy thanh thản không gian rộng mở khi đặt chân đến nơi đây. Giống như hầu hết các ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Trấn Quốc có nhiều nếp nhà, cửa thấp, mái rộng, nhiều tượng Phật vàng son, sắp xếp, theo trình tự quy tắc khắt khe của Phật giáo, nhưng cũng rất độc đáo mà khó có ngôi chùa nào có được, điểm nhấn nổi bật tạo nên nét riêng của chùa chính là khu vườn Tháp. Đi qua cây cầu lát gạch màu xám đến cổng Tam quan phía trên cổng là mái cong, mỗi đầu cong đều có một phù điêu nhỏ, phía chính giữa phía trên là một tấm biển đề tên và 2 câu đối cổ bằng chữ Hán. Qua tam quan là đường dẫn vào trong chùa, Nếu là lần đầu ghé thăm quý khách sẽ rất ngạc nhiên bởi phía bên trái là cả một vườn mộ cổ quy tụ trong khu vườn này có nhiều ngôi mộ tháp cổ từ thời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng thế kỷ thứ 18, điều đó phần nào đã minh chứng cho lịch sử lâu đời của ngôi chùa này. Giữa vườn tháp cổ nổi bật nhất là Tòa Bảo Tháp (Lục Độ Đài Sen), gồm 11 tầng, mỗi tầng có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô được đặt một pho tượng Phật A Di Đà, trên đỉnh tháp là Cửu phẩm liên hoa bằng đá quý.

Chùa Trấn Quốc

Bên trái là khu vực nhà tổ Chính giữa mái có trang trí phù điêu “lưỡng long chầu nguyệt” là nét đặc trưng trong kiến trúc chùa cổ của Phật giáo Việt Nam. Men theo ven hồ đến tiền đường, dọc theo chính điện với nhiều tầng cửa được trạm trổ tinh xảo, cửa vào thiêu hương có tượng Kim Cương đứng trấn. Nhiều pho tượng Phật và Bồ tát có giá trị nghệ thuật cao đang được nhà chùa bảo quản và gìn giữ, được đặt ở những nơi trang trọng nhất, nổi bật nhất là pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được làm từ gỗ, sơn son thiếp vàng, đó là pho tượng Niết Bàn đẹp nhất ở Việt Nam. Ngoài ra nhà chùa đang nắm giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, nổi bật 14 tấm bia được khắc bằng chữ Hán Nôm. Trên văn bia của chùa lưu giữ có bài thơ Hán văn miêu tả vẻ đẹp của chùa Trấn Quốc rằng:

Trấn Quốc danh lam thắng cảnh huyền
Tây Hồ biệt chiếm nhất lâm tuyền
Kim Ngư chử thượng thông Hà nhĩ.
Cổ tự tùng trung thực phúc duyên
Tiền Lý Triệu Khai tân phạm sát
Hậu Lê bỏ sứ cựu tàng viên
Bồ đề trận thủ minh chân giáo
Tiêu biểu Việt Nam lịch sử truyền.

                                                       Ngụ ý:

Cảnh chùa Trấn Quốc danh lam
Hồ Tây đệ nhất trời Nam lâm toàn
Cá vàng đón khách tham quan
Cửa thuyền mở rộng hơn ngàn thu đông
Lý xưa dựng bến sông Hồng
Hậu Lê Hoàng Định chuyển trong hồ này
Bồ đề chân giáo là đây
Việt Nam lịch sử đâu hay đổi đời.

Dạo bước giữa không gian trầm mặc tĩnh lặng thoang thoảng hương nhang phảng phất, quý khách còn có cơ hội khám phá nghệ thuật kiến trúc trên các nét chạm trổ trong chùa cùng với phần mái ngói bị rêu phong phủ kín, nhưng không vì thế mà  làm mất đi vẻ đẹp của ngôi chùa nó còn làm tăng thêm nét hoài cổ, cho ngôi chùa linh thiêng ngàn năm này. Du khách có dịp chiêm ngưỡng cây bồ đề hơn sáu chục tuổi tỏa bóng mát phủ kín khắp sân chùa. Đó là món quà của Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad, khi ông đến thăm Việt Nam vào năm 1959. Cây bồ đề được chiết từ gốc cổ thụ Bodh Gaya bên bờ sông Falgu nơi Đức Phật ngồi thiền thành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.

Cây bồ đề ở sân chùa Trấn Quốc

Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên kiến trúc chùa không tránh khỏi bị pha trộn của các thời kỳ khác nhau, diện mạo hiện nay của chùa có quy mô và kiến trúc trong đợt trùng tu năm 1815, chùa thực sự là một niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam, là di sản văn hóa quý giá của dân tộc, cùng với giá trị về lịch sử, kiến trúc, chùa Trấn Quốc ngày nay là một trong chốn cửa Phật linh thiêng, thu hút rất nhiều khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước, các phật tử đến dâng hương hành lễ.

Phía trước chính điện chùa Trấn Quốc có đặt một lư hương lớn

Lịch sử, kiến trúc tâm linh cùng hòa quyện tạo nên chùa Trấn Quốc – một thế giới thanh tịnh, linh thiêng giữa nơi phồn hoa đô hội. Giống như câu đối đã tự bao giờ gắn bó với cửa của cổ tự Trấn Quốc: “Vang tai xe ngựa qua đường tục/ Mở mặt non sông đứng cửa thiền”.

RELATED ARTICLES

Tin mới