Thursday, November 14, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ tố TQ thất hứa ở Biển Đông

Mỹ tố TQ thất hứa ở Biển Đông

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/7 lên án Trung Quốc thất hứa với cam kết không quân sự hóa trên Biển Đông đưa ra từ 2015.

“5 năm trước vào ngày 25/9/2015, ông Tập Cận Bình đứng tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng và tuyên bố ‘Trung Quốc không dự định quân sự hóa’” đối với quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), và các tiền đồn của Trung Quốc sẽ không nhắm tới hay ảnh hưởng đến nước nào, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một thông cáo.

Thay vào đó, Trung Quốc lại tiến hành quân sự hóa một cách táo bạo, gây hấn ở những tiền đồn tranh chấp đó, theo thông cáo có tựa đề “Lời hứa trống rỗng của Trung Quốc ở Biển Đông”.

“Nước này triển khai các tên lửa dẫn đường chống hạm, tăng cường radar quân sự và tình báo tín hiệu, xây dựng hàng chục nhà kho và đường băng phục vụ máy bay chiến đấu”, bà Ortagus nói thêm.

Trong thông cáo, Mỹ lên án Trung Quốc dùng những tiền đồn đã được quân sự hóa làm bàn đạp để ép buộc, tăng cường kiểm soát ở những vùng biển mà Bắc Kinh không hề có quyền hợp pháp ra yêu sách.

Chúng được dùng làm nơi đồn trú cho hàng trăm tàu dân quân biển và tàu Hải cảnh thường xuyên quấy rối các tàu dân dụng và ngăn cản các hoạt động thực thi pháp luật hợp pháp, đánh bắt xa bờ, và phát triển năng lượng của các nước trong khu vực.

“Trung Quốc không giữ lời hứa và cam kết của mình. Trong những tháng qua, chúng tôi đã thấy số lượng quốc gia chưa từng có tại Liên Hợp Quốc chính thức phản đối các yêu sách trên biển trái luật của Trung Quốc ở Biển Đông”, thông cáo viết.

“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối những hành vi nguy hiểm và không thể chấp nhận được này, và nói rõ với Trung Quốc rằng chúng ta sẽ buộc họ chịu trách nhiệm. Mỹ sẽ tiếp tục đứng bên các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong việc chống lại các hành vi của Trung Quốc nhằm cưỡng ép, thống trị Biển Đông”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp nối các diễn biến gần đây, với hàng loạt quốc gia lên án yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 22/9, trước sức ép từ trong nước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ đề cập đến phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016, trong bài phát biểu đầu tiên của mình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Lần đầu tiên đi vào cụ thể về phán quyết này tại Liên Hợp Quốc, ông nói “phán quyết giờ là một phần của luật pháp quốc tế… vượt khỏi tầm các chính phủ muốn xóa nhòa, suy yếu hay bãi bỏ nó” – ý nói đến Trung Quốc.

Trước đó, phái đoàn của Anh, Pháp, Đức tại Liên Hợp Quốc gửi công hàm chung, lưu hành ngày 16/9, phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ba nước này bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông, cho rằng các yêu sách liên quan tới việc thực thi “quyền lịch sử” là không phù hợp luật quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ngày 26/8, chính phủ Mỹ thông báo trừng phạt 24 công ty và nhiều cá nhân của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động xây dựng và quân sự hóa trên Biển Đông.

Hồi tháng 7, Mỹ cũng ra tuyên bố mạnh mẽ lần đầu tiên khẳng định lập trường rằng các yêu sách trên biển của Trung Quốc là phi lý theo phán quyết PCA năm 2016, thay vì chỉ ủng hộ phán quyết đó về nguyên tắc như trước.

RELATED ARTICLES

Tin mới