Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc phía Trung Quốc đã không tuân thủ lời hứa về việc không quân sự hóa các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp, xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Vào ngày 25.9.2015, trong cuộc họp tại Vườn Hồng của Nhà Trắng với tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết Bắc Kinh sẽ không “theo đuổi quân sự hóa” các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
“Nhưng ngược lại, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi hoạt động quân sự hóa liều lĩnh và khiêu khích tại đó. Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình diệt hạm, tăng cường hệ thống radar quân sự, mở rộng năng lực thu thập thông tin tình báo, xây dựng hàng chục nhà chứa máy bay và các đường băng có khả năng phục vụ chiến đấu cơ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố ngày 27.9, theo tờ The Washington Times.
Chính quyền Trung Quốc đang sử dụng các tiền đồn ở Trường Sa làm làm cơ sở để thực hiện các hành động cưỡng ép nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần cả Biển Đông.
Bên cạnh đó, những đảo nhân tạo phi pháp tạo điều kiện hậu cần cho hàng trăm tàu dân quân biển và tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động xa bờ, thường xuyên quấy rối các tàu cá và gây cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của các quốc gia láng giềng trong khu vực. Bà Ortagus nhấn mạnh Bắc Kinh “không tôn trọng lời nói hoặc cam kết của họ”.
Biển Đông là nơi chứng kiến các tàu chiến và máy bay của Hải quân Mỹ tăng cường hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong năm nay. Vào những tháng gần đây, một số quốc gia trong khu vực đã chính thức gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản đối các yêu sách trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông, bà Ortagus lưu ý.
Vào năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) tại Hà Lan đã ra phán quyết rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành vi nguy hiểm và không thể chấp nhận của Trung Quốc và khiến Bắc Kinh hiểu rõ rằng chúng ta sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm”, bà Ortagus nhấn mạnh. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc luôn bác bỏ phán quyết do PCA đưa ra sau khi xử lý đơn kiện từ chính phủ Philippines.
Trước đây, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đô đốc Philip Davidson từng cảnh báo Trung Quốc bắt đầu hoạt động quân sự hóa Biển Đông vào năm 2013 nhằm thách thức sự hiện diện của Mỹ và bắt nạt các quốc gia khác trong khu vực.