Thursday, November 7, 2024
Trang chủQuân sựKình địch siêu cường liệu có đẩy Mỹ-Trung vào chiến tranh lạnh?

Kình địch siêu cường liệu có đẩy Mỹ-Trung vào chiến tranh lạnh?

Căng thẳng Mỹ – Trung bộc lộ rõ tại hội nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), khiến nhiều người lo ngại nguy cơ một chiến tranh lạnh mới bùng nổ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế “lịch sử”, thảm họa kinh tế và nguy cơ Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung

Phát biểu trước cuộc họp của UNGA ở New York, ông kêu gọi sự đoàn kết và ngừng bắn toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 không chỉ là một “hồi chuông cảnh tỉnh” mà còn là “cuộc tập dượt” trước những thử thách sắp tới.

Với quan điểm thế giới “đang dịch chuyển theo hướng rất nguy hiểm”, Tổng thư ký Guterres kêu gọi các nước “phải làm mọi thứ để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Ông nhắc lại cảnh báo đưa ra một năm trước về việc gia tăng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Thế giới của chúng ta không thể chấp nhận một tương lai mà hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt toàn cầu bằng một vết nứt lớn, với mỗi bên đề ra các quy tắc thương mại và tài chính riêng, sở hữu năng lực Internet và trí tuệ nhân tạo riêng. Sự chia rẽ về công nghệ và kinh tế có nguy cơ biến thành chia cắt địa chiến lược và quân sự. Chúng ta phải tránh điều này bằng mọi giá”.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng về nhiều vấn đề, từ thương mại, công nghệ và đại dịch Covid-19 cho đến vấn đề Biển Đông…

Sự kình địch đó đã bộc lộ rõ ​​tại UNGA khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một bài phát biểu trực tuyến, kêu gọi Liên Hợp Quốc buộc Bắc Kinh phải “chịu trách nhiệm” vì đã không ngăn chặn được Covid-19, dịch bệnh bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán và cướp đi mạng sống của hơn 200.000 người Mỹ cùng gần 1 triệu người trên thế giới tính đến nay.

Đại sứ Trung Quốc mô tả mọi cáo buộc chống lại Bắc Kinh là “hoàn toàn vô căn cứ”.

“Tại thời điểm này, thế giới cần sự đoàn kết và hợp tác hơn nữa chứ không phải một cuộc đối đầu”, Đại sứ Zhang Jun khẳng định trước khi giới thiệu bài phát biểu trực tuyến của Chủ tịch Tập Cận Bình. “Chúng ta cần phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy dành cho nhau, chứ không phải gieo rắc virus chính trị”. “Chiến tranh chẳng có lợi cho ai cả”, ông này nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi một phản ứng toàn cầu chống lại Covid-19 và phát huy vai trò đi đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

“Chúng ta cần phải tăng cường đoàn kết và cùng nhau vượt qua điều này”, ông Tập phát biểu. “Chúng ta nên tuân theo hướng dẫn của khoa học, phát huy hết vai trò của WHO và khởi động một phản ứng quốc tế… Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chính trị hóa vấn đề đều cần phải bị loại bỏ”.

Trước căng thẳng nghiêm trọng giữa hai siêu cường thế giới, lãnh đạo nhiều nước tham gia hội nghị đã bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định thế giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, Covid-19 sẽ khiến nhiều nước phải hợp tác với nhau và chống lại một trật tự do Mỹ và Trung Quốc chi phối. “Giải pháp duy nhất có thể đến từ sự hợp tác của chúng ta”, ông quả quyết, đồng thời chỉ ra rằng thế giới phải xây dựng một trật tự mới và châu Âu cần phải “gánh vác đầy đủ trách nhiệm của mình”.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cảnh báo, hòa bình và ổn định toàn cầu có thể bị phá hủy nếu như những cuộc cạnh tranh địa chính trị còn tồn tại và gia tăng. Người đồng cấp Philippines của ông Widodo là Rodrigo Duterte cũng nêu bật hiểm họa của căng thẳng Mỹ – Trung.

“Với quy mô và sức mạnh quân sự của các đối thủ, chúng ta chỉ có thể tưởng tượng và kinh hoàng trước những thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng và tài sản xảy ra, nếu ‘cuộc khẩu chiến’ biến thành một cuộc chiến thực sự của vũ khí hạt nhân và tên lửa”, ông Duterte cảnh báo ngày 23/9.

RELATED ARTICLES

Tin mới