Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhững lời hứa suông của Bắc Kinh

Những lời hứa suông của Bắc Kinh

“Hứa suông” là từ mà các nhà ngoại giao Hoa Kỳ “tặng” cho chính quyền Bắc Kinh. Thật ra, chuyện này thế giới chả còn lạ gì. Nhưng khi được một “Ông Tây” nói bằng tư duy, ngôn ngữ  của người châu Á, thì xem ra được chú ý hơn rất nhiều.

Chả là hôm 27/9, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bất ngờ ra tuyên bố: Đến nay Trung Quốc vẫn theo đuổi công cuộc quân sự hóa quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Điều này trái ngược với những gì ngài Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn hứa, không chỉ một mà nhiều lần.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo: “5 năm trước, vào ngày 25/9/2015, Tập Cận Bình đứng trong Vườn Hồng của Nhà Trắng và tuyên bố: “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa” quần đảo Trường Sa, và các tiền đồn của Trung Quốc sẽ không “nhắm mục tiêu hoặc tác động đến bất kỳ quốc gia nào”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định: “Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng các tiền đồn được quân sự hóa này như những nền tảng mang tính cưỡng ép để khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng biển mà Bắc Kinh không có chủ quyền hàng hải hợp pháp”.

Xưa nay là thế, hứa thì ngọt ngào, nhưng việc làm thì ngược lại. Trung Quốc đã theo đuổi một cuộc quân sự hóa liều lĩnh và khiêu khích các tiền đồn đang có tranh chấp. Cụ thể, nước này đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm, mở rộng khả năng tình báo tín hiệu và radar quân sự. Quân đội Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng hàng chục nhà kho máy bay chiến đấu và xây dựng đường băng có khả năng dùng cho máy bay chiến đấu.

Để ngụy biện cho hành động ngông nghênh này, hồi tháng 8/2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi quyết định quân sự hóa Biển Đông bằng cái tên rất chối tai: “tự vệ”.  Ông Vương loa lên rằng, chúng tôi chỉ hành động “tự vệ” trước áp lực từ Hoa Kỳ và một số kẻ ăn theo khác.

Các tiền đồn được quân sự hóa trên Biển Đông chính là nơi tập trung hàng trăm tàu dân quân biển và tàu Cảnh sát biển củaTrung Quốc. Các tàu này thường xuyên quấy rối tàu dân sự và cản trở các hoạt động thực thi pháp luật hợp pháp, đánh bắt xa bờ và phát triển hydrocarbon của các quốc gia láng giềng.

Trước việc Bắc Kinh nuốt lời, không tôn trọng những cam kết của mình, trong những tháng gần đây, nhiều quốc gia  đã gửi công hàm phản đối chính thức tại Liên hợp quốc. 

Ngay sau khi các nước châu Âu gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc cũng đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc (hôm 18/9), lập luận rằng “UNCLOS không bao trùm hết mọi vấn đề” và một lần nữa khẳng định Trung Quốc “có quyền lịch sử đối với đường chín đoạn trên Biển Đông”. Thật là giọng điệu của kẻ cãi cùn!

Không chỉ hứa suông, Bắc Kinh còn ra sức bảo vệ thói côn đồ, và họ đã vấp phải sự phản ứng dữ dội không chỉ từ Washington. Thế giới lên tiếng phản đối hành vi nguy hiểm, không thể chấp nhận được, đồng thời  tuyên bố: “Chúng tôi sẽ buộc họ giải trình về hành vi đó” (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ).

Trong khi Hoa Kỳ lên tiếng: “Chúng tôi chống lại các nỗ lực mang tính cưỡng ép của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền thống trị trên Biển Đông”, thì các quốc gia khác trong khu vực liên quan Biển Đông cũng đã và đang có những tuyên bố, thái độ và hành động mạnh mẽ hơn để đáp trả.

Người Việt có câu “lời nói gió bay”. Nhưng lời hứa của Bắc Kinh thì không bay đâu cả. Nó được ghi rành rành trong các biên bản ngoại giao. Và điều tồi tệ nhất là nó được ghi vào trang lịch sử cầm quyền của Tập Cận Bình như một bằng chứng về sự tha hóa, đổi màu, trái với cương lĩnh của một Đảng Cộng sản tiên tiến.

RELATED ARTICLES

Tin mới