Việc Exxon Mobil cắt giảm 30% chi phí đầu tư khiến thị trường quan ngại dự án Cá Voi Xanh bị chậm tiến độ. Hơn nữa “gã khổng lồ” năng lượng Mỹ đứng trước nguy cơ thiếu hụt 48 tỷ USD để trang trải đến năm 2021.
‘Gã khổng lồ’ dầu khí Exxon Mobil bế tắc trong dự án Cá Voi Xanh
Theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), dự án điện khí Cá Voi Xanh ghi nhận tình trạng chậm tiến độ do nhà thầu Exxon Mobil gặp khó khăn.
Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh gồm các dự án thành phần: dự án phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh; các dự án nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh (Miền Trung I, II (Quảng Nam) và Dung Quất I, II và III (Quảng Ngãi).
Việc phát triển chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh đặc biệt quan trọng, dự kiến khi đi vào vận hành thương mại, hàng năm 5 nhà máy điện nêu trên sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 23-25 tỷ kWh điện, góp phần đảm bảo đủ điện cho đất nước từ năm 2023. Theo tính toán sơ bộ, tổng thu ngân sách nhà nước từ chuỗi dự án (giai đoạn 2023-2044) đạt khoảng 15-18 tỷ USD.
Tuy nhiên, KBSV cho biết Exxon Mobil mới đây đã ra quyết định cắt giảm 30% chi phí đầu tư, khiến thị trường quan ngại về việc dự án Cá Voi Xanh bị chậm tiến độ. Công ty năng lượng Mỹ này sở hữu 64% dự án Cá Voi Xanh và kỳ vọng dự án này sẽ đi vào hoạt động thương mại trong năm 2023.
Dù vậy, gần đây hãng tin Bloomberg đã chỉ ra rằng Exxon Mobil có thể phải chịu lỗ tới 1,86 tỷ USD trong năm 2020 và ước tính sẽ thiếu hụt 48 tỷ USD tiền mặt cho đến hết năm sau.
Điều này có thể khiến công ty tính chuyện cắt giảm nhân sự, đồng thời trì hoãn các dự án đến năm 2021.
Mỏ Cá Voi Xanh nằm ở bể Sông Hồng và có thể cung cấp 9,7 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm, tương đương 22% nhu cầu tại Việt Nam năm 2030.
Trong khi đó, theo KBSV, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc trì hoãn sản lượng từ siêu dự án Cá Voi Xanh, do Việt Nam sẽ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu khí tự nhiên ngày một lớn thông qua việc nhập khẩu LNG giá rẻ.