Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Tiên trách kỷ...” bài học cho ai ?

“Tiên trách kỷ…” bài học cho ai ?

Sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông khiến Mỹ phải ra tay, nhằm kiềm chế một đối thủ quá nhiều tham vọng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hành động của Washington lại khiến Bắc Kinh ráo riết, quyết tâm hơn trong việc gia tăng sức mạnh quân sự.

Hải quân Indonesia tập trận ngoài khơi đảo Natuna, cuối tháng 7/2020

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” – Ý nghĩa của câu này thì ai cũng biết, khỏi cần giải thích. Vận vào Trung Quốc: không nghi ngờ gì nữa – điều đó càng đúng khi lý giải cho cái sự Bắc Kinh đang bị cả thế giới ghẻ lạnh và cô lập.

Những động thái nhằm vào Trung Quốc của “bộ tứ kim cương” Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ thì đã rõ. Trong khục vực, điều đó càng thể hiện rõ nét hơn.

Thật thế, cứ tưởng khoe khoang cơ bắp, các quốc gia chung quanh yếu đuối, lại chỉ “nhúm người” so với 1,5 tỷ dân của mình, sẽ “co rúm” lại, sợ hãi mà thần phục? Vậy mà không. Ngược lại, bằng vào những động thái gần đây, Asean, nhất là các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, không che giấu cái sự “khinh” Trung Quốc ra mặt.

Không tính các động thái trước đó. Chỉ tính trong nửa năm trở lại đây, đã nhiều nhiều sự kiện.

Kể đến đầu tiên, là Philippines với nhà lãnh đạo Rodrigo Duterte. Nhà lãnh đạo này hiển nhiên là người mà Bắc Kinh hy vọng nhất về sự “tử tế” với mình, vì ông ta không chỉ gần như lờ đi phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) trong vụ kiện đình đám với phần thắng thuộc về Philippines; cầu thân với Trung Quốc với các thỏa thuận “khai thác chung”; còn định từ bỏ chấm dứt thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ…, mà còn tỏ ra “sợ” Trung Quốc thực sự khi nói toạc trước quốc hội, rằng: “Khi ông Tập (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) nói “Tôi sẽ đánh bắt cá”, ai có thể ngăn được ông ấy? Nếu tôi gửi lực lượng thủy quân lục chiến đuổi ngư dân Trung Quốc, tôi đảm bảo không còn ai trong số họ trở về”. Vậy mà, cùng với sự “trở mặt” khác, trong đó có việc “hoãn” (?) thực thi chấm dứt thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) – hàm ý trở lại thân thiết với Mỹ – trên diễn đàn Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc (LHQ), tổ chức trực tuyến, ngày 21/9 vừa qua, ông  Duterte đã “lật nhanh hơn cả bàn tay”, công khai “phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết Biển Đông năm 2016” – tuyên bố được dư luận ngợi ca là “làm nên lịch sử”.

Câu nói của ông Duterte không chỉ khiến Bắc Kinh đau lòng, mà còn  cảm thấy như bị “tát” vào mặt trước bàn dân thiên hạ.

Các quốc gia khác trong khu vực cũng đâu có lành. Việt Nam ngang bướng  “cãi” Trung Quốc nhem nhẻm. Nước này còn khai thác tối đa vai trò Chủ tịch Asean 2020, đề cập vấn đề Biển Đông một cách “có khuynh hướng”, tinh thần là “làm to chuyện” để  kéo các quốc gia khu vực cùng vào cuộc buộc Trung Quốc tuân thủ Unclos 1982 trong đàm phán COC sắp được nối lại trong tháng 11 tới. Tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ngày 9/9, ông Phạm Bình Minh, đương kim ngoại trưởng Việt Nam, còn hoan nghênh “những đóng góp nhanh nhạy, mang tính xây dựng của Mỹ trước nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông” – cách nói quá “ngoại giao”, nhưng thế cũng đã đủ sỉ nhục Trung Quốc một lần nữa.

Các nước nước còn lại thì sao ?

Malaysia đã đệ trình lên LHQ công hàm ngày 29/7, bác bỏ “toàn bộ” những yêu sách lâu nay của TQ về chủ quyền Biển Đông. Indonesia ngày 22/7 đã tổ chức một cuộc tập trận lớn với 24 tàu chiến tham gia, trong đó có 2 tàu khu trục tên lửa và 4 tàu hộ tống – hành động chỉ có thể hiểu là để ngăn chặn việc Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước này tại khu vực quần đảo Natuna. Ngay cả Brunei kiệm lời, vậy mà sau tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 20/7 cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tuân thủ các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp.

Còn Đài Loan vốn chẳng phải “khác máu tanh lòng”, trước các động thái đe dọa vũ lực thu hồi của Bắc Kinh, cũng cam kết và hô hào duy trì một Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở – một giọng điệu mà Bắc Kinh cho là “chẳng khác gì Mỹ”.

Nhưng các nước Asean không thế mới là lạ. Với diễn biến trên, rõ là Trung Quốc biết trách ai, ngoài mình, cụ thể hơn, trách cái tham vọng ngông cuồng, bất chấp đạo lý và công pháp quốc tế của mình.

Còn Mỹ? Rõ là Washington hẳn e ngại, không muốn địa vị “lãnh đạo thế giới” bị Trung Quốc lật đổ. Thế nên, sau kích hoạt cuộc chiến thương mại; sau tuyên bố thể hiện chính thức quan điểm, thái độ về vấn đề Biển Đông; sau việc tăng cường các động thái với danh nghĩa “tập trận” trên biển…(các nước Asean, dù công khai hay không, đều cảm thấy phấn khởi như được cổ vũ, tự tin hơn trong cuộc đấu pháp lý với Trung Quốc), thì ngược lại, cũng cần tự hỏi: làm thế, Trung Quốc sẽ e sợ mà biết điều, tử tế hơn, hay ông Tập Cận Bình và Trung Nam Hải sẽ hung hăng, quyết đoán hơn để quyết một trận sống mái với mình?

RELATED ARTICLES

Tin mới