Thursday, November 7, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTranh cãi về ý kiến "giảm thuế cho doanh nghiệp giàu" ?

Tranh cãi về ý kiến “giảm thuế cho doanh nghiệp giàu” ?

Đề xuất miễn giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp có phải là hội chứng ‘con có khóc, mẹ mới cho bú’ vốn chỉ tồn tại ở nhóm DNNN?

Khối FDI sẽ là một trong những đối tượng hưởng lợi nếu chấp thuận đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho toàn bộ doanh nghiệp

Sự thiếu thực tế trong đề xuất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính về việc giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020 có lẽ dễ hiểu hơn lý do mà tổ chức này đưa ra để biện minh cho ý định nói trên.

Quả thật, đại dịch Covid-19 đã gây nên những cơn địa chấn trong hoạt động của doanh nghiệp, khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tới 93% tổng số doanh nghiệp) dù không muốn, vẫn bị đẩy nhanh hơn tới chỗ phá sản. Tư duy cứu doanh nghiệp ‘khỏe’ đã hơn một lần được đề cập và bất chấp những giọt nước mắt cay đắng của nhóm nghèo, yếu thế, quan điểm này cũng có những điểm hợp lý nhất định.

Sự lạc quan vốn có của người Việt đủ để giúp một nhóm các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia tư vấn củng cố niềm tin, khi doanh nghiệp mạnh mạnh lên, họ sẽ tạo ra sức lan tỏa tới các nhóm doanh nghiệp cùng lĩnh vực, sử dụng nhiều lao động và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.

Tất nhiên, không có một tính toán cụ thể nào về đặc điểm các doanh nghiệp vẫn đang gắng gượng tồn tại, do đó sức lan tỏa được đề cập ở trên vẫn là một dấu hỏi lớn. Ngoài ra, quy mô sử dụng lao động và đóng góp hàng năm cho ngân sách của nhóm doanh nghiệp may mắn này cũng chưa được đề cập, vì vậy rất khó bác bỏ khả năng, nguồn lực ít ỏi còn lại của nền kinh tế hóa ra lại đến tay những ông nhà giàu. Bất chấp tất cả những nhược điểm kể trên, tấm lòng nghĩ về việc lớn của nền kinh tế cũng đáng để những người ủng hộ quan điểm trên nhận được sự thể tất.

Điều khó chấp nhận, thậm chí không thể chấp nhận trong động thái xin miễn giảm thuế thu nhập cho toàn bộ doanh nghiệp có lẽ nằm ở lý do đưa ra đề xuất này. Đại diện Ban IV không hề ngần ngại biện bạch rằng, qua ba cuộc khảo sát, doanh nghiệp đều bày tỏ nguyện vọng được giảm thuế, dù Quốc hội đã đồng ý miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 cho nhóm đối tượng có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Kịch bản ‘con có khóc, mẹ mới cho bú’ được lặp lại ở nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước và lại nhận được sự ủng hộ. Đáng nói, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đơn vị tư vấn chính sách hỗ trợ đối tượng vốn chịu nhiều thiệt thòi bởi sự ưu thắng của nhóm doanh nghiệp nhà nước cả trong tiếp cận nguồn lực lẫn cơ hội kinh doanh đang giẫm lại… vết xe đổ đã nhiều lần bị phản bác thẳng thắn. 
Cũng sẽ dễ thuyết phục hơn nếu không cần chứng minh, dư luận cũng hiểu, dù gì, đề xuất miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuất phát từ một động cơ hoàn toàn trong sáng. Tiếc là, chỉ bằng những phép tính cộng trừ cùng thực tế mà một bà nội trợ cũng có thể nắm bắt, hoàn toàn hữu lý khi nghi ngờ, tiếng kêu cứu này đến từ nhóm doanh nghiệp vẫn đang có của ăn của để.

Bản chất thuế thu nhập doanh nghiệp là đánh vào phần lợi nhuận mà các đối tượng kinh doanh tạo ra. Nói nôm na, nếu doanh nghiệp trong tình trạng giải thể hoặc chờ giải thể, họ sẽ không cần phải lo tới khoản thuế thu nhập này.

Xét ở quy mô, nhóm hưởng lợi nếu đề xuất này được chấp thuận là doanh nghiệp có doanh thu trên 200 tỷ đồng và có lợi nhuận. Đương nhiên, đó phải là những ông lớn, kinh doanh những ngành hàng ít chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Thay vì yêu cầu trách nhiệm của những kẻ mạnh, đỡ đần những kẻ yếu thế thông qua việc tăng đóng góp cho ngân sách, tạo thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo cơ hội để họ không cần thực hiện đủ trách nhiệm của mình quả thật là một điều khó hiểu.

Đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp FDI, sự thiếu hợp lý có thể còn tăng lên gấp đôi. Sẽ không cần tranh luận về việc doanh nghiệp FDI chịu trách nhiệm tài chính quá ít trong khi hưởng ưu đãi quá nhiều. Đặt kịch bản Việt Nam tiếp tục miễn giảm 30% thuế thu nhập cho toàn bộ doanh nghiệp, phần đóng góp của nhóm doanh nghiệp này sẽ còn nhỏ nhoi hơn nữa. Không thể phủ nhận vai trò của nhóm doanh nghiệp này trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thế nhưng xin những nhà tư vấn chính sách hãy nhìn thẳng vào sự thật, Việt Nam vẫn chưa phải là một nước giàu.

Trong các cuộc trao đổi, bàn thảo về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã có rất nhiều băn khoăn về việc lợi thế sẽ thuộc về nhóm có ưu thế về truyền thông (bao gồm cả truyền thông đại chúng và truyền thông tới nhóm đích) để vận động chính sách. Điều này đang trở thành hiện thực.

Thật đáng buồn khi nhóm doanh nghiệp yếu thế buộc phải ‘ngậm bồ hòn làm ngọt’, họ cũng đồng thời chấp nhận cơ hội tồn tại càng trở nên mong manh. Khi ngân sách đã eo hẹp, thật lạ là vẫn có rất nhiều người sẵn sàng tiếp tay để nguồn lực này bị ăn lạm vào nhiều hơn.

Rõ ràng, một nền kinh tế có nội lực và ổn định không thể chỉ dựa trên xuất khẩu của FDI hay sự bành trướng của một số lượng khiêm tốn những doanh nghiệp tư nhân lớn, ngay cả khi họ hào hứng hiện thực hóa tinh thần ‘đóng thuế là yêu nền kinh tế’. Hỗ trợ doanh nghiệp sẽ không loại trừ họ, nhưng không có nghĩa là họ được hưởng những mức hỗ trợ ngang bằng với nhóm doanh nghiệp đang chật vật và khó khăn hơn.

Cho đến thời điểm hiện tại, dường như chúng ta vẫn đang quẩn quanh và loay hoay trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế chỉ một doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch là một minh chứng khá rõ ràng cho nỗi lo ngại nói trên. Và kể cả khi các gói tín dụng được giải ngân nhanh, rất khó xóa được nỗi hoài nghi, đồng tiền không đến đúng đối tượng xứng đáng được hỗ trợ. Người ta sẽ chép miệng, đến con bò, con dê… cho người nghèo còn đi lạc vào những ngôi nhà khang trang, bề thế nữa là.

Một chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp bài bản không chỉ cần thiết mà còn cần thật nhanh. Để làm được điều đó, cần loại trừ những tư duy manh mún, lợi ích cục bộ, ngay cả trong những người đứng ở vai tư vấn, phản biện chính sách. Nên nhớ, câu chuyện hỗ trợ không nhằm cho mục tiêu ngắn hạn mà phải cân nhắc tới sự phát triển sắp tới của nền kinh tế trước tác động kéo dài và mang tính dây chuyền, liên quan tới cả sản xuất hàng hóa lẫn quan hệ thương mại trên thế giới của đại dịch Covid-19. Nếu chỉ có một lượng vàng ít ỏi, thay vì để mua hạt giống lại mang đi làm nữ trang, mùa sau rất có thể gia đình sẽ phải chạy ăn từng bữa…

RELATED ARTICLES

Tin mới