Đánh giá khách quan, tình hình biển đảo của Việt Nam năm nay tuy vẫn đầy rẫy những nguy biến nhưng cũng le lói vài tia hy vọng. Trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung Khóa 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ 22 – 29/9, vào ngày 26/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra lời kêu gọi chung chung, mong tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và giải quyết các tranh chấp và khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Lợi ích quốc gia – dân tộc
Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân Việt Nam quan tâm chủ yếu lại là, nhân dịp lần đầu tiên tham gia gửi thông điệp đến Đại hội đồng LHQ, Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng sẽ đề cập mạnh mẽ đến mức nào đối với chính sách bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh và các hành động tự tung tự tác của Trung Quốc trong mấy năm gần đây ngay trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Nhưng càng quan tâm bao nhiêu, dư luận càng thất vọng bấy nhiêu.
Trong khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử, tam cường EU (E3): Đức, Anh và Pháp đã gửi công hàm phản đối chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Việc ba nước quyền lực nhất châu Âu hôm 16/9 cùng đệ trình công hàm chung tại Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ phản bác các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt. Công hàm chung đã góp phần phá vỡ chiến thuật “im lặng là đồng ý” của Bắc Kinh trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông.
Theo các chuyên gia, một trong những ý đồ của Trung Quốc khi đệ trình 7 công hàm trước đó lên LHQ là để trong tương lai, Trung quốc có thể tuyên bố rằng, cộng đồng quốc tế đã mặc nhận/tán thành, một khi các nước đều im lặng sau các công hàm của Bắc Kinh. Mưu đồ này rõ ràng đã bị vạch trần, vì mấy tháng trở lại đây, các cường quốc biển đã đưa ra những tuyên bố rất thẳng thắn để phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Công hàm mới nhất của Anh, Pháp và Đức, cùng với các công thư trước đó của Mỹ và nhiều quốc gia khác là sự phản bác rất rõ ràng và mạnh mẽ đối với các yêu sách phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Nghĩa là gió đã đổi chiều, những khẳng định quan trọng trong công hàm của nhiều nước đã khiến Bắc Kinh ngày càng bị cô lập về ngoại giao trong vấn đề này. Đây là dịp đáng ra Việt Nam phải ngỏ lời cảm ơn cộng đồng quốc tế đã có động thái tích cực và kịp thời ủng hộ mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nhưng thay vì cảm ơn quốc tế và mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ lợi ích quốc gia, nhất là tố cáo các vụ vi phạm của Trung Quốc đối với lãnh thổ và hải phận của Việt Nam trên Biển Đông, ông Trọng lại kêu gào phải dỡ bỏ các biện pháp cấm vận ảnh hưởng đến một số nước, hàm ý nhắc đến Cuba (và ngầm hiểu cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc). “Thành đổ đã có chúa xây/ Cớ gì gái goá khóc ngày khóc đêm” (!) Nguyễn Phú Trọng rõ ràng đã rơi vào vòng xoáy ý thức hệ “nguỵ cộng sản” mà bỏ quên mất lợi ích quốc gia – dân tộc.
Trông người mà ngẫm đến ta
Điểm qua tuyên bố của các nguyên thủ quốc gia khác nhân dịp này, thấy xót xa cho thân phận “thuộc quốc” của Việt Nam. Từ Manila, lần đầu tiên Tổng thống Duterte phát biểu trước LHQ. Ông đã tái khẳng định chiến thắng pháp lý trước Trung Quốc trong phán quyết Biển Đông, đã cảm ơn các nước từng ủng hộ phán quyết năm 2016. Và ông tuyên bố, phán quyết này giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài sự thỏa hiệp và vượt ra ngoài tầm của các chính phủ để có thể làm phai nhạt hay bỏ qua.
Trước LHQ, Tổng thống Mỹ Donald Trump 12 lần phê phán đích danh Trung Quốc. Ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc phát triển kinh tế nhanh chóng với cái giá là hy sinh môi trường của nhân loại và chỉ rõ, Trung Quốc mỗi năm đổ hàng triệu tấn nhựa và rác thải ra đại dương, đánh bắt quá mức, phá hủy các rạn san hô rộng lớn và thải ra khí thủy ngân độc hại hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Lượng các-bon Trung Quốc thải ra gần gấp đôi của Mỹ và đang tăng lên nhanh chóng.
Ông Trump thẳng thừng tố cáo, “virus Trung Quốc” đã cướp đi vô số sinh mạng ở 188 quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới đã bị Trung Quốc thao túng và lần đầu tiên đề xuất LHQ phải yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành vi vô trách nhiệm của mình. Ông Trump nhắc lại: “Trong thời kỳ virus mới xuất hiện, Trung Quốc đóng cửa đi lại trong nước, nhưng lại cho phép các chuyến bay rời khỏi Trung Quốc và để virus lây nhiễm ra toàn thế giới”.
Về phần mình, Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng tranh thủ bán rao ý tưởng “cộng đồng chung vận mệnh” và nhai lại luận điệu là không có ý đồ bành trướng, bá quyền, gây chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất kỳ nước nào. Tuy nhiên, những lời lẽ mị dân đó hoàn toàn chẳng thuyết phục được ai, vì nó hoàn toàn đi ngược lại với những gì nước này đã và đang làm bất chấp cả thời điểm cả thế giới căng mình vật lộn với đại dịch COVID-19.
Trung Quốc liên tục theo đuổi chủ quyền phi pháp. Ngày 18/4/2020, Trung Quốc đã ra quyết định lập “hai quận” mới trực thuộc “thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng đòi chủ quyền. Đến đầu tháng 8, nước này tiếp tục ban hành quy định mới về hàng hải, xem các tuyến hàng hải giữa Hải Nam và Hoàng Sa là các tuyến nội địa của Trung Quốc nhằm siết chặt quyền kiểm soát trên các vùng Biển Đông. Có nhiều chỉ dấu cho thấy, Bắc Kinh đang lăm le tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không trên Biển Đông.
Thái độ của Việt Nam
Mặc dầu năm 2020 này, Việt Nam giữ chiếc ghế Chủ tịch (luân phiên) ASEAN và Uỷ viên Không thường trực HĐBA/LHQ, nhưng toàn bộ phát ngôn vừa qua của Tổng chủ trước Đại hội đồng LHQ không hề phản ánh trách nhiệm của nước giữ hai cương vị nói trên. Tổng chủ không hề bày tỏ sự hưởng ứng (dù có mức độ) của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trước lời kêu gọi của Mỹ và Bộ Tứ đối với tiến trình xây dựng cấu trúc Indo-Pacific (FOIP).
Kể cả trong các điện đàm trực tiếp mới đây với Mỹ và Tây Âu, Việt Nam vẫn tránh đề cập đến FOIP. Mặc dầu Hà Nội biết rằng, từ nay, an ninh và an toàn trên Biển Đông đã trở thành bộ phận cấu thành của FOIP. Như vậy là dẫu chưa có một cấu trúc an ninh tập thể liên khu vực, nhưng Việt Nam đã được hưởng lợi nhờ ý thức cảnh giác cao của Mỹ và các nước dân chủ trước việc Trung Quốc tham vọng thay thế trật tự dựa trên luật lệ và quân bình lực lượng bằng Pax Sinica – trật tự dựa trên chính sách bành trướng và bá quyền.
Một trong những biểu hiện của Pax Sinica chính là động hướng “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) đầy tham vọng buộc Mỹ và phương Tây phải lấy FOIP làm đối trọng. Tới đây, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tập trận và cấm tàu thuyền các nước lưu thông trên Biển Đông. Vừa qua, Bắc Kinh còn cho bắn đi bốn hỏa tiễn đạn đạo để thị uy Hoa Kỳ cũng như các nước trong khu vực. Trung Quốc cũng vừa thông báo từ 7 giờ đến 15 giờ ngày 28/9, quân đội Trung Quốc tiến hành cuộc diễn tập tại hai khu vực trên quần đảo Hoàng Sa.
Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng, Bắc Kinh cho thực hiện các cuộc tập trận đồng thời khi căng thẳng trong khu vực gia tăng. Trong 4 cuộc tập trận đồng thời này có 2 cuộc được tiến hành gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thông tin này do Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc loan đi. Trung Quốc cho biết thêm, một đợt tập trận khác được tiến hành tại vùng nam Hoàng Hải, có bắn đạn thật và kéo dài từ ngày 28 – 30/9.