Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ muốn "lôi kéo" Nhật Bản

TQ muốn “lôi kéo” Nhật Bản

Trước việc Mỹ đẩy mạnh liên minh ở khu vực đối trọng, kiềm chế Trung Quốc, Bắc Kinh đang có những động thái lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm để thảo luận
về các vấn đề song phương và quốc tế cùng quan tâm.

Hôm 25/9, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm để thảo luận về các vấn đề song phương và quốc tế cùng quan tâm. Đáng chú ý, cuộc điện đàm nổi lên nhiều điều về cách Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình nhìn nhận, đánh giá về Nhật Bản trong những năm tới.

Tích cực “lấy lòng” Nhật Bản

“Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy một kiến ​​trúc phát triển mới theo chu kỳ kép. Theo đó, phát triển trong nước sẽ đóng vai trò là trụ cột, đồng thời kết hợp, củng cố phát triển trong ngoài”, Chủ tịch Tập Cận Bình trao đổi với Thủ tướng Yoshihide Suga tại cuộc điện đàm. Đồng thời, ông Tập Cận Bình hy vọng rằng, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ cùng nhau bảo vệ các chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng ổn định, phát triển.

Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Nikei Asian Review, Katsuji Nakazawa, cho rằng, việc ông Tập sử dụng thuật ngữ kinh tế nổi bật – “chuỗi cung ứng” và phát triển “chu kỳ kép” – trong điện đàm với ông Yoshihide Suga là có ý đồ.

Hai thuật ngữ kinh tế này không phải bây giờ mới có mà nó đã được đưa ra từ hồi tháng 5. Nó mô tả một mô hình kinh tế trong đó Trung Quốc kết hợp các lợi thế trong nước chẳng hạn như thị trường tiêu thụ rộng lớn và giá trị của sự tương tác với thế giới bên ngoài.

Thuật ngữ kinh tế này được đưa ra nhằm hồi sinh kinh tế Trung Quốc vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như căng thẳng thương mại với Mỹ đang diễn ra. Theo Katsuji Nakazawa, Trung Quốc muốn nhấn mạnh rằng, nước này mong có một chuỗi cung ứng ổn định và mạnh mẽ với Nhật Bản ở khu vực.

Nội dung trao đổi của ông Tập Cận Bình với ông Yoshihide Suga cho thấy, Nhật Bản đã được liệt vào kế hoạch phát triển mới của Trung Quốc.

Sự phát triển theo mô hình “chu kỳ kép” và hình hài của thuật ngữ này sẽ được thảo luận khi lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc nhóm họp vào ngày 26-29/10 trong phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19. Đây sẽ là một phần của các cuộc thảo luận lớn hơn liên quan đến kế hoạch 5 năm tiếp theo, có hiệu lực vào năm 2021. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ đặt ra các mục tiêu cho đến năm 2035.

Chính quyền ông Tập Cận Bình đang tìm cách đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm ít nhất khoảng 5% trong giai đoạn 5 năm tới. Nếu mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn này không đạt được sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn là “cơ bản hiện đại hóa Trung Quốc vào năm 2035” mà ông Tập Cận Bình đã đặt ra vào năm 2017. 

Nhưng nếu chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bị cắt đứt, thậm chí tăng trưởng kinh tế hàng năm 5% cũng khó đạt được. Như hiện tại, Trung Quốc sẽ khó có thể đặt ra bất kỳ kế hoạch dài hạn nào dựa trên chuỗi cung ứng kết nối trực tiếp với Mỹ

Theo truyền thống, các cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản vốn là nhiệm vụ của Thủ tướng Trung Quốc – ông Lý Khắc Cường. Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay đổi truyền thống lâu đời này cách đây hai năm, báo hiệu sự tiến bộ trong mối quan hệ Trung – Nhật.

Cuộc điện đàm hôm 25/9 là cuộc thảo luận qua điện thoại thứ hai của ông Tập Cận Bình với người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản. Lần đầu tiên diễn ra vào tháng 5/2018, khi ông Shinzo Abe được tái bổ nhiệm làm Thủ tướng. 

Cuộc điện đàm đầu tiên giữa người tiền nhiệm của ông Yoshihide Suga vào năm 2018 cũng diễn ra với thời lượng ngắn. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi tại cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Yoshihide Suga khi hai lãnh đạo đã nói chuyện kéo dài hơn 30 phút.

Chuyên gia Katsuji Nakazawa cho rằng, Trung Quốc không muốn làm tổn hại mối quan hệ của họ với Nhật Bản trong giai đoạn này. Bắc Kinh hiểu rằng, việc Tokyo tham gia vào khuôn khổ an ninh với Mỹ, Australia và Ấn Độ (nhóm QUAD) là nằm trong kỳ vọng của nước này. Xét cho cùng, Tokyo và Washington là đồng minh kéo dài hàng thập kỷ.

“Những gì Trung Quốc sẽ phải ngăn chặn là có những phát triển ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế của Bắc Kinh với Tokyo”, chuyên gia Katsuji Nakazawa cho hay.

Theo dự kiến, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 10. Ông từng là Đại sứ tại Nhật Bản và rất thông thạo các vấn đề của Nhật Bản. Việc thăm dò, đánh giá lập trường của chính quyền Suga về Trung Quốc sẽ nhiệm vụ, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Vương Nghị.

Ông Katsuji Nakazawa cho rằng, những động thái tích cực lôi kéo Nhật Bản của Trung Quốc sẽ là bài toán để đo khả năng ứng biến, xử lý tình huống đối với tân Thủ tướng Yoshihide Suga.

Nhật Bản đang phải chịu áp lực đưa ra lựa chọn khó khăn. Câu hỏi đang được đặt ra là liệu Tokyo có thể đi bao xa trong việc đáp ứng kế hoạch chi tiết của ông Tập Cận Bình cho tương lai, ngay cả khi chỉ về mặt kinh tế?

Dè chừng liên minh Mỹ ở khu vực

Đối với Chủ tịch Trung Quốc, việc “lôi kéo” được Nhật Bản thông qua kế hoạch phát triển theo chu kỳ kép là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi cố gắng thu hút Nhật Bản trên mặt trận kinh tế, ông Tập Cận Bình sẽ gặp khó khăn khi tách biệt giữa vấn đề thương mại và an ninh, bằng chứng là liên minh QUAD đang hình thành và được thúc đẩy mạnh mẽ.

Trong thời gian qua, Mỹ đã tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, gia tăng sức ép, kiềm chế Bắc Kinh trên nhiều mặt trận. Trong đó, Washington mong muốn nâng tầm “Bộ tứ kim cương” – nhóm QUAD thành NATO ở khu vực.

Theo chương trình dự kiến, nhóm “Bộ tứ kim cương” sẽ có cuộc họp vào tuần tới nhân chuyến đi của Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo đến Tokyo. Mỹ đang thúc đẩy vai trò lớn hơn nữa của nhóm QUAD ở khu vực, đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Điều này cũng nhận được sự ủng hộ từ ba thành viên còn lại.

Với những động thái khiêu khích, liên tục gây hấn đối với các nước láng giềng trong thời gian qua khiến cho Trung Quốc trở thành mục tiêu đối chọi, đã kích cũng như lên án của nhiều nước trong khu vực.

Đối với Ấn Độ, nước này đã có những hành động đáp trả mạnh mẽ đối với Bắc Kinh sau vụ động độ giữa binh lính hai nước ở khu vực biên giới Himalaya, khiến 20 người thiệt mạng vào hồi tháng 6. Theo đó, New Delhi đã cấm hàng loạt ứng dụng di động của Trung Quốc. TikTok sau đó nhanh chóng biến mất ở Ấn Độ, mặc dù nó đã được tải xuống hơn 600 triệu lần, vượt quá số lượt tải xuống ở Mỹ.

Ngoài Ấn Độ, cuộc đối đầu Trung Quốc – Australia cũng đang leo thang, quan hệ kinh tế, nhân quyền, tự do báo chí và an ninh đều có vấn đề.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang cung cấp tài chính cho các công ty đưa hoạt động sản xuất ở Trung Quốc về nước. Trong ngân sách bổ sung đầu tiên cho năm tài chính 2020, bắt đầu vào tháng 4, chính phủ nước này đã dành 240 tỷ Yên (2,27 tỷ USD) để tổ chức lại chuỗi cung ứng cho các sản phẩm quan trọng mà Nhật Bản hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Các khoản trợ cấp “thoát khỏi Trung Quốc” sẽ làm gián đoạn sản xuất và phân phối toàn cầu trong bối cảnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, động thái này của chính quyền Nhật Bản nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp và dư luận trong nước.

Kết quả cuộc khảo sát chung do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản và Nikke Asian Review thực hiện gần đây, khoảng 60% những người được hỏi cho biết họ ủng hộ chính sách của chính phủ trong việc khuyến khích các công ty nước này về Nhật Bản.

Cuộc khảo sát được thực hiện trên 3.000 người đang làm việc tại các công ty của Nhật Bản và hơn 40% trong số họ trả lời rằng tầm quan trọng của Trung Quốc như một trung tâm sản xuất sẽ giảm trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới