Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐiểm tinXung đột Trung- Ấn – Tuyên bố 1959 được nhắc lại làm...

Xung đột Trung- Ấn – Tuyên bố 1959 được nhắc lại làm gì?

Nhắc lại tuyên bố đơn phương năm 1959 về phạm vi đường kiểm soát thực tế (LAC) ở biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc có thể gây áp lực lên các điểm tranh chấp hiện tại.

Ấn Độ và Trung Quốc đang có nhiều vòng đàm phán để giảm căng thẳng dọc biên giới.

Hôm 29/8, một ngày trước khi các nhà ngoại giao Ấn Độ và Trung Quốc gặp nhau trong cuộc gặp thường xuyên để bàn luận về vấn đề tranh chấp biên giới, Bắc Kinh tuyên bố sẽ chỉ tuân theo một đường biên giới “rất rõ ràng” được cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đưa ra năm 1959.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “Đường biên giới LAC giữa Trung Quốc-Ấn Độ rất rõ ràng, đó là LAC (đã được tuyên bố) vào ngày 7/11/1959. Trung Quốc thông báo nó vào những năm 1950, và cộng đồng quốc tế và Ấn Độ đều biết điều này”.

Việc xác định đường biên giới này được đề cập trong thư ông Chu gửi Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Jawaharlal Nehru, ngày 7/11/1959, đề xuất “mỗi bên rút 20 km từ nơi gọi là đường McMahon phía Đông, và từ đó mỗi bên thực hiện hoạt động kiểm soát ở phía Tây”. Ông Nehru và chính phủ Ấn Độ đã từ chối đề xuất này.

Joe Thomas Karackattu, phó giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Công nghệ Madras Ấn Độ cho biết đề xuất có thể khiến Ấn Độ “mất hơn 6.000 dặm vuông” (hơn 15.500 km 2).

Trong quá trình hai bên làm việc ở cấp độ chuyên gia về đường biên giới, họ thấy rằng Ấn Độ và Trung Quốc có 12 điểm khác biệt liên quan đến các diện tích đáng kể. Hai bên trao đổi các bản đồ khu vực phía Tây ngày 17/6/2002 nhưng Trung Quốc đã rút lui vào thời điểm cuối cùng, theo báo Ấn Độ Hindustan Times.

Theo các nhà quan sát về Trung Quốc, với 6 trong số 12 điểm khác biệt hiện đang rơi vào tranh chấp, quân đội Trung Quốc có thể tiếp tục tấn công vào 6 điểm còn lại bao gồm Samar Lungpa, Demchok và Chumar để nhấn mạnh tuyên bố đã bị Ấn Độ bác bỏ.

Rajiv Bhatia, cựu đại sứ Ấn Độ và hiện là thành viên tổ chức nghiên cứu Mumbai, cho biết việc Bắc Kinh nhắc lại yêu sách cũ có thể là một chiến thuật gây áp lực. Bhatia nói: “Ý nghĩa của thời điểm đưa ra tuyên bố là nó có thể ám chỉ rằng việc giải tán binh lính ở biên giới có thể sẽ không diễn ra trong vài tháng tới”.

Trung tướng đã nghỉ hưu Rakesh Sharma, người chỉ huy Quân đoàn Fire and Fury (Hỏa lực và Phẫn nộ) của Ấn Độ chịu trách nhiệm về khu vực Ladakh vào năm 2013, cho biết việc không rút quân tại LAC giúp Bắc Kinh duy trì sự hiện diện của quân đội dọc theo đường yêu sách cũ.

Ông nói: “Nếu ai đó vạch ra đường yêu sách của Trung Quốc năm 1959 trên mặt đất, có thể thấy quân đội Trung Quốc đang gần như chiếm hết những khu vực đó… Từ đó, Trung Quốc có thể xoay chuyển và bác bỏ lời kêu gọi của Ấn Độ về việc khôi phục nguyên trạng, bởi vì theo họ, họ đang ở ranh giới yêu sách truyền thống của mình”.

Quyết định tái xác nhận LAC năm 1959 của Trung Quốc cũng đặt ra một dấu hỏi về các thỏa thuận khác nhau mà cả hai bên đã ký kết về vấn đề biên giới. Khi những thỏa thuận này vì lí do tranh chấp mà không được thực hiện đầy đủ, khu vực sẽ trở nên nguy hiểm và bất ổn định hơn, theo các chuyên gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới