6 tháng qua, Vietjet lỗ vận tải hàng không hơn 1.440 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch, trong khi lãi gộp là 47 tỷ đồng.
Trong bối cảnh vắng khách trong mùa dịch, 6 tháng đầu năm, Vietjet đã khai thác 300 chuyến bay
chuyên chở hàng hóa, tận dụng tối đa năng lực đội bay
Trong khi đa số các hãng hàng không trong và ngoài nước lỗ nặng vì Covid-19 thì 6 tháng qua, Vietjet lỗ vận tải hàng không hơn 1.440 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch, trong khi lãi gộp là 47 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 10.970 tỉ đồng, giảm 55% so với cùng kì năm ngoái. Lỗ từ hoạt động vận tải hàng không 1.440 tỉ đồng.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet cho biết, đây là lần đầu tiên Vietjet lỗ vận tải hàng không trong 9 năm hoạt động, kể từ tháng 12/2011.
Câu hỏi đặt ra là Vietjet đã làm gì để vượt qua cao điểm đại dịch với thiệt hại thấp như vậy? Và tại sao hãng đang là điểm sáng phục hồi nhanh, được khách hàng và nhà đầu tư tin tưởng, đánh giá cao?
Trả lời trực diện câu hỏi này, bà Phương cho hay, Vietjet đã cắt giảm chi phí đến 55% trong 6 tháng đầu năm. Điển hình là đã thương thảo và được hỗ trợ giãn, hoãn nợ, giảm lãi với các đối tác là ngân hàng, đơn vị cho thuê máy bay; lãnh đạo, quản lý của hãng tình nguyện giảm lương từ 50-70%, nhưng không giảm lương của những lao động có mức thu nhập thấp.
Đặc biệt, hãng hàng không có doanh thu phụ trợ tốt thứ 12 trên thế giới này rất nhanh nhạy trong kinh doanh và tối ưu hóa chi phí. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, ngành hàng không đã chứng kiến giá xăng thế giới chạm đáy ở mức 25 USD/ thùng. “Nắm cơ hội này, Vietjet đã mua trữ trên 100.000 tấn dầu, giúp hỗ trợ giảm chi phí. Nhiên liệu chiếm tới hơn 50% tổng số chi phí, do vậy việc dự trữ này có ý nghĩa rất lớn với Vietjet”, nữ Phó tổng giám đốc cho hay.
Bên cạnh đó, chương trình tăng cường vận tải hàng hoá bằng đường hàng không cũng giúp Vietjet có thêm doanh thu giữa bối cảnh thiếu vắng hành khách. Vietjet là hãng đầu tiên được cấp phép chở hàng hóa trên khoang khách trong dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietjet đã khai thác 300 chuyến bay chuyên chở hàng hóa, tận dụng tối đa năng lực đội bay. Kế đó, Vietjet đã phải chuyển nhượng các dự án đầu tư tài chính đã tích luỹ trong nhiều năm qua để bù đắp dòng tiền thiếu hụt và duy trì hoạt động kinh doanh chính là hàng không.
“Nếu chúng tôi nắm giữ thì sẽ mang lại lợi ích trong tương lai, nhưng chúng tôi cũng đã phải chuyển nhượng trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành để tập trung nguồn vốn cho vận tải hàng không”, lãnh đạo Vietjet cho biết.
Ngoài ra, theo bà Phương, CBCNV của Vietjet tại tất cả các đầu cảng quốc tế và Việt Nam đều phải thực thi quy định, quy trình phòng chống dịch nghiêm ngặt ngay từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán. Nhờ vậy, hãng đã đảm bảo an toàn hoạt động tuyệt đối, đến nay không có khách hàng hay nhân viên nào của Vietjet dương tính với Covid-19.
Hiện nay, một mặt mong chờ sự hỗ trợ của Chính phủ về giảm thuế, phí, vốn vay lãi suất thấp… mặt khác, hãng đang tiếp tục tối ưu chi phí và áp dụng nhiều giải pháp để chặn đà suy kiệt dòng tiền hoạt động. Điển hình là hãng đã mang đến những trải nghiệm mới với hạng vé SkyBoss nâng cấp và Deluxe trên toàn mạng bay. Hãng tung ra gói POWER PASS SkyBoss với nhiều ưu đãi, giá cạnh tranh…
Mới đây, khi Chính phủ đồng ý việc mở lại đường bay tới một số nước kiểm soát tốt dịch bệnh như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vietjet đã nhanh chóng công bố kế hoạch bay quốc tế trở lại cùng những trải nghiệm mới vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương nhận định, việc mở lại các đường bay quốc tế có ý nghĩa rất lớn vì chiến lược phát triển của Vietjet là trở thành một hãng hàng không đa quốc gia.
“Trong những năm qua khi chưa có Covid-19, vận tải hàng không quốc tế đóng góp 50% tổng doanh thu của Vietjet”. Vậy nên, khi mở lại đường bay quốc tế, Vietjet sẽ có cơ hội tăng doanh thu, mang lại việc làm ổn định cho 6.000 lao động công ty. Ngành hàng không nói chung cũng tăng trưởng được doanh thu và mang lại việc làm cho hơn 30.000 người lao động.
Theo bà Phương, Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng vào thị trường thế giới. Việc mở lại các đường bay quốc tế sẽ tác động đến hầu khắp lĩnh vực của nền kinh tế, giúp kết nối giao thương, đầu tư, phục hồi du lịch, dịch vụ. Đồng thời, loại hình giao thông huyết mạch quan trọng nhất của hội nhập quốc tế này còn đáp ứng nhu cầu đi lại giữa các quốc gia, khôi phục chuỗi liên kết giáo dục – đào tạo, khám chữa bệnh… bị đứt gãy trong thời gian qua, góp phần phục hồi nền kinh tế nước ta và nâng cao đời sống nhân dân.