Đó là nhận định của giới chuyên gia luật quốc tế trước các diễn biến liên quan vấn đề pháp lý của Biển Đông gần đây.
Tối 4.10, Tân Hoa xã dẫn lời Phó thủ tướng Campuchia Hor Namhong kêu gọi các nước bên ngoài khu vực tránh “khiêu khích” về vấn đề Biển Đông và cho rằng bất kỳ tranh chấp nào cũng cần được giải quyết hòa bình.
Ông Namhong nói: “Các cường quốc bên ngoài nên đóng góp vào hòa bình trong khu vực và tránh thổi phồng các tranh chấp”.
Bước tiến tích cực
Phát biểu của ông Hor Namhong không trực tiếp đề cập “các cường quốc bên ngoài” là những nước nào. Tuy nhiên, vừa qua, nhiều nước như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức… cũng như một số quốc gia Đông Nam Á đã đệ trình văn bản lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này.
GS luật quốc tế Jonathan G.Odom thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch-Partenkirchen (Đức) đánh giá việc Anh, Pháp và Đức trình công hàm chung lên LHQ về Biển Đông là một bước tiến tích cực.
“Lâu nay, Trung Quốc vẫn tuyên truyền về vấn đề Biển Đông xoay quanh 2 điểm nổi bật: Thứ nhất, đây là tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á; Thứ hai, việc Mỹ can dự vào vấn đề này là “sai chỗ”. Đúng là tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á. Nhưng cách Bắc Kinh mô tả về bất đồng Mỹ – Trung tại đây là không đúng. Thực tế, không chỉ có Mỹ mà còn Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có lợi ích liên quan Biển Đông, bao gồm duy trì an ninh, ổn định cho khu vực cũng như đảm bảo luật pháp quốc tế và tự do hàng hải tại đây. Công hàm chung của Anh, Pháp và Đức chứng minh nhiều quốc gia khác, bao gồm cả nhiều nước châu Âu, có lợi ích ở Biển Đông, chứ không phải chỉ tồn tại cạnh tranh Mỹ – Trung”, ông Odom phân tích.
Tương tự, cũng trả lời Thanh Niên, GS James Kraska (chuyên gia về luật Hàng hải quốc tế – Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định: “Việc nhiều nước trình văn bản lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là một bước ngoặt, nhưng đáng tiếc là diễn ra trễ. Lẽ ra, các động thái này phải được tiến hành từ năm 2016. Tuy nhiên, muộn còn hơn không và có lẽ phải mất một thời gian dài mới hy vọng Trung Quốc thay đổi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Để làm được điều đó, cần những tuyên bố mạnh mẽ hơn nữa từ Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh… cũng như sự lên tiếng của một số nước khác như Nga, Israel… Tiếp đến, cộng đồng quốc tế cần phối hợp lên tiếng ở các diễn đàn quốc tế như LHQ”.
Từ đó, ông Kraska cho rằng các nước nên tiếp tục phát triển và thắt chặt hợp tác về an ninh lẫn kinh tế để cùng ứng phó với các hành vi của Trung Quốc.