Trong buổi tranh luận tổng thống đầu tiên với Biden, Trump đã chỉ đích danh bên chịu trách nhiệm cho đại dịch Covid-19 là Trung Quốc.
“Đây là lỗi của Trung Quốc và chuyện này đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra”, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong buổi tranh luận trực tiếp hôm 29/9, trước khi gọi Covid-19 là “dịch bệnh Trung Quốc”.
Nhiều tháng qua, ông chủ Nhà Trắng cũng không ngừng chỉ trích sai lầm ban đầu của Trung Quốc trong kiểm soát đại dịch, đổ lỗi cho nước này vì những hậu quả mà toàn cầu đang phải gánh chịu, đặc biệt là Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 7,6 triệu ca nhiễm và gần 215.000 người chết, nền kinh tế lao dốc và hàng triệu người thất nghiệp.
Ba ngày sau buổi tranh luận, Trump thông báo ông và phu nhân Melania dương tính với nCoV. Vài trợ lý thân cận khác của ông như Hope Hicks, Nicholas Luna, hay giám đốc chiến dịch tranh cử Bill Stepien, cũng nhiễm virus.
Những lời công kích của Trump khiến Bắc Kinh tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bác bỏ, đồng thời cho rằng chính Mỹ đã xử lý Covid-19 một cách sai lầm. Trên thực tế, Trung Quốc được đánh giá kiểm soát đại dịch tốt hơn nhiều so với Mỹ. Phần lớn chuyên gia cũng phản đối cách chính quyền Trump giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe.
Trung Quốc đang trong “tuần lễ vàng”, kỳ nghỉ kéo dài từ ngày 1 đến 7/10, nhân dịp quốc khánh và Tết Trung thu. Theo dự báo, hàng trăm triệu người sẽ đi du lịch trong thời gian này, bằng chứng cho thấy đất nước hầu như đã hồi phục sau đại dịch.
Theo bình luận viên James Griffiths của CNN, một số học giả, nhà bình luận Trung Quốc ban đầu tỏ ra “hả hê” với việc Trump nhiễm nCoV, sau khi ông chủ Nhà Trắng liên tục chĩa mũi dùi công kích vào Bắc Kinh, gây tổn hại quan hệ song phương và đặt ra mối nguy với cộng đồng người Mỹ gốc Trung Quốc.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, thông tin Tổng thống Trump nhiễm nCoV thu hút hàng triệu bình luận và lọt top được tìm kiếm nhiều nhất. Nhiều người dùng Weibo thậm chí còn đùa rằng đây là “món quà cho ngày quốc khánh” của Trung Quốc.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Global Times thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 2/10 viết trên Twitter rằng vợ chồng ông Trump “đã trả giá vì canh bạc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19”.
Tuy nhiên, bài đăng này sau đó nhanh chóng bị xóa, thay thế bằng tuyên bố từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. “Thật buồn khi biết tin Tổng thống và Đệ nhất phu nhân Mỹ dương tính với nCoV. Hy vọng họ hồi phục nhanh chóng và ổn định sức khỏe”, bà Hoa viết trên Twitter.
Khác với mạng xã hội, thông tin Trump nhiễm nCoV không được nằm ở vị trí nổi bật trên hầu hết trang tin tức chính thống của Trung Quốc. Tài khoản mạng xã hội của những cơ quan lớn, bao gồm Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và People’s Daily, đã tắt tính năng bình luận các bài đăng về Trump. Xinhua hôm 3/10 cũng dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chúc vợ chồng Tổng thống Mỹ mau khỏe.
Những động thái này dường như cho thấy sự thận trọng và lo lắng của Trung Quốc trước việc ông Trump nhiễm nCoV. Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh, cũng như những đối thủ khác của Washington, có lẽ đang cân nhắc kỹ lưỡng phản ứng sắp tới của họ. Thêm vào đó, ông Tập được cho là thường không hành động một cách đột ngột và sẽ tránh khiêu khích Mỹ lún sâu vào cuộc đối đầu gay gắt hơn.
“Do ông Trump đang điều trị ở Walter Reed, thời điểm này có thể là cơ hội để Trung Quốc đưa ra động thái đột phá. Tuy nhiên, họ cũng có khả năng đánh giá đây thực sự là thời điểm nguy hiểm và nhạy cảm”, Shelley Rigger, chuyên gia chính trị Đông Á tại Đại học Davidson, Mỹ, nhận định. “Tôi dự đoán Bắc Kinh sẽ nhìn nhận tình hình bằng cái đầu lạnh và không tỏ ra vui mừng vì ông Trump nhiễm nCoV”.
Trung Quốc gần đây còn kêu gọi các chính trị gia Mỹ không biến họ thành chủ đề chính trong bầu cử tổng thống, nhưng diễn biến này dường như khó có thể đảo ngược. Bình luận viên Griffiths nhận định Trump giờ đây thậm chí có thể cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh, dựa trên quan điểm mà ông luôn thúc đẩy là Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho Covid-19.
Liu Weidong, chuyên gia thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đánh giá việc nhiễm nCoV ẩn chứa cả lợi và hại với Tổng thống Trump. “Điều lợi là ông ấy có thể dùng nó để chứng minh rằng đã làm việc cật lực vì đất nước tới mức nhiễm virus. Các cử tri sẽ ủng hộ ông ấy”, Liu nêu ý kiến.
“Mặt tiêu cực là ông ấy không thể trực tiếp xuất hiện tại nhiều sự kiện của chiến dịch tranh cử nhằm thu hút ủng hộ. Nhưng dù thế nào đi nữa, việc nhiễm nCoV vẫn tạo lý do để Trump tiến hành chiến thuật tấn công Trung Quốc”, chuyên gia nói thêm.
Một số người cánh hữu của Mỹ đang đi theo hướng này. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kelly Loeffler hôm 2/10 viết trên Twitter rằng “Trung Quốc đã truyền virus cho Tổng thống của chúng tôi. Chúng ta phải bắt họ chịu trách nhiệm”.
Blair Brandt, người gây quỹ cho chiến dịch tái tranh cử của Trump, cũng tuyên bố Trung Quốc “đã tấn công Tổng thống về mặt sinh học”. Trong khi đó, nghị sĩ Cộng hòa Mark Walker đặt ra vấn đề rằng liệu có nên đánh giá Trung Quốc đã “chính thức can thiệp bầu cử” hay không.
Trước khi Trump thông báo nhiễm nCoV, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải viết trên Twitter rằng mối quan hệ bền vững và ổn định “nằm trong lợi ích của cả hai quốc gia và cần thiết cho mục tiêu hưng thịnh của Trung Quốc”.
Griffiths chỉ ra rằng Bắc Kinh luôn đặt sự ổn định lên trên tất cả. Tuy nhiên, bất kể sức khỏe của ông Trump diễn biến ra sao, kết quả dương tính nCoV của Tổng thống Mỹ vẫn sẽ đe dọa sự ổn định đó, bình luận viên đánh giá.