Tờ Nikkei Asia của Nhật đã có cuộc phỏng vấn với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước cuộc gặp của Bộ tứ tại Tokyo hôm thứ Ba (6/10).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi
Dưới đây là một phần nội dung cuộc phỏng vấn:
Để bắt đầu, xin cho phép tôi hỏi về tình trạng sức khỏe của tổng thống, và tác động của nó đối với công việc ngoại giao của Hoa Kỳ?
Tôi đã có cơ hội nói chuyện với tổng thống ngay trước khi cất cánh từ Washington. Chúng tôi đã nói chuyện trong khoảng một tiếng rưỡi. Chúng tôi đã trao đổi tất cả các chủ đề. Tổng thống có vẻ có tinh thần tốt. Ông đã cẩn thận cung cấp tất cả những chỉ dẫn cho tôi như trước đây, và tổng thống rất vui khi tôi có thể đến đây và đích thân chúc mừng Thủ tướng Suga [Yoshihide] nhậm chức.
Chính sách ngoại giao của Mỹ hiện nay rất mạnh mẽ và đã kéo dài 4 năm rồi. Tôi hiểu các mục tiêu của tổng thống và chúng tôi đang nỗ lực hướng tới mục tiêu đó. Tôi rất vui khi biết tổng thống hiện đã trở lại Nhà Trắng, và có vẻ như ông ấy đã khá hơn. Chúng tôi rất vui mừng về điều đó và tôi tin tưởng rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tiếp tục giống như ba năm qua.
Xin bắt đầu với chủ đề Bộ Tứ (Quad). Sẽ có một cuộc họp 4 ngoại trưởng lần hai tới đây. Bộ tứ đang phát triển và có nhiều quốc gia khác có cùng mối quan tâm về an ninh trong khu vực này. Ngài nghĩ Bộ Tứ nên phát triển như thế nào để trở thành khuôn khổ an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hàng đầu cho tương lai?
Tôi tin rằng Bộ Tứ đã được chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh tính hữu ích và hiệu quả của nó trong việc cung cấp tất cả các công cụ và dụng cụ để đảm bảo sự thịnh vượng và tự do trong khu vực, tại một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Bạn biết đấy, chúng tôi chia sẻ nhiều điểm chung. Chúng tôi đều có chung nền dân chủ, đều có chung sức mạnh kinh tế lớn. Đây là những nước rất có sức mạnh với nền kinh tế phát triển và bộ máy an ninh có năng lực, và đó thực sự là một điều đáng lưu tâm. Không chỉ Bộ Tứ đã cải thiện khả năng phối hợp với nhau, mà anh có thể thấy ở Nhật Bản, chúng tôi đang ngày càng thân thiết hơn, Úc và Nhật Bản đang ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Tổng thống Trump đã nói rõ rằng không phải mọi thể chế đa phương đều là tốt. Quan trọng là liệu nó có thực sự mang lại lợi ích, thành công và thỏa thuận tốt cho tất cả các thành viên hay không. Đây mới chỉ là lần thứ hai bốn Bộ trưởng gặp nhau, nhưng tôi tin rằng hôm nay chúng tôi sẽ đưa ra những cách thức thiết thực để bắt đầu thực hiện những điều chúng tôi có thể làm cùng nhau.
Anh có thể hỏi rằng liệu có những quốc gia khác có tiềm năng trở thành một phần của thể chế này hay không? Anh biết đấy, vào thời điểm thích hợp, một khi chúng tôi sẽ cùng nhau thể chế hóa những gì chúng tôi đang làm, cả bốn nước chúng tôi, thì chúng tôi có thể bắt đầu xây dựng một khuôn khổ an ninh thực sự, một kết cấu có thể chống lại thách thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tất cả chúng ta.
Liệu thông qua thể chế hóa, Bộ Tứ có thể trở thành một khuôn khổ an ninh hay không?
Hãy nhớ khi bàn đến chủ đề an ninh, thì ở đây bao gồm năng lực kinh tế và tính pháp quyền, khả năng bảo vệ tài sản trí tuệ, các hiệp định thương mại, các mối quan hệ ngoại giao – tất cả những yếu tố hình thành nên một khuôn khổ an ninh. Nó không chỉ là yếu tố quân sự. Nó sâu và rộng hơn thế nhiều. Đó là loại quyền lực mà các nước dân chủ sở hữu nhưng các chế độ độc tài không bao giờ có được.
Về vấn đề Đài Loan, như chúng tôi quan sát, trao đổi giữa Hoa Kỳ và Đài Loan đã gia tăng. Đã có các chuyến thăm cấp bộ trưởng giữa hai nước và sự thiết lập chặt chẽ quan hệ kinh tế Mỹ-Đài. Trong bối cảnh này, ngài có mong muốn đến thăm Đài Loan trong nhiệm kỳ của mình không?
Hoa Kỳ đã có mối quan hệ lâu dài với Đài Loan. Chúng tôi hoạt động dưới cùng một bộ nguyên tắc và cam kết. Đáng buồn thay, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại từ chối thực hiện những cam kết mà họ đã đưa ra. Bộ nguyên tắc của Trung Quốc, cho dù đó là những gì họ hứa với người dân Hồng Kông khi nói: “Này, trong 50 năm tới, các vị có thể có thỏa thuận này [nền tự trị cao độ]”, nhưng sau đó họ đã thất hứa. Họ đã hứa với Tổng thống [Barack] Obama sẽ không vũ khí hóa Biển Đông, nhưng họ ngay lập tức tiếp tục vi phạm những lời hứa đó.
Những gì nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã làm là chúng tôi thực sự tập trung vào vấn đề an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tự do cho các quốc gia ở khu vực này. Chúng tôi đã cung cấp các kết quả hỗ trợ thực tế, thiết thực.
Chính quyền Obama đã nói về việc “xoay trục sang châu Á”. Không có nhà lãnh đạo châu Á nào nói với tôi rằng họ đã thấy bất cứ thành quả nào từ chính sách này. Thay vào đó, hiện chúng tôi đã và đang thực hiện một sứ mệnh rất trực tiếp, rất trực diện khi hỗ trợ các quốc gia này, chúng tôi sẽ xây dựng và làm việc với các quốc gia [ASEAN], chúng tôi sẽ làm việc và hợp tác kinh tế với khu vực [Châu Á-Thái Bình Dương], chúng tôi sẽ phối hợp với đồng minh của chúng tôi trong Bộ Tứ.
Chúng tôi sẽ thiết lập một loạt các mối quan hệ toàn diện. Những mối quan hệ được kiến tạo dựa trên sự nồng ấm giữa người Mỹ và người Nhật, những điều đó cho phép chúng tôi làm việc cùng nhau theo những cách thức mà Trung Quốc không bao giờ có thể đạt tới. Chúng tôi sẽ nỗ lực phát triển các mối quan hệ đó để có thể mang lại một Nhật Bản thịnh vượng hơn, an toàn hơn, một khu vực thịnh vượng và an ninh hơn cũng như một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn, an ninh hơn, ổn định hơn.
Nếu có căng thẳng quân sự gia tăng ở eo biển Đài Loan, nếu Trung Quốc đơn phương tấn công Đài Loan, theo ông, Mỹ có sẵn sàng can thiệp quân sự không?
Chúng tôi đang làm mọi cách để giảm bớt căng thẳng ở đó. Đó là sứ mệnh của Tổng thống Trump trên toàn thế giới. Chúng tôi mong muốn mang lại hòa bình, chứ không phải xung đột. Kẻ đáng phải cảm thấy hổ thẹn là Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tôi có thể chỉ điểm quá nhiều [nơi] – cho dù đó là những thách thức mà họ đang mang đến cho Việt Nam, nước này chỉ muốn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của họ; hay đối với Nhật Bản, nơi bị họ đe dọa và bị buộc phải điều chiến đấu cơ đến bảo vệ quần đảo Senkaku với tần suất lớn; những gì đang xảy ra trên dãy Himalaya – đây là sự bắt nạt của Trung Quốc [đối với Ấn Độ]. Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh để cưỡng chế [trong những trường hợp này]. Đây không phải là hành vi của các cường quốc.
Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi, nước Mỹ, là giảm thiểu điều đó. Điều cuối cùng tôi muốn nói là, chúng tôi nhận ra rằng nhân nhượng không phải là câu trả lời. Nếu bạn cứ quỳ gối mỗi khi Đảng Cộng sản Trung Quốc có hành động trên khắp thế giới, bạn sẽ phát hiện thấy mình phải càng quỳ gối với tần suất lớn hơn. Vì vậy, cùng với các đối tác ngoại giao, chúng tôi đã phản kháng lại việc này một cách nghiêm túc.
Quân đội của chúng tôi đã hoạt động rất tích cực trong khu vực, tăng cường sự hiện diện để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đây là những việc mà chúng tôi làm, cho dù đó là Đài Loan hay thách thức [của Trung Quốc] đối với Nhật Bản, Mỹ sẽ là một đối tác tin cậy để đảm bảo an ninh ở mọi khía cạnh.
Mỹ mong đợi điều gì từ Nhật Bản để có thể hợp tác chặt chẽ hơn? [Yếu tố] đang thiếu nhất trong hợp tác giữa Mỹ và Nhật là gì?
Chúng ta đã hợp tác ở rất nhiều phương diện. Trước hết, khái niệm của chúng tôi về “Mạng Sạch (Clean Network)” không khác mấy so với mong muốn của người Nhật. Tôi muốn đảm bảo rằng người dân Nhật không để dữ liệu của họ rơi vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là một điều không tốt và nguy hiểm. Chúng tôi đều nói điều đó với các quốc gia trên toàn thế giới. Điều này không phải mà mâu thuẫn Mỹ-Trung đâu. Đây là vấn đề dữ liệu cá nhân [của người dân các nước] không rơi vào tay bộ máy an ninh quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đây là điều mà tất cả quốc gia đều muốn, cho dù đó là Mạng Sạch hay sự đẩy lùi của chúng tôi đối với các doanh nghiệp nhà nước như Huawei. Họ [Trung Quốc] đi đến các nước và chào hàng một đề xuất kinh doanh không gì khác hơn là một mạng lưới công nghệ của chính quyền Trung Quốc, có khả năng phá hoại tự do và chủ quyền quốc gia tại các nước mà nó được thiết lập và hoạt động.
Đây là những lĩnh vực mà Nhật Bản có một đội ngũ an ninh giỏi và có năng lực mạnh, bên cạnh một nền kinh tế năng động, đổi mới, sáng tạo. Đó là những lĩnh vực mà tất cả chúng có thể phối hợp với nhau để mỗi chúng ta ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Và tôi cũng muốn nói rằng Nhật có đủ vốn để thúc đẩy các doanh nghiệp trở về nước [từ Trung Quốc]. Nhờ đó, sức mạnh cưỡng chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị suy giảm đáng kể.