Việc China Evergrande, phải giảm 30% giá bán căn hộ, biệt thự để có tiền trả nợ cho thấy bức tranh nợ nần của bất động sản Trung Quốc.
China Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc hồi tháng 9 thông báo triển khai chiến dịch giảm giá 30% giá bán căn hộ, biệt thự… ở tất cả dự án của tập đoàn này trên toàn quốc trong vòng một tháng.
Hiện China Evergrande có 817 dự án trên khắp Trung Quốc và có thêm 40 dự án mới được mở bán trong thời gian của chiến dịch giảm giá.
Chủ tịch China Evergrande Hui Ka Yan cho biết mục đích của chiến dịch giảm giá là cắt giảm tỷ lệ nợ của tập đoàn.
Theo thông tin gây rúng động dư luận trước đó, China Evergrande là công ty bất động sản có nợ vay lớn nhất ở Trung Quốc với tổng cộng gần 123 tỷ USD và đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tiền mặt.
Riêng nợ ngắn hạn (thanh toán trong vòng một năm) của tập đoàn đến ngày 30/6 lên tới 58 tỷ USD, theo S&P Global Ratings.
Động thái giảm giá đồng loạt ở tất cả dự án như vậy là điều bất thường đối với ngành bất động sản Trung Quốc. Thị trường này vốn rất thận trọng với việc giảm giá bán, vì lo sợ sẽ gây phẫn nộ cho các khách hàng đã mua với giá cao trước đó, đặc biệt trong bối cảnh các tài sản cố định như bất động sản được xem là nơi bảo toàn tài sản an toàn nhất.
Theo Giám đốc Viện Phát triển và Nghiên cứu E-house China ở Thượng Hải Yan Yuejin, chiến dịch giảm giá của China Evergrande báo hiệu cuộc chiến giá trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã bắt đầu.
Tình trạng của China Evergrande đã cho thấy bức tranh nợ nần nghiêm trọng của giới doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc.
Giá bất động sản ở Trung Quốc phục hồi nhanh sau khi chính phủ Trung Quốc ngừng các biện pháp chống đại dịch Covid-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế.
Bất chấp thực tế ấy, giới chức vẫn khống chế hoạt động vay tiền của các nhà phát triển bất động sản bằng những quy định về tỉ lệ nợ trên dòng tiền mặt, tài sản và vốn. Giới truyền thông gọi đây là “3 làn ranh đỏ” đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Số liệu thống kê của Refinitiv cho thấy giới phát triển bất động sản Trung Quốc vay 46,23 tỷ USD bằng phát hành trái phiếu hồi năm ngoái, cao gấp đôi năm 2018.
Suốt nhiều năm qua, hàng nghìn người dân Trung Quốc và nhà đầu tư quốc tế ráo riết mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát triển bất động sản Trung Quốc với niềm tin rằng nhóm doanh nghiệp đó có tiềm lực lớn đến mức không thể sụp đổ kể cả khi gặp khủng hoảng, theo Washington Post.
Đợt bán tháo mạnh mẽ trên toàn thế giới vào tháng 3 vừa qua vẫn không khiến các ngân hàng tư nhân Trung Quốc dao động. Họ tiếp tục động viên nhiều khách vay giàu không nên lo lắng quá, mà nên tiếp tục giữ trái phiếu và cổ phiếu doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc.
Giới xếp hạng tín dụng xếp trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc vào nhóm “rác” do nguy cơ vỡ nợ cao. Số liệu thống kê của ANZ Research cho thấy doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc sẽ phải chi hơn 77 tỷ USD để trả nợ trái phiếu trong nước trong năm 2021, cao hơn 16% so với năm nay.
Ngoài ra, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cũng sẽ phải trả nợ trái phiếu 50 tỷ USD cho các nhà đầu tư nước ngoài trong năm sau.
Do thiếu tiền mặt, các công ty bất động sản Trung Quốc sẽ lại phải phát hành trái phiếu để huy động vốn. Song quy định “ba lằn ranh đỏ” của chính phủ Trung Quốc sẽ khiến các tập đoàn bất động sản không thể tiếp cận nguồn tiền mặt dễ dàng như trước đây.
Nguy cơ bất động sản sụt giá, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vỡ nợ cũng làm dấy lên nỗi lo lắng về nợ xấu của các ngân hàng thương mại Trung Quốc. Bởi khi ấy, các ngân hàng thương mại buộc phải chuyển rất nhiều khoản nợ thành nợ xấu.
Đầu tháng 9 vừa qua, Bloomberg cho biết, hệ thống ngân hàng 45.000 tỷ USD của Trung Quốc đang chứng kiến lợi nhuận sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng hơn một thập kỷ và nợ xấu chạm ngưỡng kỷ lục.
Báo này dẫn số liệu của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC): các khoản nợ xấu đã chạm ngưỡng kỷ lục 2.700 tỷ NDT (395 tỷ USD) vào tháng 6.
Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm nhanh trong vòng hai năm qua. Đây là hệ số đo lường các khoản dự phòng đối với nợ xấu trong tương lai. Tỷ lệ nợ xấu tại bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã tăng từ 1,26% vào năm ngoái lên mức trung bình 1,45% cuối tháng 6.
Đáng lưu ý, việc Trung Quốc cho phép nhiều doanh nghiệp đi vay hoãn trả lãi và gốc đến tháng 3 năm sau để ứng phó với đại dịch đã che giấu việc núi nợ đang ngày càng phình to.
Lãi suất cho vay trung bình đối với các doanh nghiệp nhỏ đã giảm xuống còn 5,94% trong nửa đầu năm, giảm 76 điểm cơ bản so với năm 2019. Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cho biết những khoản cho vay của ngân hàng này đã chạm ngưỡng kỷ lục 1.000 tỷ NDT (146.50 tỷ USD) trong nửa đầu năm.