Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTham vọng lãnh đạo thế giới của TQ còn rất xa vời

Tham vọng lãnh đạo thế giới của TQ còn rất xa vời

Nhà nghiên cứu Nicholas Ross Smith cho rằng nếu không cân bằng hai “cuộc chơi” trong nước và quốc tế, tham vọng đi đầu thế giới của Trung Quốc sẽ còn xa vời.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố tháng 10, nhiều quốc gia – chủ yếu là phương Tây – có “quan điểm tiêu cực” với Trung Quốc.

Trong số 14 quốc gia được khảo sát, tỷ lệ người trả lời “không tin tưởng vào việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ làm điều đúng đắn liên quan đến các vấn đề thế giới” dao động từ 70% ở Hà Lan đến 84% ở Nhật Bản. Đây là một bước nhảy vọt đáng kể so với năm 2019 (50-60% đối với hầu hết các quốc gia).

Một nghiên cứu khác gần đây của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho thấy 48% công dân EU được khảo sát có cái nhìn tồi tệ hơn về Trung Quốc, kể từ COVID-19. Các nghiên cứu của Gallup, YouGovViện Thay đổi Toàn cầu vẽ ra một bức tranh tương đồng: Nhận thức toàn cầu về Trung Quốc ngày càng tiêu cực.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc được xem là thể hiện rõ ràng mong muốn có vai trò lãnh đạo toàn cầu. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017 tại Davos, ông Tập nói Trung Quốc sẽ “dang rộng vòng tay với các nước khác và chào mừng họ lên chuyến tàu siêu tốc trên hành trình phát triển của Trung Quốc”. Tham vọng này có vẻ “đúng lúc” khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trở nên bớt mặn mà với các thể chế quốc tế.

Nhưng không chỉ có vai trò lãnh đạo, tham vọng của Trung Quốc còn là tái lập lại trật tự quốc tế. Trong mắt Bắc Kinh, Mỹ có vẻ đang có lợi thế hơn, và Trung Quốc muốn cùng với Nga thúc đẩy một trật tự quốc tế “đúng đắn và công bằng”.

Chuyến tàu vắng khách

Theo nhà nghiên cứu Nicholas Ross Smith, Đại học Nottingham Ningbo, Trung Quốc, các sáng kiến như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (IDB) và Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, dường như đã đặt nền móng cho một trật tự có thể thay thế, hoặc thậm chí đối đầu với trật tự do Mỹ dẫn đầu.

Tuy nhiên, để có thể định hình lại trật tự quốc tế, Trung Quốc cần có các đối tác “chung” tầm nhìn.

Trật tự quốc tế được xây dựng thông qua việc phát triển tình bạn bền chặt với các cường quốc nổi bật. Việc này không chỉ bao gồm các liên kết chiến lược và quy tắc, mà còn cả sự hiểu biết văn hóa cũng như nền tảng lịch sử vững chắc. Vấn đề đối với Trung Quốc là, ngoài Nga, Pakistan và một số quốc gia có thể xem như “khách hàng” ở châu Phi, dường như rất ít quốc gia sẵn sàng bước lên “chuyến tàu tốc hành trên hành trình phát triển của Trung Quốc”.

Nhận về cái nhìn tiêu cực trong nhận thức toàn cầu là một “đòn” giáng mạnh vào các mục tiêu và mong muốn của Trung Quốc ở quốc tế.

Và họ không kiểm soát được hết. Với vị thế là một cường quốc đang lên, nhưng lại “không đến từ phương Tây”, bất cứ điều gì họ làm, sẽ bị bên ngoài nhìn vào với sự nghi ngờ, đặc biệt là trong trật tự mà phương Tây là trung tâm như hiện nay.

Ban đầu, “ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc dường như đã hiệu quả, đặc biệt là ở Italy, Tây Ban Nha và Serbia. Trung Quốc như đang vươn lên là một nhà lãnh đạo toàn cầu và giúp đỡ các nước khi Liên minh châu Âu và Mỹ không làm được như vậy. Có những khoảnh khắc như khi Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic công khai hôn quốc kỳ Trung Quốc, và người dân ở Rome hát cảm ơn Trung Quốc từ ban công nhà họ trong khi áp dụng các lệnh phong tỏa.

Nhưng, chính sách ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc sớm lộ những phần “thô”. Các vấn đề về chất lượng nguồn cung cấp, cũng như cáo buộc rằng họ đang bán cho người trả giá cao nhất, thay vì làm vì mục đích nhân đạo, đã cản trở nỗ lực của Bắc Kinh.

“Trò chơi hai cấp”

Việc Trung Quốc không có khả năng sử dụng đại dịch như một bàn đạp để khẳng định vị trí lãnh đạo toàn cầu của mình một phần là do thiếu uy tín quốc tế. Mặt khác đây cũng là thách thức của Trung Quốc trong việc điều hướng “trò chơi hai cấp” ở trung tâm chính sách đối ngoại của họ.

Theo nhà khoa học chính trị người Mỹ Robert Putnam, một quốc gia phải cân bằng giữa “trò chơi” mà họ “chơi” với người dân (nghĩa là chính trị trong nước) và trò chơi mà họ “chơi” với các quốc gia khác (tương tác quốc tế).

Đối với Trung Quốc, dường như có một khoảng cách khá lớn giữa hai vấn đề này. Trung Quốc đưa ra câu chuyện về việc trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu nhân từ đồng cảm. Nhưng trong nước, câu chuyện lại tập hợp nhiều hơn xung quanh chủ nghĩa dân tộc, khẳng Trung Quốc như một cường quốc quốc tế đang phát triển.

Với áp lực trong nước, danh tiếng của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực. Một ví dụ là hiện tượng “cảm xúc bị tổn thương”: Công chúng Trung Quốc có xu hướng phản đối kịch liệt những hành vi được cho là xúc phạm của người nước ngoài.

Điều này thể hiện rõ trong thất bại của NBA năm ngoái, khi tổng giám đốc của Houston Rockets đăng tweet ủng hộ những người biểu tình ở Hong Kong, dẫn đến sự lên án rộng rãi và tẩy chay NBA ở Trung Quốc.

Tóm lại, nếu Trung Quốc muốn phục hồi động lực thúc đẩy vị trí lãnh đạo toàn cầu, họ cần các đối tác quốc tế cùng chung tầm nhìn về trật tự và chính trị quốc tế. Nhưng “lấy lòng” khán giả quốc tế và giới tinh hoa chỉ là một trong những thách thức – việc thuyết phục khán giả trong nước cũng quan trọng không kém.

Cho đến khi Trung Quốc có thể cân bằng cuộc chơi quốc tế và trong nước, mọi khát vọng về vị trí lãnh đạo toàn cầu của họ sẽ tiếp tục xa rời thực tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới